"Tưởng mơ hóa thật", đường ống Nga đón tín hiệu dậy sóng Balkan

Minh Đức |

Tờ Foreign Policy nhận định, trong cuộc chạy đua với phương Tây, Nga giữ một con bài có sức ảnh hưởng lớn, chính là xuất khẩu khí gas tự nhiên.

Năm 2018, xuất khẩu khí gas từ Nga sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức kỷ lục lên tới 201,8 tỷ mét khối. Và ngay cả khi không ngừng "dọa dẫm" Nga bằng các lệnh trừng phạt, một số quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục các dự án năng lượng với Moscow. Ví dụ như Berlin luôn ủng hộ đường ống Nord Stream 2 vận chuyển khí gas tự nhiên từ Nga sang bờ biển phía bắc Đức.

Và giờ đây, Nga có thể sử dụng một dự án lớn khác – TurkStream, để mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của mình tại sân sau châu Âu. Kết nối Nga - Thổ, đi qua Biển Đen, TurkStream khánh thành vào năm ngoái, và sẽ chính thức vận chuyển mẻ khí gas đầu tiên vào cuối năm nay.

Tưởng mơ hóa thật, đường ống Nga đón tín hiệu dậy sóng Balkan - Ảnh 1.

Một công nhân đang hoàn thiện đường ống TurkStream (ảnh: Getty)

Đường ống TurkStream được đánh giá là mang lại những ý nghĩa về cả thương mại và địa chính trị cho Nga. Về thương mại, nó giúp củng cố vị thế của Gazprom tại Thổ Nhĩ Kỳ - thị trường lớn thứ hai của tập đoàn Nga, chỉ đứng sau Đức.

Về địa chính trị, TurkStream đi qua Ukraine và làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược với Ankara vào thời điểm, những ràng buộc giữa Thổ và các đồng minh truyền thống ở cả hai bờ Đại Tây Dương, đang lung lay dữ dội.

TurkStream cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hiện diện của Tổng thống Vladimir Putin tại Balkan. Trong giai đoạn thứ hai, nếu thành công, đường ống sẽ vận chuyển 15,75 mét khối gas qua Bulgaria để đến Serbia, Hungary và Áo.

Cơ hội của Nga tại Balkan

Việc Krelim tìm cách mở rộng tiếng nói trên sân sau của EU không còn là điều bí mật. Nhưng những hoạt động của Nga trong lĩnh vực năng lượng ngày càng trở nên rõ ràng. Tất nhiên, châu Âu cũng tìm không ít cách để "chống đỡ" những nỗ lực của Moscow. Do TurkStream chỉ hoạt động trong nội khối EU, nên Gazprom sẽ phải đối mặt với các quy định chống độc quyền của châu Âu.

Phần lớn các quy định này ra đời sau khi Nga dừng xuất khẩu Nga cho Ukraine vào năm 2009. Chúng cũng hướng tới việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, nhằm tránh tình trạng phụ thuộc vào Nga. Một trong số đó là yêu cầu các công ty năng lượng không thể vừa sở hữu hạ tầng vận chuyển, vừa bán gas thông qua nó.

Quy định trên là một thách thức đối với Moscow, và đây là lý do tại sao Tổng thống Putin đang tăng cường tìm kiếm đối tác cho Gazprom tại Balkan. Trong chuyến thăm Serbia hồi tháng 1/2018, ông Putin đã ký kết thỏa thuận thành lập công ty liên doanh giữa Gazprom và tập đoàn khí đốt quốc gia Srbijagas – để xây dựng hơn 400km đường ống tại đây. Trong tháng 3, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng đã có mặt tại Bulgaria nhằm đàm phán cho gần 500km đường ống khác.

Tưởng mơ hóa thật, đường ống Nga đón tín hiệu dậy sóng Balkan - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Aleksandar Vučić tại thủ đô Belgrade tháng 1/2019 (ảnh: Reuters)

EU có thể cho phép Berlin bỏ qua luật chống độc quyền đối với đường ống Nord Stream 2, nhưng mọi thứ sẽ không dễ dàng như vậy tại Balkan. Chẳng hạn, Serbia có thể sẽ phải "trả giá" nếu chấp nhận thỏa thuận với Gazprom và để tập đoàn Nga nắm 51% cổ phần của TurkStream. Nếu xảy ra, điều này gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc xin gia nhập EU của Serbia.

Trong trường hợp Bulgaria, để "xoa dịu" châu Âu, Thủ tướng Boyko Borissov đã đề nghị TurkStream chỉ là một đường ống dẫn tới Trung tâm khí đốt Balkan mới, nơi cũng sẽ tập hợp các nguồn khí được cung cấp từ Azerbaijian và các mỏ khí ngoài khơi Biển Đen.

Theo ông, Trung tâm khí đốt Balkan mới sẽ giúp đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, có vẻ như Medvedev và Gazprom không ủng hộ việc Bulgria có thể trộn lẫn và bán lại gas thông qua một hạ tầng thương mại được EU "chống lưng". Việc này dẫn tới kết quả, ông Borissov gần như sẽ không có được trợ giúp tài chính hoặc miễn trừng phạt từ Ủy ban châu Âu.

Tuy vậy, Sofia vẫn còn một lợi thế trong đàm phán với Moscow. Theo hợp đồng hiện tại của Gazprom với Bulgaria, tập đoàn Nga sẽ phải trả "phí quá cảnh" khi vận chuyển gas qua Bulgaria cho tới năm 2030. Thời điểm hợp đồng đó được ký kết, hầu hết khí gas đều được vận chuyển qua đường ống Xuyên Balkan, có kết nối với Ukraine. Sự xuất hiện của TurkStream khiến tuyến đường ống này trở nên không còn hữu dụng. Chính phủ Bulgaria có thể đòi Gazprom bồi thường cho doanh thu bị mất từ phí quá cảnh.

Để tránh phải trả hàng trăm triệu USD, ông Putin nhiều khả năng sẽ chấp nhận một số nhân nhượng với Sofia, bao gồm cả việc đảm trách một phần nào đó nguồn tài chính xây dựng phần ống TurkStream đi qua Bulgaria.

Serbia và Hungary cũng có thể "bắt tay" với Bulgaria để gây sức ép lên Nga; nhưng tất nhiên đây không hề là một lựa chọn dễ dàng. Giới lãnh đạo Serbia có mối quan hệ đặc biệt với ông Putin – một đồng minh quốc tế quan trọng của nước này trong một số vấn đề quan trọng như Kosovo.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng muốn phát triển các quan hệ kinh tế và chính trị với Nga; trong khi Thủ tướng Borissov muốn thông qua quan hệ với Nga để hạn chế những bất ổn nội địa. Nói cách khác, với TurkStream nói riêng và con bài năng lượng nói chung, Moscow đang chứng kiến nhiều tín hiệu tích cực hơn là tiêu cực tại khu vực Balkan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại