Câu chuyện 12 con giáp tại khu du lịch Hòn Dáu, Hải Phòng đang làm dậy sóng dư luận. Thật buồn cười là từ những ý kiến chê bai, mạt sát và quy chụp trên mạng xã hội, doanh nghiệp sở hữu những bức tượng này có nguy cơ mất một khoản phí không hề nhỏ để sửa chữa hoặc di dời toàn bộ 12 bức tượng.
Theo tôi, câu chuyện này rất nhỏ nhưng dư luận đã nhạy cảm quá mức, đôi khi một số người tự cho mình cái quyền yêu cầu người khác phải làm theo ý mình một cách cực đoan và phi lý. Họ đang bắt ép 12 bức tượng, 12 con giáp phải gồng gánh sứ mệnh giữ gìn "truyền thống văn hoá", giữ gìn "thuần phong mỹ tục" với những lời quy chụp khá nặng nề.
Tất nhiên về mặt cảm quan, các bức tượng trên không đẹp. Nhưng đây không hẳn là không gian công cộng, nó nằm trong khuôn viên khu du lịch, vì vậy doanh nghiệp họ có quyền tự quyết về với những sản phẩm của mình. Tượng khoả thân không phải các sản phẩm bị cấm đặt trong khu du lịch.
Nhưng ngay sau khi có những thông tin trên mạng, cơ quan chức năng - Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Hải Phòng đã sốt sắng làm việc với doanh nghiệp đang sở hữu 12 bức tượng khá đặc biệt này. Một số yêu cầu đã được đặt ra, đó là doanh nghiệp phải sửa chữa, khắc phục những điểm nhạy cảm hoặc di dời để tránh ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.
Và để làm theo yêu cầu, chủ doanh nghiệp đã cho 12 con giáp mặc váy, quần để che đi những phần nhạy cảm của các bức tượng. Bây giờ thì nhìn 12 pho tượng mới thực sự lố bịch, nhố nhăng và phản cảm.
Tôi cho rằng, trong vụ việc này, cơ quan quản lý đang làm việc có phần vội vàng. Sự nóng vội, sốt ruột đến từ áp lực trên mạng xã hội rồi sau đó đưa ra những mệnh lệnh hành chính một chiều, thiếu sự lắng nghe đang làm khó cho doanh nghiệp.
Nếu như ai đã từng đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội, ở khu vực nhà mồ Tây Nguyên thì đều thấy, tại đây có vô số những bức tượng thể hiện việc quan hệ nam nữ rất trực quan, sinh động. Các bức tượng này về mặt thẩm mỹ cũng không hề đẹp. Các khối gỗ được đẽo gọt xù xì, thô ráp, phần nổi bật nhất chỉ là các bộ phận sinh dục nam nữ.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn về văn hoá dân gian, phồn thực thì tượng lại được chấp nhận và chẳng bậc phụ huynh nào có ý kiến về việc những bức tượng gỗ đó phản cảm, không hợp thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Mỗi năm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, trong đó có rất nhiều trẻ em.
Tương tự như vậy, ở nhiều địa phương, những lễ hội như "Linh tinh tình phộc" mô tả lại cảnh trai gái quan hệ để duy trì nòi giống vẫn diễn ra đều đặn hàng năm. Cơ quan quản lý Nhà nước, ban tổ chức, người dân tham gia lễ hội đều rất vui vẻ.
Ở Lạng Sơn, còn có lễ hội rước hẳn mô hình dương vật rất to, dài và được sơn xanh, sơn đỏ. Vậy lễ hội này có ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, đến thuần phong mỹ tục hay không? Hỏi đôi khi cũng đã là trả lời.
Người Việt Nam mê du lịch hẳn ai cũng biết, tại Hàn Quốc, trên hòn đảo du lịch Jeju có công viên tình dục cực kỳ nổi tiếng. Ở đó có vô số những bức tượng miêu tả, thể hiện các động tác quan hệ, kỹ năng tình dục mạnh bạo, thậm chí rất shock. Nhưng người Hàn Quốc không thấy phiền vì chuyện đó. Họ vui vẻ vì hòn đảo thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.
Ảnh: Hoàn Như
Các clip, hình ảnh về quần thể tượng này xuất hiện nhan nhản trên truyền thông. Và các cơ quan quản lý về mặt văn hoá cũng không tới tuýt còi, yêu cầu tượng phải mặc quần hoặc che đi các bộ phận, tư thế nhạy cảm bởi họ hiểu đâu là nơi chốn kinh doanh đơn thuần cần sự vui vẻ, phá cách, đâu là phạm trù văn hoá, đạo đức.
Chúng ta đang sống trong thời đại của truyền thông, internet. Và theo thống kê của trang web chuyên tìm kiếm google thì người Việt Nam có lượt truy cập, tìm kiếm những thứ liên quan đến sex, quan hệ tình dục nhiều nhất thế giới. Chẳng lẽ chúng ta cũng cấm luôn internet vì nó khiến người Việt mất đi thuần phong, mỹ tục?
Vì vậy sẽ rất buồn cười nếu chỉ vì những hình ảnh các bức tượng ở truồng được đưa lên facebook mà doanh nghiệp phải liên tiếp phải chạy theo xử lý, giải trình bởi những ý kiến giời ơi đất hỡi trên mạng xã hội.
Họ bỏ tiền làm tượng để tạo điểm nhấn, thu hút khách thì nên khuyến khích thay vì chỉ nhăm nhăm soi xét và áp đặt những quan điểm rất trừu tượng kiểu như: Không hợp thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng đến trẻ nhỏ...
Trong vụ việc lùm xùm không đáng có này, chỉ cần một tấm biển hướng dẫn đặt ở trước lối vào vườn tượng với nội dung: "Khu vườn dành riêng cho người lớn". Vậy là xong. Không lẽ các bậc phụ huynh cố tình đưa con em mình trốn vào xem rồi la làng lên con tôi bị ảnh hưởng.
Nên nhớ, công sức để tạo ra vườn tượng 12 con giáp không hề nhỏ. Đó là đồng tiền mồ hôi, nước mắt của doanh nghiệp.
Họ làm du lịch thì phải sáng tạo, vui vẻ. Nếu đặt những bức tượng Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi... này dưới hệ quy chiếu dân gian, phồn thực thì mọi chuyện rất đơn giản. Vì vậy, hãy suy nghĩ rộng hơn và thoáng hơn để không làm "khổ" doanh nghiệp.
Chúng ta có rất nhiều việc cần làm, cần lên tiếng, cần thể hiện sự bất bình để xã hội thay đổi theo hướng tích cực hơn. Đừng đi ném đá những pho tượng được làm theo hướng vui vẻ, phồn thực rồi bắt tượng phải che đi những nõ với nường bằng cách mặc váy, mặc quần.
Sự phản cảm đôi khi đến từ chính những cái quần, váy được mặc không đúng chỗ chứ không phải những pho tượng ở truồng.
Tượng 12 con giáp khỏa thân ở Hòn Dáu đã được mặc quần (Hoàn Như)