Cuộc gặp bắt đầu từ sáng sớm và 12 giờ đồng hồ sau vẫn còn tiếp tục. Sự kiện lần này này diễn ra hơn 1 tuần sau đối thoại của 2 ngoại trưởng ở Mátxcơva, nơi họ đạt được đồng thuận gồm 5 điểm để “nhanh chóng giải tán binh lính và giảm căng thẳng” ở khu vực biên giới dài 3.488km.
Cuộc họp hôm qua diễn ra khi mùa đông cận kề, thời gian mà nhiệt độ trên vùng núi Himalaya có thể rơi xuống âm 60 độ C. Nếu hai bên không thể xuống thang, hàng ngàn binh lính của họ sẽ phải đóng quân ở đó trong mùa đông vô cùng khắc nghiệt.
Đoàn Ấn Độ tham dự cuộc họp hôm qua do Trung tướng Harinder Singh của Trung đoàn 14 dẫn đầu. Trong đoàn cũng có một nhà ngoại giao từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ, thư ký phối hợp Naveen Srivastava, khiến đây trở thành cuộc họp quân sự - ngoại giao phối hợp đầu tiên giữa hai bên.
Đây là lần đầu tiên các chỉ huy cấp trung đoàn Ấn Độ - Trung Quốc gặp nhau kể từ cuộc gặp suốt 10 giờ đồng hồ ở Moldo hôm 2/8.
Từ đó, binh lính hai bên va chạm nhau ít nhất hai lần và cáo buộc nhau nổ súng chỉ thiên trước, phá vỡ thỏa thuận nhiều năm qua về việc không nổ súng trong 2km tính từ đường phân chia thực tế. Binh lính hai bên cũng vừa xung đột ở Chushul, nơi gần địa điểm diễn ra cuộc họp hôm qua.
Theo ông Sameer Patil, một nghiên cứu sinh về an ninh quốc tế tại viện nghiên cứu Gateway House ở Mumbai, Ấn Độ đang muốn gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng Delhi cam kết tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho xung đột.
“Ấn Độ muốn bảo đảm rằng họ không từ bỏ ngoại giao để chỉ đàm phán ở cấp quân sự”, ông Patil nói.
Theo các quan chức Ấ Độ, phái đoàn của họ có khả năng nhấn mạnh quan điểm của chính phủ về việc “duy trì nguyên trạng”, nghĩa là quân Trung Quốc phải rút về vị trí từ tháng 4 trở về trước.
Họ nói thêm rằng phía Ấn Độ duy trì quan điểm rằng Trung Quốc phải có bước đầu tiên nhằm giải tán binh lính. Những người trong cuộc nói rằng Ấn Độ bảo vệ quan điểm rằng Trung Quốc “khơi mào” vụ đối đầu, vì thế phải rút lui trước.
Nếu không tìm được giải pháp, hai bên sẽ phải thực hiện công tác hậu cần vô cùng khó khăn để duy trì binh lính trên núi cao. Hai bên đến nay vẫn khẳng định họ có đủ khả năng.
Thiếu tướng Arvind Kapoor, tham mưu trưởng Trung đoàn 14, tuần trước nói rằng quân đội Ấn Độ có “kinh nghiệm bậc thầy” về hậu cần vì đã có kinh nghiệm trong các tình huống chiến đấu và phi chiến đấu ở vùng cao Jammu và Kashmir.
Còn Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 20/9 nói rằng binh lính nước này ở biên giới đã được trang bị đồ bảo hộ “công nghệ cao” để chịu đựng thời tiết cực đoan, trong đó có mũ trùm đầu chống lạnh và quần áo giữ ấm dùng công nghệ nội địa mới nhất.