Mới đây, Hindustan Times dẫn lời Tư lệnh hải quân Ấn Độ - Thượng tướng Sunil Lanba cho biết, hải quân Trung Quốc đang triển khai các hoạt động bình thường hóa ở Ấn Độ Dương và động thái này làm gia tăng lo ngại của các nước về ý đồ của Bắc Kinh ở khu vực.
"Một hạm đội gồm 50 tàu chiến luôn sẵn sàng chiến đấu của hải quân Ấn Độ đang tiến hành theo dõi hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương 24/24 giờ", tướng Lanba nói.
Ông nhấn mạnh thêm, trong thập kỷ qua, hải quân Trung Quốc đã trang bị sức mạnh hoạt động ở các vùng biển xa trong thời gian dài.
Tướng Sunil Lanba. Ảnh: Hindustan Times
"Ở bất kỳ thời điểm nào, họ [Trung Quốc] cũng duy trì 6-7 chiếc tàu chiến ở Ấn Độ Dương. Ngoài ra, họ còn gửi thêm hai tàu ngầm chính quy tới khu vực này mỗi năm nhưng năm nay [Ấn Độ] chưa phát hiện thêm sự hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc", ông nói.
Phát biểu của tướng Lanba được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tố cáo binh lính Trung Quốc tại căn cứ của nước này ở Djibouti đã chiếu laser vào máy bay quân sự Mỹ khiến 2 phi công bị thương hồi tuần trước.
Tướng Lanba cũng cáo buộc Trung Quốc đang đưa "túi tiền" vào sâu trong khu vực nhằm tăng cường sự hiện diện và đầu tư ở Ấn Độ Dương một cách "có hệ thống".
Theo một số chuyên gia, sự kiện Trung Quốc triển khai binh lính tới căn cứ hải quân hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, vùng Sừng Châu Phi vào tháng 7/2017 là kết quả "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh.
Hindustan Times cho biết, các quốc gia như Sri Lanka, Maldives và Pakistan cũng rơi vào chiến lược "ngoại giao bẫy nợ" bởi đây là những vùng lãnh thổ có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc ở hải ngoại.