Theo một nguồn tin nội bộ, đối tác chính của Apple, Foxconn, đang nghiên cứu khả năng chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone sang Mỹ. Apple bắt đầu xem xét phương án lắp ráp iPhone trong nước từ tháng 6, tức năm tháng sau khi Trump nói về việc Apple cần sản xuất iPhone ở Mỹ.
Vào tháng 1/2017, Donald Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ và có thể nhiều tuyên bố mà ông đưa ra trong quá trình tranh cử sẽ thành hiện thực.
Một trong số đó là đảm bảo Apple "sản xuất sản phẩm của họ ngay tại Mỹ". Đây là một trong những hành động "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" (make America great again) bởi hiện đa số các công ty phần cứng của Mỹ đều thuê lắp ráp sản phẩm tại châu Á, nhất là Trung Quốc.
Donald Trump khá quan tấm đến Apple. Trước đây, ông từng liên tục hối thúc hãng này tung ra iPhone màn hình lớn hay kêu gọi tẩy chay Apple vì không chịu mở khóa điện thoại của kẻ khủng bố...
Trong quá trình tranh cử của mình, Donald Trump liên tục nhắm vào Trung Quốc, cam kết sẽ có một lập trường cứng rắn hơn về thương mại và hy vọng sẽ làm nền sản xuất của Mỹ thịnh vượng trở lại.
Trước đây, ông Trump từng hứa hẹn sẽ thực hiện chính sách thuế 45% áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Tân Tổng thống Mỹ tương lai cũng cam kết sẽ có lập trường cứng rắn hơn và phục hồi sản xuất tại Mỹ, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân Mỹ.
Với hứa hẹn đảm bảo Apple "sản xuất sản phẩm của họ ngay tại Mỹ", có thể Donald Trump sẽ áp mức thuế cao nếu iPhone không được sản xuất tại Mỹ, để buộc hãng này chấp nhận.
Hiện tại, Táo đang thảo luận với Foxconn và Pegatron, hai đối tác lớn chịu trách nhiệm lắp ráp iPhone và iPad, để xây dựng kế hoạch chuyển đổi dây chuyền.
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin cho hay, việc này sẽ không hề dễ dàng vì nếu iPhone và iPad được sản xuất ngay trên đất Mỹ thì chi phí sản xuất, cũng như giá thành của sản phẩm này đều sẽ tăng lên gấp đôi.
Trong khi đó, việc phải nâng giá iPhone, khiến cho giá thành của chiếc điện thoại này càng trở nên ngất ngưởng với người tiêu dùng là điều Apple không mong muốn.
Trước đây, CEO Tim Cook từng ít nhất một lần than thở rằng giá thành của iPhone hiện tại vẫn ở mức cao. Và trong tương lai, hãng này muốn giảm giá cả của chiếc smartphone này xuống.
Hiện tại, việc iPhone sẽ tiếp tục sản xuất ở Trung Quốc hay sẽ chuyển sang Mỹ vẫn đang khiến Táo băn khoăn.
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, đáp lại chính sách của ông Trump, chính phủ nước này cũng đe dọa sẽ có những biện pháp đáp trả. Theo trang Global Times thì Trung Quốc sẽ lựa chọn cách tiếp cận theo kiểu "ăn miếng trả miếng".
Cụ thể, Một loạt các đơn đặt hàng của Boeing sẽ được thay thế bằng Airbus. iPhone và xe hơi của Mỹ sẽ bị giảm doanh số. Đậu tương và ngô nhập khẩu từ Mỹ cũng sẽ bị hạn chế.
Được biết, Trung Quốc hiện đang là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh kinh tế thì cả 2 bên đều sẽ là người chịu thiệt hại.
Trước đó, hồi đầu năm nay, nhiều trang tin quốc tế từng cho hay, chính phủ Trung Quốc đang có ý địch quét sạch sự hiện diện của Táo trên thị trường đất nước tỷ dân này. Để bắt đầu cho kế hoạch này, Trung Quốc đã cấm cửa hàng loạt dịch vụ của Apple tại đây.
Một dây chuyền tại Foxconn, nhà máy sản xuất iPhone cho Apple
Năm vừa qua, Apple cũng xảy ra không ít vụ tranh chấp bản quyền, thương hiệu với nhiều công ty của Trung Quốc. Trong các vụ việc, Tòa án địa phương đều đưa ra những phán quyết có lợi cho phía công ty Trung Quốc khiến Táo rơi vào thế khó.
Chưa kể, các hãng công nghệ đặc biệt là smartphone giá rẻ của Trung Quốc đang ngày càng nở rộ và đòi lấn chiếm thị phần với Táo tại Trung Quốc. Đây đều là những khó khăn Táo sẽ phải đối mặt khi tiếp tục đặt chân trên thị trường đông dân nhất thế giới này.
Có thể, Apple sẽ đặt những vấn đề này khi xem xét việc chuyển đổi nhà máy sản xuất về quê nhà.