Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM) có tổng diện tích được phê duyệt 2.870 ha, với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng (khoảng 9 tỷ USD) đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi ký quyết định thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch từ năm 2023.
Trước đó, hồi tháng 9/2022, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU (ngày 26/9/2022) về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Trong đó, xác định đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng.
Từ năm 2018, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã có Quyết định số 3800/QĐ-UBND ngày 05/9/2018 phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP.HCM).
Dưới đây là viễn cảnh phát triển phồn thịnh trong tương lai ở Khu đô thị lấn biển độc nhất vô vị Cần Giờ trong tương lai do ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.
Huyện Cần Giờ được xem là "lá phổi xanh" của TP.HCM do có rừng phòng hộ, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cần Giờ rộng 71.300 ha, với hơn 70.000 dân, nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km. Đây là địa phương duy nhất của thành phố giáp biển với chiều dài 23 km, nhiều sông rạch, rừng ngập mặn và các điều kiện tự nhiên phát triển du lịch, đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Trong ảnh là phối cảnh vùng trung tâm của khu đô thị biển Cần Giờ. Ảnh: UBND Cần Giờ
Đến năm 2030, tầm nhìn 2050, TP.HCM định hướng đưa Cần Giờ trở thành Thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam - điểm đến quan trọng quốc tế trong chuỗi đô thị biển Đông Nam Á thông qua phát triển đô thị xanh biển Cần Giờ.
Quy hoạch khu đô thị biển Cần Giờ gồm 5 phân khu chức năng, gồm: A (trung tâm hội nghị, nhà thiếu nhi, văn hoá, công trình thương mại dịch vụ), B (trung tâm văn hoá, thể thao, thương mại dịch vụ), C và D (đều là công trình thương mại dịch vụ), (công viên, không gian công cộng, biển nhân tạo). Khu đô thị có quy mô hơn 228.000 người.
Theo định hướng điều chỉnh, khu A có diện tích 954 ha, chức năng chính là khu vui chơi, giải trí (công viên chuyên đề, sân golf...); du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; thương mại, dịch vụ, văn hoá… So với trước, nơi này được bổ sung quần thể các trung tâm hội nghị, kết hợp quảng trường, cây xanh.
Công viên chuyên đề ở khu A được bố trí nhiều mảng xanh, hồ nước, kết hợp cảnh quan phục vụ người dân, du khách vui chơi, giải trí.
Đô thị biển Cần Giờ sẽ có công viên, quảng trường, sân golf, resort, sân vận động, toà nhà 108 tầng, đưa nơi đây thành điểm giải trí, du lịch tầm cỡ khu vực.
Phối cảnh khu nhà hát Cần Giờ, được xây dựng ở khu đô thị với tầm nhìn tuyệt vời ra biển. Ảnh: UBND Cần Giờ
Phối cảnh toà tháp 108 tầng ở mũi Hải Đăng thuộc khu C, xung quanh là các khu nhà ở cao tầng, văn phòng, thương mại, dịch vụ… Tòa tháp này dự kiến sẽ trở thành biểu tượng của Đô thị lấn biển Cần Giờ.
Khu B rộng khoảng 660 ha, được quy hoạch với không gian trọng tâm là tổ hợp công trình văn hóa, thể thao, sân vận động ở những nút giao lớn. Nơi này được bố trí các cụm công trình cao tầng thương mại, dịch vụ tạo đối xứng bên khu A, hình thành quần thể điểm nhấn cho khu trung tâm.
Cửa ngõ ra vào khu B sẽ bố trí các công trình công cộng như bãi xe, bệnh viện, trường học; văn phòng, trung tâm thương mại…
Khu C và D tổng diện tích hơn 798 ha, bố trí sân thể thao kết hợp cảnh quan, quảng trường và công trình hỗn hợp, trung tâm thương mại, trường học...
Bãi tắm công cộng kết hợp nhiều tiện ích, cảnh quan trong khu đô thị. Ảnh: UBND Cần Giờ
TP. HCM cũng đang lên kế hoạch triển khai hàng loạt dự án cầu, đường, mở tuyến metro kết nối với dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong ảnh là phối cảnh dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh trong tương lai. Cầu Cần Giờ dự kiến dài khoảng 7,3 km (gồm cả đường dẫn), tổng mức đầu tư cầu khoảng 12.725 tỷ đồng, tăng hơn 2.700 tỉ đồng so với trước đây do cập nhật lại một số hạng mục. Công trình đang được tính toán đầu tư theo các phương thức: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng tiền, hoặc đầu tư công. Ảnh: UBND Cần Giờ
Hiện nay, việc kết nối giữa huyện Cần Giờ và phần còn lại của TPHCM chủ yếu thông qua trục đường Huỳnh Tấn Phát - phà Bình Khánh - đường Rừng Sác. Trong tương lai, quy mô đường Rừng Sác hiện tại sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông khi hai dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng. TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng đường trên cao từ nút giao đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, chạy dọc theo đường Rừng Sác đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa.
Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất bổ sung tuyến đường sắt đô thị (metro) tại huyện Cần Giờ vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Tuyến metro này chạy dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ Khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước) tại huyện Nhà Bè. Cùng với tuyến metro, ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết đang nghiên cứu phương thí điểm 100% xe điện trên toàn huyện Cần Giờ.
Đặc biệt, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm kế bên Khu đô thị biển Cần Giờ sẽ trở thành "mỏ vàng" tương lai của thành phố đông dân, giàu top đầu cả nước như TP.HCM. Tổng mức đầu tư dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 129.000 tỷ đồng. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 129.000 tỷ đồng (5,5 tỷ USD), do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư. Siêu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ giúp TPHCM hoàn thành giấc mơ tiến ra biển lớn.