Khi quả tên lửa mang theo mô-đun đầu tiên của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) được phóng đi tại Kazakhstan tháng 11/1998, giới chức NASA tuyên bố trạm sẽ đóng vai trò là ngôi nhà của các phi hành gia trên quỹ đạo Trái Đất trong ít nhất 15 năm.
Đến thời điểm này thì ISS đã hoạt động được trên 18 năm và vẫn đang tiếp tục bền bỉ phục vụ. Đây là một trạm không gian ấn tượng trên quĩ đạo, với không gian sống là một ngôi nhà 6 giường ngủ, 2 phòng tắm và một cửa sổ lớn nhìn xuống Trái Đất.
Mỹ, Nga và các đối tác quốc tế đã mất hai thập kỷ và trên 100 tỉ USD để đưa trạm ISS vào hoạt động. Vấn đề hiện nay là, trong lúc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hướng tới sứ mạng đưa con người trở lại Mặt Trăng, thì trạm quỹ đạo "già nua" này đang trở thành một gánh nặng tài chính và chưa rõ tương lai của nó sẽ về đâu.
Mô đun đầu tiên của ISS, Zarya Control, được phóng bởi tên lửa Proton của Nga từ sân bay vũ trụ Baikonur Cosmodrome, Kazakhstan, ngày 20/11/1998.
Mỗi năm NASA phải chi từ 3-4 tỉ USD để vận hành trạm quỹ đạo cũng như đưa phi hành gia đi về. Con số này chiếm khoảng một nửa ngân sách dành cho hoạt động thám hiểm vũ trụ của NASA.
Mỹ và các quốc gia khác đã cam kết đóng góp kinh phí duy trì ISS cho đến ít nhất năm 2024, nhưng chắc chắn mốc thời gian này sẽ kéo dài hơn thế.
Ông Gilles Leckerc, Giám đốc bộ phận thám hiểm vũ trụ tại Cơ quan Vũ trụ Canada cho biết sẽ không có chuyện các đối tác quốc tế sẽ ngồi lại cùng nhau trong vòng 5 năm tới và quyết định để ISS lao xuống biển, rồi chuyển hướng các nguồn lực sang những mục tiêu vũ trụ khác.
"Đó sẽ là một sự lãng phí. Chúng ta không thể vứt bỏ ISS khi đã đầu tư quá nhiều vào đó. Rõ ràng các đối tác đều nhất trí rằng chúng ta vẫn tiếp tục cần một trạm không gian ở quỹ đạo tầng thấp của Trái Đất", đài NPR dẫn lời ông Leclerc nói.
Vì thế NASA đã đề xuất một ý tưởng tiết kiệm, đó là chuyển trạm vũ trụ cho sở hữu tư nhân. Đó là lý do vài tuần trước đây, giới chức NASA đã tổ chức một cuộc họp báo tại sàn chứng khoán NASDAQ ở thành phố New York.
"NASA đang mở cửa Trạm Vũ trụ Quốc tế với các cơ hội thương mại và quảng bá những cơ hội này, điều chúng tôi chưa từng làm trước đây", Giám đốc tài chính NASA Jeff DeWit phát biểu tại sự kiện.
"Việc thương mại hóa quỹ đạo tầm thấp Trái Đất sẽ cho phép NASA tập trung nguồn lực vào việc đưa người phụ nữ đầu tiên cũng như người Mỹ tiếp theo trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 trong giai đoạn đầu tiên nhằm xây dựng một sự hiện diện bền vững ở Mặt Trăng để chuẩn bị cho các sứ mạng trong tương lai tới Sao Hỏa".
Cũng tại hội nghị, nhà du hành Christina Koch đã xuất hiện trong đoạn video được quay từ vũ trụ phát biểu rằng: "Chúng tôi rất vui được là một phần trong chương trình của NASA khi phòng thí nghiệm và ngôi nhà của chúng tôi trong vũ trụ được biến thành nơi dành cho các cơ hội quảng bá và thương mại cũng như cho các phi hành gia tư nhân".
Với sử gia vũ trụ John Logsdon tại trường Đại học George Washington, tất cả những sáng kiến trên đã từng được nhắc đến trong quá khứ, khi ISS thậm chí còn chưa ra đời.
Trở lại thập niên 1980, khi chính quyền Tổng thống Ronald Reagan lần đầu tiên đề xuất xây dựng một trạm vũ trụ vĩnh cửu, thì kế hoạch đã bao gồm ý tưởng nơi này có thể "trở thành một địa điểm phục vụ một loạt các hoạt động thương mại khác nhau, thu về hàng tỉ USD", ông Logsdon cho biết. "Chúng ta đang ở năm 2019 và cuối cùng cũng sẽ thử nghiệm giả thuyết đó".
Tuy vậy, khi các phóng viên hỏi về con số lợi nhuận dự kiến thu được từ các hoạt động thương mại mới trên ISS, giới chức NASA đã không đưa ra bất kỳ con số nào mà nói rằng vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn. "Các thị trường và dịch vụ, để tạo ra doanh thu, sẽ cần thiết cần phải có sự tham gia của lĩnh vực kinh doanh và sáng tạo tư nhân", người phát ngôn NASA nói.
"Đó là một câu trả lời đúng đắn bởi vì chính họ cũng chưa biết rõ", ông Tommy Sanford, Giám đốc điều hành Liên đoàn Chuyến bay Thương mại, nhận xét.
Nhưng nếu ISS trở thành điểm đến thương mại, thậm chí thuộc sở hữu tư nhân, thì NASA có thể chỉ còn là một trong nhiều khách hàng của trạm. "Các bạn cần tập trung vào việc bổ sung càng nhiều khách hàng càng tốt và hy vọng sẽ đạt tới 'điểm bùng phát', khi bạn giữ chân được tất cả họ", ông Sanford nói.
"Điều đó cuối cùng sẽ giảm chi phí của NASA, vì các bạn chỉ là một trong nhiều khách hàng. NASA không phải gánh chịu toàn bộ chi phí cơ sở hạ tầng và vận chuyển nữa".
Tuy nhiên, một câu hỏi khác lại đặt ra là liệu có doanh nghiệp nào sẵn sàng nhận vận hành một trạm vũ trụ mà không có chính phủ đứng sau "bơm" tiền.
"Thật lòng mà nói, lợi ích thương mại ít ỏi mà ISS cho thấy trong gần 20 năm hoạt động khiến chúng tôi phải tạm dừng các kế hoạch hiện nay của NASA", Tổng thanh tra NASA Paul Martin phát biểu trước Quốc hội vào năm ngoái.
Trong khi tất cả các cuộc thảo luận còn đang tiếp diễn, ISS đang trở nên già cỗi hơn mỗi ngày. Vũ trụ là một môi trường quá khắc nghiệt. Các thiết bị phần cứng đang hao mòn và những linh kiện quan trọng trên trạm chỉ còn được cấp chứng nhận cho đến năm 2028.
"Trạm vũ trụ thực sự chỉ còn không đầy 10 năm tuổi đời nữa", Dava Newman, một nhà khoa học tại trường MIT và là một cựu Phó giám đốc của NASA cho biết. Bà Dava đã lên ISS làm các thí nghiệm và rất yêu "ngôi nhà" này, nhưng bà cho rằng trong lúc thời gian đang trôi nhanh, cần phải có một kế hoạch chiến lược cho sự kết thúc của ISS.
"Cần giao một số thành phần của trạm vũ trụ cho lĩnh vực tư nhân nắm, một hoặc hai mô-đun chẳng hạn. Tất cả phải được tính đến, có thể là với ngân sách của chính phủ", bà Dava nêu ý kiến.
Và cuối cùng, theo quy luật, những bộ phận lớn của ISS cũng sẽ phải rơi trở lại Trái Đất. Khi được hỏi thời điểm NASA dự kiến đánh trệch quỹ đạo để tiễn ISS "về hưu", một người phát ngôn của cơ quan này cho biết họ vẫn chưa đặt ra một năm cụ thể nào.
"Quá trình chuyển đổi trạm vũ trụ sẽ chỉ xảy ra khi các điểm đến thương mại có thể ở được đã sẵn sàng và có thể hỗ trợ các nhu cầu của NASA với tư cách một trong nhiều khách hàng", người phát ngôn NASA cho biết.