Các chuyến du lịch hoang dã là cách để mọi người có được cái nhìn trực diện về đời sống của các loài động vật ngoài tự nhiên. Hiểu hơn, và nhờ vậy góp phần không nhỏ để bảo vệ chúng.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí Ecology and Evolution, thì mọi chuyện không chỉ toàn màu hồng. Xét trên một số góc độ, các chuyến du lịch như vậy đang gây ảnh hưởng xấu cho động vật hoang dã, đặc biệt là với loài báo đốm tại Kenya, châu Phi.
Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng các chuyến du lịch với mật độ quá dày tại công viên Maasai Mara (Kenya) đang khiến một lượng lớn báo đốm không thể nuôi và dạy con đúng cách. Tại các khu vực có mật độ du lịch dày đặc, trung bình báo mẹ chỉ nuôi dạy được 0,2 báo con tự lập thành công trong mỗi đàn.
Trong khi đó ở các khu vực ít người, con số rơi vào khoảng 2,3 con.
Báo đốm tại Kenya đang gặp rắc rối khi nuôi con
Theo tiến sĩ Femke Broekhuis - tác giả nghiên cứu - thì lý do cũng chính là vì mật độ du lịch quá dày. Từng đoàn người liên tục xuất hiện, quan sát báo mỗi ngày, và dẫn đến hệ quả trên.
"Không có bằng chứng nào về việc du khách trực tiếp khiến động vật tử vong" - Broekhuis cho biết.
Trong quá trình nghiên cứu về báo từ 2013 - 2017, tiến sĩ Broekhuis cho biết cô đã từng thấy 64 chuyến xe đến xem 01 con báo chỉ trong vòng 2h đồng hồ.
"Thế nên, tác động ở đây là gián tiếp, khi nó khiến thói quen của báo bị thay đổi, làm tăng mức độ căng thẳng, hoặc giảm lượng thức ăn tiêu thụ. Tất cả khiến khả năng tự sinh tồn của báo non thấp đi."
Dù vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng các tour du lịch hoang dã vẫn mang lại lợi ích rất lớn. Khách du lịch đến, họ trả tiền và số tiền ấy được dùng vào công tác bảo tồn động vật. Như trường hợp của khỉ đột Gorilla chẳng hạn, đó là một ví dụ cho thấy tác dụng của du lịch hoang dã là rất thành công.
Tại Rwanda - một trong ba quốc gia có tour du lịch quan sát khỉ đột, khách du lịch đã đóng góp tới 200 triệu USD/năm cho Công viên Núi lửa quốc gia tại đây.
Số tiền này sẽ được dùng để cải thiện công tác bảo tồn động vật, giúp cho không chỉ loài khỉ đột, mà còn vô số các loài linh trưởng khác tại vùng núi này. Và theo thống kê, số lượng các loài linh trưởng tại đây đã tăng 25% so với năm 2010.
Giảm bớt mật độ phương tiện tham quan có thể là giải pháp
Vấn đề bây giờ chỉ là làm thế nào để hạn chế tác động của du khách lên động vật. Có thể bằng việc giới hạn số lượng người tham quan, giới hạn số lượng xe trong từng giai đoạn, và ngăn các phương tiện đến quá gần.