Tuần này, Giáo sĩ Moqtada al-Sadr yêu cầu ông Mahdi kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm để dập tắt làn sóng biểu tình lớn nhất tại Iraq kể từ năm 2003. Các cuộc biểu tình nổ ra trong bối cảnh người dân bất mãn về tình trạng tham nhũng và kinh tế khó khăn.
Giáo sĩ này thúc giục đối thủ chính trị chính của mình là Hadi al-Amiri giúp "soán ngôi" ông Mahdi.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp kín tại thủ đô Baghdad – Iraq hôm 31-10, Tư lệnh Lực lượng tinh nhuệ Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani đã can thiệp. Ông Soleimani đề nghị ông al-Amiri và các nhà lãnh đạo dân quân tiếp tục hỗ trợ thủ tướng Iraq.
Thủ tướng Abdel Abdul Mahdi. Ảnh: Reuters
Cả đại diện của ông al-Sadr lẫn ông al-Amiri đều không bình luận về thông tin trên. Một quan chức an ninh Iran xác nhận với Reuters rằng ông Soleimani có tham gia cuộc họp hôm 31-10 và "đưa ra lời khuyên".
"An ninh (của Iraq) rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi từng giúp đỡ họ trong quá khứ. Người đứng đầu Lực lượng Quds thường xuyên tới Iraq và các nước trong khu vực, đặc biệt là khi các đồng minh của chúng tôi yêu cầu sự giúp đỡ" – quan chức giấu tên Iran nói.
Trước cuộc họp 1 ngày, ông al-Amiri được cho là đồng ý hợp tác với ông al-Sadr sau khi giáo sĩ này kêu gọi giúp lật đổ ông Mahdi. Tuy nhiên, cuộc họp hôm 31-10 khiến kế hoạch bị thay đổi.
Nhiều nhà lãnh đạo dân quân bày tỏ lo ngại trong cuộc họp rằng nếu lật đổ ông Mahdi, Lực lượng Huy động Phổ biến (PMF) có thể bị suy yếu. PMF là một chiếc ô của các nhóm bán quân sự người Shiite do Iran hậu thuẫn.
Sau cuộc gặp với ông Soleimani, ông al-Amiri thay đổi giọng điệu. Người này tuyên bố việc lật đổ ông Mahdi sẽ gây ra hỗn loạn và đe dọa sự ổn định, theo một nguồn tin.
Sự can thiệp trực tiếp của ông Soleimani (nếu có) là dấu hiệu mới nhất về việc Iran đang gia tăng ảnh hưởng tại Iraq và trên toàn khu vực.
Đầu tháng 10, Reuters dẫn lời các quan chức an ninh Iraq tiết lộ lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn đã triển khai các tay súng bắn tỉa trên nóc nhà ở thủ đô Baghdad nhằm cố gắng giúp dập tắt các cuộc biểu tình. Reuters cũng nhận định nếu Iraq rơi vào khủng hoảng, Iran có nguy cơ mất đi tầm ảnh hưởng trong khu vực.