Ngày 4/4, viên tướng uy quyền người Libya Khalifa Haftar công khai tuyên bố sẽ phát động một chiến dịch quân sự để chiếm lại Thủ đô Tripoli.
Văn phòng truyền thông của ông sau đó đã chủ đích cho đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh hàng chục xe bọc thép mang biểu tượng "Quân đội Quốc gia Libya" (LNA) do chính Haftar đứng đầu đang rầm rập tiến về thủ đô Libya.
Các lực lượng của tướng Haftar tuyên bố Tripoli sẽ "sụp đổ" trong vòng 48 giờ.
Chính phủ Hiệp định quốc gia Libya (GNA) được Liên Hợp Quốc thừa nhận có trụ sở tại Tripoli dường như đã bị bất ngờ và vội vã huy động các phe phái quân sự khác nhau ủng hộ mình tập hợp lực lượng bảo vệ thủ đô, đồng thời cũng tiến hành các cuộc không kích đáp trả quân của tướng Haftar.
Bất chấp mức độ nghiêm trọng của tình hình và nguy cơ dẫn tới một cuộc leo thang đẫm máu khác trong cuộc xung đột Libya vốn đã kéo dài nhiều năm nay, phản ứng của cộng đồng quốc tế tỏ ra khá yếu ớt.
Đêm thứ Sáu tuần trước, Anh đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo Liên Hợp Quốc (LHQ) với tuyên bố kêu gọi tướng Haftar "dừng lại mọi cuộc tiến công quân sự" sau khi Nga và Pháp cũng gây áp lực ở mức tối thiểu với LNA. Trong khi đó, Mỹ đưa ra quyết định di tản một số binh sĩ đóng quân ở Libya.
Đến ngày Chủ Nhật, khi GNA thông báo phát động chiến dịch "phản công", tình hình ở Libya vẫn rất căng thẳng. Với những báo cáo mâu thuẫn lẫn nhau đến từ cả hai phía và dường như đang diễn ra một trận chiến làm sai lệch thông tin có chủ đích, việc đánh giá chính xác những gì đang thực sự xảy ra là khá khó khăn.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, có một điều rõ ràng là tướng Haftar đã nhận được đủ sự ủng hộ của quốc tế để tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch quân sự và kết quả của nó sẽ được xác định bởi những gì xảy ra trong những tuần tới đây.
Tướng Khalifa Haftar (giữa) trong lần tham dự một hội nghị an ninh ở Benghazi, Libya. Ảnh: Retuers
Tại sao tướng Hafter lại tấn công vào thời điểm này?
Một chiến dịch tái chiếm Thủ đô Tripoli của LNA chỉ là vấn đề thời gian. Sau khi giành toàn quyền kiểm soát Benghazi ở miền Đông Libya vào năm 2017, suốt năm qua, tướng Haftar đã liên tục mở rộng thêm quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ khác, đồng thời tham gia vào các cuộc đàm phán với GNA dưới sự bảo trợ của nhiều quốc gia bên ngoài.
Tháng 1/2019, các lực lượng của ông phát động một chiến dịch chiếm giữ các mỏ dầu lớn ở miền Nam và đến cuối tháng này đã tiến vào Sabha, thành phố lớn nhất ở miền Nam Libya. Sau khi, về danh nghĩa, đã kiểm soát được ít nhất hơn 2/3 lãnh thổ Libya, tướng Haftar hướng mục tiêu về Tripolitania (Tây Libya) và Thủ đô Tripoli.
Trong bối cảnh sắp diễn ra một hội nghị quốc gia do LHQ đứng đầu, dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 4 tới đây, tướng Haftar buộc phải đẩy mạnh chiến dịch kiểm soát lãnh thổ của mình để qua đó giành lợi thế so với các đối thủ ở GNA. Đồng thời, tình trạng bất ổn đang diễn ra ở Algeria cung là một cơ hội hiếm có để Haftar phát động một chiến dịch quân sự.
Lo lắng về viễn cảnh cuộc xung đột ở Libya có thể tràn qua lãnh thổ của mình, giới lãnh đạo Algeria đã gấp rút thúc đẩy một giải pháp chính trị cho Libya khi chủ động đứng ra tổ chức nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan ở Libya.
Máy bay chiến đấu của LNA tấn công sân bay Tripoli
Với Algiers, GNA và các lực lượng Hồi giáo ở Libya phải được tham dự bất kỳ một cuộc dàn xếp xung đột nào mới có thể đảm bảo sự ổn định cho đất nước làng giếng này. Algeria coi các cuộc chơi "được ăn cả, ngã về không" của tướng Haftar là vô cùng nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn.
Hơn nữa, với vị thế của "bá chủ" Bắc Phi, Algiers coi các đồng minh Ả Rập như Ai Cập, UAE và Saudi Arabia là những địch thủ địa chính trị.
Cân nhắc tới tầm ảnh hưởng về chính trị và quân sự của Algeria trong khu vực, tướng Haftar đã tránh tiến gần tới biên giới Algeria và cho tới vài tháng trước đây, vẫn duy trì các kênh liên lạc với lãnh đạo Algeria.
Tuy nhiên, khi cuộc thanh lọc bộ máy an ninh và quân sự Algeria diễn ra từ giữa năm 2018 và cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika bùng phát vào tháng 2/2019, tướng Haftar đã tận dụng cơ hội này để phát động chiến dịch quân sự mở rộng mà không gặp phải những phản ứng dữ dội từ Algiers.
Haftar có lẽ cũng đã được những người nước ngoài ủng hộ mình "bật đèn xanh". Việc Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Jordan, và ngay cả Nga và Pháp hậu thuẫn cho LNA cả quân sự và chính trị không còn là điều bí mật.
Cuối tháng 3/2019, tướng Haftar đã tới Riyadh để gặp nhà vua Saudi Arabia Salman, gần như trùng với chuyến viếng thăm tới Ai Cập của Thái tử Mohammed bin Zayed của Abu Dhabi để gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Khó có khả năng các đồng minh thân cận nhất của Haftar lại không được thông báo về chiến dịch quân sự dự kiến của ông.
Sự phản ứng có chừng mực của cộng đồng quốc tế đối với cuộc tấn công vào Tripoli - sự kiện diễn ra ngay khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đang ở thăm thủ đô Libya cho thấy, nhiều quốc gia coi Haftar là giải pháp cho Libya, chứ không chỉ UAE, Ai Cập và Saudi Arabia.
Lực lượng quân sự của tướng Khalifa Haftar tham gia chiến dịch tiến đánh Tripoli
Kịch bản nào cho Libya?
Tình hình tại hiện trường đang thay đổi nhanh chóng và khó lường, nhưng ở thời điểm này, ít nhất ba kịch bản có thể xảy ra với những gì đang diễn ra ở Libya.
Đầu tiên, cuộc tấn công vào Tripoli có thể trở thành một cuộc xung đột kéo dài tương tự như những gì Benghazi từng chứng kiến: đằng đẵng ba năm trời. Điều này sẽ gây tổn hại nặng nề đến dân cư và cơ sở hạ tầng, và sẽ phá hỏng những hy vọng của Haftar muốn tiến vào thủ đô như một vị cứu tinh được nhiều người chờ đợi.
Thứ hai, cũng không thể loại trừ một chiến thắng nhanh chóng nhưng nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc tướng Haftar có thể thuyết phục được đủ các phe phái quân sự đứng về phía mình và giúp ông kiểm soát Tripoli mà không phải chiến đấu ác liệt.
Thực tế, Haftar đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với một số nhà lãnh đạo dân quân - một chiến lược từng phát huy hiệu quả tốt khi giúp ông nhanh chóng giành được các lãnh thổ ở miền Nam Libya.
Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận với các nhóm vũ trang có nghĩa là ông sẽ phải đảm bảo quyền lợi ích về quân sự và kinh tế cho họ. Điều này đồng nghĩa với việc tình trạng vô pháp luật hiện đang hoành hành ở Tây Libya sẽ vẫn còn tồn tại.
Nhưng nếu trong tương lai Haftar quyết định trấn áp các nhóm vũ trang như ông từng cam kết thì ông có thể phải đối mặt với một cuộc chống đối rộng khắp.
Thứ ba, một cuộc rút lui hoặc củng cố hiện trạng mới cũng có thể diễn ra, trong đó LNA cắt ngắn cuộc tấn công nhưng vẫn chiếm giữ các vị trí chiến lược để gây áp lực lên Tripoli. Kịch bản này có thể dẫn tới các vòng đàm phán khác, có hoặc không có sự bảo trợ của LHQ, trong đó Haftar sẽ giành thế thượng phong.
Thế nhưng, cho dù kịch bản nào có thể diễn ra trong những tuần tiếp theo thì có một điều chắc chắn Libya sẽ tiếp tục là tâm điểm của cuộc khủng hoảng ở Bắc Phi và là một mối lo ngại lớn vượt ra ngoài biên giới.