Cuộc gặp và bản danh sách bí mật trên tàu chiến
"Vào thời điểm trước ngày Thượng Hải giải phóng (5/1949), chiếc tàu quân sự hiệu Thái Khang của Quốc dân đảng cập bến cảng Hoàng Phố. Tưởng Giới Thạch ngồi một mình trong một phòng khách sang trọng trên tàu với vẻ mặt tức giận", Tân Hoa Xã viết.
Đúng lúc này, vệ sĩ của Tưởng bước vào và thông báo về sự xuất hiện của Cục trưởng Cục tình báo Quốc dân đảng Mao Nhân Phụng. Tưởng liền ra hiệu mời Mao Nhân Phụng vào bàn việc.
Theo Tưởng, Tống Khánh Linh nhất mực giữ thành kiến cá nhân và đối lập với mình dù ông ta đã tìm nhiều cách mời bà đến Đài Loan thương lượng.
"Cục trưởng Mao, cậu lên kế hoạch đi, giao cho cục tình báo các cậu xử lý nhưng cần tuyệt đối không được xảy ra bất cứ sai sót nào", Tưởng Giới Thạch bất ngờ nói sau khi nhắc tới một bản danh sách đã được cơ quan của Mao Nhân Phụng đã gửi đến từ trước.
Theo Tân Hoa Xã, đây là danh sách kê khai tên tuổi của 84 đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc nằm trong kế hoạch ám sát của Quốc dân đảng.
Điều bất ngờ là, sau khi đưa lại bản danh sách cho Mao, Tưởng đã đích thân viết thêm tên của Tống Khánh Linh vào kế hoạch ám sát trước sự ngỡ ngàng của Mao.
"Các cậu chuẩn bị đi, hãy giám sát chặt chẽ những người có tên trong danh sách, hành động cụ thể tôi sẽ thông báo riêng cho cậu", Tưởng ra lệnh cho Mao Nhân Phụng.
Tưởng Giới Thạch và ba chị em Tống Khánh Linh. Ảnh: Internet
Ba phương án mưu sát
Theo Tân Hoa Xã, dự định ám sát Tống Khánh Linh lần này của Tưởng Giới Thạch không phải lần đầu.
Bởi trước đó, cấp dưới của Tưởng là Đới Lạp đã từng lên ba phương án để ám sát phu nhân của Tôn Trung Sơn.
Ba phương án đó lần lượt là: Thứ nhất, cử người trà trộn, mua chuộc người thân bên cạnh Tống Khánh Linh, chờ đợi thời cơ chín muồi sẽ ra tay.
Thứ hai, dùng "mỹ nam kế", lợi dụng người bảo mẫu họ Lý được Tống Khánh Linh rất tin tưởng.
Thứ ba, ám sát Tống Khánh Linh trong khu vực tô giới Pháp bằng một vụ tai nạn giao thông được lên kế hoạch sẵn.
Theo kế hoạch thứ nhất, một nữ điệp viên đã cải trang thành một người làm xuất hiện ở chợ hoa quả gần nhà Tống Khánh Linh.
Từ đây, nữ điệp viên này bắt đầu làm quen và thường xuyên tặng quà cho người bảo mẫu họ Lý. Khi được Lý tin tưởng, nữ điệp viên có thể vô tư ra vào nhà họ Tống và dễ dàng lấy thông tin về những mối quan hệ của Tống Khánh Linh.
Tuy nhiên, do hành tung bất thường nên khiến Tống Khánh Linh nảy sinh nghi ngờ. Cuối cùng, bà đã yêu cầu người bảo mẫu họ Lý trả lại hết quà tặng và tuyệt giao với nữ điệp viên này.
Kế hoạch lần đầu thất bại, phía Tưởng tiến hành phương án hai. Một điệp viên nam hóa trang thành lái xe tiếp cận bảo mẫu Lý.
Rút kinh nghiệm "đánh rắn động cỏ" lần đầu, điệp viên này không vội vàng dò la thông tin về Tống Khánh Linh mà bắt đầu bằng việc "chiếm cảm tình của họ Lý".
Sau đó, dù đã đưa được họ Lý về "thăm nhà và nói chuyện thành hôn" nhưng hôn sự này đến phút chót vẫn bị đổ bể. Kế hoạch "mỹ nam kế" bất thành.
Kế hoạch thứ ba ám sát Tống Khánh Linh cũng thất bại sau đó.
Kế hoạch đổ bể
Tân Hoa Xã cho biết, trước những thất bại trên, Mao Nhân Phụng tuy chán nản nhưng vẫn buộc phải thi hành nhiệm vụ do Tưởng Giới Thạch giao. Sau Mao được người cháu tên Mao Sâm hiến kế ám sát Tống Khánh Linh.
Theo Mao Sâm, Tống Khánh Linh khi đó đang sống trong tô giới Pháp ở Thượng Hải nhưng trên thực tế khu vực này đang nằm trong tầm kiểm soát của Quốc dân đảng nên bước đầu phía Tưởng cần cử người theo sát bà Tống, chờ đợi thời cơ thuận lợi sẽ ra tay.
Trước ánh mắt khó hiểu của Mao Nhân Phụng, Mao Sâm giải thích tiếp: Phía Tưởng cần chờ đợi thời cơ, nhân khi quân đội của ĐCSTQ tấn công vào Thượng Hải mới ra tay ám sát Tôn phu nhân nhằm đẩy lỗi về cho quân giải phóng Trung Quốc.
Ngày 12/5/1949, quân giải phóng tấn công Thượng Hải và bắt đầu nắm quyền kiểm soát thành phố này từ ngày 26/5.
Nhận thấy thời cơ đã đến, Mao Nhân Phụng liền xin chỉ thị từ Tưởng Giới Thạch. Bất ngờ là, Tưởng đã ra lệnh hủy bỏ kế hoạch mà không cho Mao một lời giải thích.
Hóa ra, người khiến Tưởng phải hủy bỏ kế hoạch trên là Tống Mỹ Linh và con trai Tôn Trung Sơn - Tôn Khoa.
Tôn Khoa khi ấy là Viện trưởng Viện chính trị Quốc dân đảng, có mối quan hệ thân thiết với Tưởng Giới Thạch.
Sau khi cha con Tưởng tới Thượng Hải (17/5), Tôn Khoa đã gọi điện từ Quảng Châu thông báo với Tưởng về việc lan truyền kế hoạch ám sát Tống Khánh Linh của Mao Nhân Phụng và bắn tiếng nhờ Tưởng lo cho sự an toàn của bà.
Sau cuộc gọi của Tôn Khoa, Tưởng vẫn còn lưỡng lự chưa quyết về kế hoạch của Mao Nhân Phụng. Đúng lúc này, Tưởng nhận được thư gửi về từ Mỹ của vợ là Tống Mỹ Linh. Trong thư, Tống Mỹ Linh đã cảnh cáo rằng, bà tuyệt đối không đồng ý nếu Tưởng ra tay với chị gái.
Lo sợ Tống Mỹ Linh giận dữ, Tưởng Giới Thạch đành hủy bỏ kế hoạch ám sát Tống Khánh Linh.