Tướng duy nhất làm tư lệnh hai binh chủng hiện đại của QĐND VN: Vinh dự hiếm thấy

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Đó là Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh (1964-1968) và Binh chủng Tăng Thiết giáp (1971-1974) - Hai binh chủng kỹ thuật hiện đại bậc nhất của QĐND VN.

Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm còn có tên là Nguyễn Kèn, ông sinh năm 1918 tại làng Tân Xuân, huyện Hàm Thuận, nay là phường Xuân An thuộc thành phố Phanh Thiết. Nổi tiếng thông minh, học giỏi trong vùng, năm 14 tuổi ông đã phải xa gia đình ra Quy Nhơn học tiếp bậc trung học.

Con đường học vấn tiếp tục kéo ông ra Huế, Hà Nội... và bắt đầu cho một hành trình mới của cuộc đời.

Ngược Bắc, xuôi Nam

Đó là tên cuốn hồi ký do chính ông chấp bút kể về cuộc đời mình. Và có thể nói, đó là một sự khái quát ngắn gọn nhất, cô đọng nhất, xúc tích nhất về cuộc đời của ông.

Sau khi học xong chương trình trung học đệ nhất cấp (tương đương trung học cơ sở hiện nay) tại Quy Nhơn, Nguyễn Thế Lâm ra Huế để học tiếp trung học đệ nhị cấp. Sau 3 năm dùi mài kinh sử, ông đã xuất sắc giành được bằng tú tài toàn phần theo hệ tú tài Pháp. Tương lai đang rộng mở đối với ông.

Thời đó, những người có bằng tú tài toàn phần thường đi làm việc cho chính quyền bảo hộ Pháp. Tuy nhiên. Nguyễn Thế Lâm lại quyết định thi vào Đại học Y khoa Hà Nội.

Thập niên 40 thế kỷ trước, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi, đặc biệt trong giới học sinh- sinh viên tại Hà Nội và các thành phố lớn. Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, Nguyễn Thế Lâm hăng hái tham gia các phong trào yêu nước và được kết nạp vào tổ chức Việt Minh thành Hoàng Diệu.

Năm 1944, Nguyễn Thế Lâm nhận nhiệm vụ về Huế hoạt động và tham gia Ban Chấp hành Việt Minh tỉnh Thừa Thiên, chính thức trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ.

Tướng duy nhất làm tư lệnh hai binh chủng hiện đại của QĐND VN: Vinh dự hiếm thấy - Ảnh 1.

Binh chủng Tăng thiết giáp ngày càng lớn mạnh. Ảnh: QĐND.

Năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng minh, cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, Pháp âm mưu chiếm lại nước ta và tổ chức tấn công ra các tỉnh Nam Trung bộ. Nguyễn Thế Lâm được cử làm Chỉ huy phó mặt trận Nha Trang, chiến đấu ròng rã hơn 100 ngày chống lại hàng nghìn quân Pháp.

Năm 1946, Nguyễn Thế Lâm được điều vào làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 81 của Ninh Thuận và trở thành Khu trưởng khu 6.

Tháng 8/1947, đồng chí Phạm Văn Đồng chủ trì hội nghị cán bộ quân chính toàn miền Nam Trung bộ và công bố quyết định của Trung ương hợp nhất ba khu 5, 6, 15 (Tây Nguyên) thành Liên khu 5, tức Quân khu 5 ngày nay. Nguyễn Thế Lâm được cử làm Tư lệnh Liên khu.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ, quân dân Liên khu 5 (Nam Trung bộ) dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Nguyễn Thế Lâm đã kiên cường chiến đấu, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng vững chắc, trở thành hậu phương có nhiều tiềm năng cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến, bảo vệ hành lang và căn cứ hành quân Nam tiến, vận chuyển trang bị vũ khí của trung ương vào các tỉnh Nam bộ và giúp đỡ lực lượng cách mạng của 2 nước Lào, Campuchia.

Năm 1951, Nguyễn Thế Lâm ra miền Bắc nhận nhiệm vụ Đại đoàn phó Đại đoàn 308 rồi Đại đoàn trưởng Đại đoàn đồng bằng 320, chiến đấu với quân Pháp trên chiến trường đồng bằng Bắc bộ và phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Đại đoàn 308 và 320 cũng là đơn vị tiếp quản thủ đô Hà Nội và Hải Phòng khi thực dân Pháp rút vào miền Nam.

Năm 1954, Bộ Quốc phòng điều Nguyễn Thế Lâm về làm Tham mưu phó Bộ Tư lệnh pháo binh rồi sau đó cử sang Liên Xô 5 năm học về pháo binh - tên lửa ở Học viện Pháo binh Kalinin tại Leningrad (Saint Petersburg). Kết thúc khóa học năm 1964, ông về nước và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Binh chủng pháo binh (PB).

Sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, giữa năm 1968, Nguyễn Thế Lâm lại được Trung ương điều về làm Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên - Huế (chiến trường B4), một chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Đến năm 1971, tình hình quân khu Trị Thiên cũng như toàn miền Nam đang từng bước khôi phục và kiện toàn lực lượng chuẩn bị cho kế hoạch đánh lớn, Nguyễn Thế Lâm được điều về làm Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp (TTG).

Năm 1974, ông được điều về công tác tại Hội đồng khoa học quân sự Bộ Quốc phòng.

Tướng duy nhất làm tư lệnh hai binh chủng hiện đại của QĐND VN: Vinh dự hiếm thấy - Ảnh 2.

Triển lãm với chủ đề "Pháo binh QĐND Việt Nam - 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển".

 Trước đó năm 1959, trong thời gian công tác ở Bộ Tư lệnh pháo binh, Nguyễn Thế Lâm được Bộ Quốc phòng điều về làm cận vệ của Bác Hồ khi Bác tiếp Tổng thống và Nguyên thủ một số nước khi họ đến thăm nước ta.

Vậy là suốt cuộc đời người lính Nguyễn Thế Lâm lúc ngược Bắc, lúc xuôi Nam theo yêu cầu công tác tổ chức giao cho. Nhưng dù ở bất cứ cương vị nào ông đều tận tâm tận lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Từ Tư lệnh Pháo Binh đến Tư lệnh Tăng Thiết giáp

Điều giống nhau là cả hai binh chủng đều là hai binh chủng kỹ thuật hiện đại bậc nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, hai binh chủng cũng có rất nhiều điểm khác nhau.

Nếu như chỉ gần 1 năm sau ngày lập nước (2.9.1945), ngày 29.6.1946, Binh chủng Pháo binh đã được thành lập thì phải đến 14 năm sau, ngày 5.10.1959, Binh chủng Tăng Thiết giáp mới ra đời.

Nếu như Binh chủng PB đã dạn dầy trận mạc suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và những năm đầu kháng chiến chống Mỹ đã có mặt tại chiến trường thì mãi đến tháng 2.1968, Binh chủng TTG mới ra quân đánh trận đầu tiên.

Tướng duy nhất làm tư lệnh hai binh chủng hiện đại của QĐND VN: Vinh dự hiếm thấy - Ảnh 3.

Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngoài những điểm khác biệt về truyền thống như kể trên thì về kỹ thuật cũng như chiến thuật, cách đánh của hai binh chủng cũng có rất nhiều điểm khác nhau. Ấy vậy nhưng tất cả những cán bộ được đào tạo bài bản về TTG lại không được bổ nhiệm mà lại phải điều một Tư lệnh của PB về?

Có lẽ đó sẽ vẫn là một câu hỏi lớn đối với nhiều người. Tuy nhiên, đối với các cán bộ cựu trào của binh chủng TTG thì đều hiểu. 

Vốn là một người thông minh từ bé, Nguyễn Thế Lâm nhận thức được sự khác biệt to lớn giữa hai binh chủng. Trong hồi ức "Tôi là chiến sĩ xe tăng", ông viết:

"Trong đời Anh Bộ đội Cụ Hồ, tôi được vinh dự làm Tư lệnh hai Binh chủng Quân đội Nhân dân trong những thời kỳ quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau nhiều năm công tác và chiến đấu ở Binh chủng Pháo binh, đầu năm 1971, tôi được điều động về làm Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp, hiện nay là Tăng - Thiết giáp: Tư lệnh đầu tiên của một Binh chủng vào loại hiện đại của Lục quân, nỗi lo chủ yếu của tôi là chưa được học chuyển binh chủng theo thông lệ".

Tướng duy nhất làm tư lệnh hai binh chủng hiện đại của QĐND VN: Vinh dự hiếm thấy - Ảnh 4.

Binh chủng Pháo binh ngày càng lớn mạnh. Ảnh: QĐND.

Ông tâm niệm:

"Đúng là tăng và pháo đều là xe pháo. Tôi cũng đã từng ngồi học tập trong xe xích, loại để vận chuyển đồng thời cũng là bệ phóng của tên lửa đất đối đất. Nhưng tăng vẫn là lực lượng xung kích, còn pháo là hoả lực để chi viện.

Cả hai đều là lực lượng cùng hợp đồng chiến đấu với bộ binh (hoặc bộ binh cơ giới), bộ binh cơ động và chiến đấu trên xe và cả hai đều có thể độc lập chiến đấu như ta vẫn sử dụng trong chiến tranh và tôi đã suy nghĩ bí quyết thành công của ta là vừa làm vừa học, thực tế không cho phép ta có đủ cán bộ từ nhà trường binh quân chủng nào sử dụng vào quân binh chủng đó?".

Tướng duy nhất làm tư lệnh hai binh chủng hiện đại của QĐND VN: Vinh dự hiếm thấy - Ảnh 5.

Và ngày nhận nhiệm vụ về làm Tư lệnh TTG cũng là ngày bắt đầu quá trình miệt mài học hỏi của ông về kỹ chiến thuật TTG. Không chỉ tìm hiểu qua sách vở ông còn học hỏi ở đồng đội, ở cấp dưới và trong thực tiễn công tác. Nhờ vậy, ông đã thực sự hiểu biết sâu sắc về TTG và đã đóng góp rất nhiều vào sự trưởng thành của binh chủng TTG giai đoạn này.

Đầu năm 1975 ông được điều về Hội đồng Khoa học Quân sự của Bộ. Trưa ngày 30.4.1975, ông có mặt tại Tổng hành dinh và đã xúc động đến trào nước mắt khi nghe đồng chí Tổng Tư lệnh vui mừng thông báo xe tăng ta đã vào Dinh Tổng thống nguỵ quyền, treo cờ Giải phóng lên nóc dinh.

Mặc dù thời gian công tác ở binh chủng TTG của ông không dài song như ông đã viết: "Thời gian qua đi tôi không bao giờ quên những kỷ niệm sâu nặng về Binh chủng Tăng - Thiết giáp yêu quý của mình, tôi muốn nói lên niềm tự hào của "Một chiến sĩ xe tăng!". Ngược lại, các chiến sĩ xe tăng cũng không bao giờ quên Thủ trưởng Nguyễn Thế Lâm hay thủ trưởng "Lâm Kèn" của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại