Cái hay của hàng không Việt Nam là có cạnh tranh
Nêu quan điểm về nguyên nhân khiến ngành hàng không Việt Nam có thể tăng trưởng tới 2 con số trong suốt một thời kỳ dài, TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế - cho rằng có hai câu chuyện lớn để dẫn tới kết quả này.
Một là sự phát triển của kinh tế trong nước, kéo theo ngành vận tải nói chung và ngành hàng không nói riêng có sự phát triển theo. Măt khác, Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này là kéo hàng không tăng trưởng vừa là sức ép với hàng không Việt Nam, cùng với nhu cầu dịch chuyển của con người ở các phân khúc khác nhau.
TS Võ Trí Thành.
"Cái hay nhất của hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh, không có cạnh tranh thì tất cả nhu cầu của chúng ta không có.
Cạnh tranh của hàng không Việt Nam có cái chung của cạnh tranh trên thị trường nhưng có cái rất đặc biệt. Chúng ta phải hiểu là phải hiểu cuộc chơi các công ty hàng không và điều hành của nhà nước số lượng không thể vô hạn như trong taxi hay viễn thông, có người vào thì có người ra, không cần nhiều quá nhưng luôn luôn có áp lực cạnh tranh và quản lý hàng không Việt Nam phải tạo ra áp lực đó.
Cạnh tranh, tăng trưởng bền vững và đem lại lợi ích cho khách hàng", ông Thành cho hay.
Phó cục trưởng cục hàng không Việt Nam cũng thừa nhận, sự tham gia của Vietjet hoặc Bamboo Airways cho thấy tính năng động của thị trường, dù ở khía cạnh khác, cũng có những hãng bay ra đời với kỳ vọng lớn, song chỉ sống lay lắt rồi sớm bị rút giấy phép.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, hàng không không chỉ phải chấp hành quy định trong nước mà cả quốc tế. Với hàng không, an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Nếu anh chỉ chạy theo lợi nhuận, không đáp ứng được vấn đề về an toàn, khó có thể tồn tại. Lịch sử phát triển ngành hàng không đã chứng minh điều này. An toàn không chỉ quyết định sự tồn tại của một hãng hàng không mà còn là danh dự, uy tín của cả một quốc gia", ông Phạm Văn Hảo nói.
Vietjet Air, Bamboo Airways: Mừng vì có nhau
Là đại diện của hãng bay non trẻ nhất tại Việt Nam tính đến tháng 3/2019, ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch thường trực Bamboo Airways cho rằng cạnh tranh trong ngành hàng không cần nhìn nhận vượt ra khỏi việc so kè giữa các doanh nghiệp trong ngành, mà còn là cạnh tranh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân.
"Thời kỳ mở cửa, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, còn lại làm sao tạo môi trường Nhà nước và tư nhân bình đẳng với nhau. Lĩnh vực nào Nhà nước làm tốt thì Nhà nước làm, không thì để tư nhân làm.
Ngoài cạnh tranh giữa kinh tế tư nhân và Nhà nước, cạnh tranh giữa các hãng hàng không thì đặc điểm của hàng không là cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dùng. Vì chúng tôi cạnh tranh để cùng phát triển, không phải cạnh tranh để chiến thắng đối thủ hay làm cho đối thủ không tốt", ông Thắng thẳng thắn nói.
Phó chủ tịch thường trực Bamboo Airways.
Vị này cũng dẫn chứng rằng thị trường hàng không ở nước láng giềng như Thái Lan có tới 13 hãng hàng không, còn hiện Việt Nam mới chỉ có 4 hãng hàng không. Chỉ số phần trăm người dân Việt Nam bay không quá 50%, tức là không quá 50% người dân được trải nghiệm bay. Do đó, dư địa cho thị trường còn rất lớn, và cần phải mở cửa hơn cho các doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu, có tiềm lực bước chân vào ngành này mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa.
Đáp lại, ông Phạm Vũ Tùng - giám đốc dự án Công ty cổ phần hàng không Vietjet Air - cũng thừa nhận, dư luận xã hội sẽ rất dễ cho rằng cứ thêm 1 hãng hàng không là có cạnh tranh và cạnh tranh là xấu, thay vì nhìn thấy sự tích cực của nó.
Theo vị này, vì nhiều người nghĩ cạnh tranh không tốt nên trong quá trình VietJet xây dựng và phát triển cũng đã phải chịu áp lực suốt 8 năm qua, từ 2011 đến nay.
"Đây là cơ hội phát triển, để chúng ta nhìn nhận sự cạnh tranh là nóng hay không. Việt Nam hiện tính trung bình chỉ có 1,9 máy bay/ triệu dân, trong khi Thái Lan có 4,7 máy bay/triệu dân, Malaysia có 9,5 máy bay/triệu dân. Đưa ra những con số này để thấy Việt Nam xuất phát với con số rất thấp, vì vậy phải có sự cạnh tranh với nhau.
Chúng ta đang ở trước ngưỡng cửa cơ hội phát triển rất lớn. Thay vì nói câu chuyện cạnh tranh và các đối thủ chiến đấu với nhau, từ khi VietJet ra đời đến nay có thêm Bamboo Airways, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có "tác kích" cạnh tranh trực tiếp mà phải làm thật tốt công việc, làm thật tốt dịch vụ của mình và có sáng tạo", ông Tùng bày tỏ.