Tượng đài bóng đá Việt: Đôi giày đinh tự chế đâm ngược thủng chân, chảy bê bết máu

Mai Đức Chung (Linh Đan thực hiện) |

Cuộc sống thời chiến tranh và bao cấp luôn gắn liên với những khó khăn. Nhưng giữa muôn vàn thiếu thốn, bóng đá nước nhà vẫn luôn sản sinh ra những nhân tố đầy xuất chúng.

Trong làng bóng đá Việt, có không ít tên tuổi gắn bó với nghề cả trên cương vị cầu thủ lẫn HLV. Tuy nhiên, để thành công được ở CLB lẫn các cấp đội tuyển, thậm chí ghi dấu đậm nét cả với bóng đá nam và bóng đá nữ, có lẽ chỉ duy nhất HLV Mai Đức Chung.

Thậm chí, cho đến tận bây giờ, việc ông Chung cùng lúc nắm cả ĐTQG nam và nữ khi bóng đá Việt Nam rơi vào tình cảnh khó khăn năm 2017 vẫn là trường hợp hy hữu trên thế giới.

Bí quyết nào để người đàn ông với vẻ ngoài bình dị, đôi khi còn bị nhận xét là "hiền quá mức" lại có thể chạm tới được những thành công hiếm hoi ở công việc luôn đòi hỏi phải dung hòa nhiều yếu tố như nghề HLV?

Câu trả lời có lẽ bắt nguồn từ chính những gì ông Chung đã phải trải qua trong suốt hành trình dài gắn liền với trái bóng, với những câu chuyện rất… Mai Đức Chung.

Đôi giày đinh tự chế đâm thủng cả chân

Xuất phát điểm của tôi với bóng đá hơi trái ngược và có phần trái khoáy so với nhiều đồng nghiệp cũng theo nghề quần đùi áo số. Đáng lẽ người ta phải đá bóng xong mới đi học hay theo đuổi một bằng cấp chuyên ngành, còn tôi thì ngược lại, học đại học xong mới đi đá bóng.

Năm 1971 tôi ra trường, đáng lẽ đã được phân công về Sở Giáo dục Hà Nội để giảng dậy trong các trường cấp 3 (giáo viên thể dục). Ngày đó Công An Hà Nội và cả Quân khu Việt Bắc đều muốn xin tôi về đội nhưng cuối cùng ông Bùi Nghẽn của đội Xe ca Hà Nội đã nhanh tay, sang tận nơi xin làm thủ tục chuyển quyết định điều động tôi.

Kể ra cũng may ngày còn đá bóng tôi lại không bị chấn thương. Mãi đến bây giờ nghỉ rồi, đi làm HLV tôi mới bị. Cách đây gần 8 tuần tôi mới phải mổ khớp háng, phải chống nạng và khoảng 1 tuần nay mới bỏ được để đi bình thường trở lại.

Tượng đài bóng đá Việt: Đôi giày đinh tự chế đâm ngược thủng chân, chảy bê bết máu - Ảnh 2.

Ngày xưa ăn uống khổ sở, không đủ chất, sân bãi thì cứng còn giầy cũng không có đôi nào tử tế mà đá. Những đôi giầy ngày ấy được chúng tôi "gia công" bằng những chiếc đinh da, tạo thành 6 móng giầy rồi sau đó đóng thêm đinh 3 phân, rồi phải tiếp tục lấy dao sắc gọt đẽo. Có những trận do sân quá cứng, chuyện đá xong trận đinh trẹo đi, rơi mất 1, 2 cái là bình thường. Thậm chí có khi đang đá đinh giầy đâm ngược lên, thủng cả chân, máu chảy túa ra.

Rồi đến bóng cũng rất nặng. Mỗi lần đánh đầu xong cứ choáng váng, người cứ như muốn ngả nghiêng đi. Hôm nào gặp trời mưa mà sút quả bóng lại càng nặng, càng đau. Quần áo là đồ dệt kim Đồng Xuân, lúc đầu mặc thì vừa nhưng đá xong giặt một lần có khi vải co lên qua cả rốn. Quần cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khiến chúng tôi ra sân cứ phải vừa đá vừa kéo xuống.

Tập luyện cũng chưa có khoa học. Đang tập mà ra uống nước sẽ bị HLV nói ngay, kêu không được uống, uống nhiều bị sốc. Nhưng giờ chuyện đó đâu phải phản khoa học gì đâu, HLV đâu hề cấm. Chế độ dinh dưỡng rõ ràng cũng kém, ăn không đủ chất. Nói chung ngày đó thiếu thốn đủ đường. Thế nhưng cái máu nghề nghiệp của chúng tôi vẫn hăng lắm.

Tượng đài bóng đá Việt: Đôi giày đinh tự chế đâm ngược thủng chân, chảy bê bết máu - Ảnh 3.

Những thứ như thế gắn liền với tôi trong suốt những ngày tháng của nghiệp cầu thủ. Có một lần tôi khoác áo ĐTQG sang Bulgaria tập huấn và thi đấu vào năm 1982, cầu thủ nước bạn bảo chúng tôi cho họ xem giầy thi đấu của Việt Nam. 

Khi tôi đưa đôi giầy với những chiếc đinh 3 phân chìa ra, họ lộ rõ vẻ ngạc nhiên xen lẫn hoảng sợ khi thấy một cầu thủ lại phải thi đấu với trang bị như vậy. Đến khi giao hữu xong, một cầu thủ của Bulgaria ngỏ ý muốn đổi giầy với tôi và coi đôi giầy của chúng tôi như một kỉ niệm đầy thú vị. Mà nói thật, ngày đó FIFA họ chưa làm căng thôi chứ nếu kiểm tra kĩ càng thì làm sao những đôi giầy như vậy được cho phép sử dụng.

Vô địch toàn quốc được thưởng… 3 mét vải

Hồi đấy về Xí nghiệp đóng Xe ca, tôi ăn lương với chế độ của một cán bộ tốt nghiệp Đại học TDTT, cấp bậc công nhân chứ cũng không phải là lương cầu thủ. Lương khởi điểm là 45 đồng, sau hai năm tăng lên 61 đồng, thêm 3 đồng phụ cấp là 64. Nói thật ngày ấy 10 đồng đã là to lắm rồi, nên mức lương tôi như vậy giúp đỡ được cho gia đình rất nhiều, bởi nhà đông anh em mà bố mẹ cũng chỉ làm công nhân thôi.

Nhưng đội Xe ca Hà Nội thành lập năm 1972, đến 3 năm sau thì giải thể do Giám đốc Lê Ngọc Hàm chuyển vào trong Nam, không còn khả năng duy trì đội bóng nữa. Thấy vậy, đội Tổng cục Đường sắt liền xin tôi về và tôi chuyển đội từ tháng 5/1975.

Tượng đài bóng đá Việt: Đôi giày đinh tự chế đâm ngược thủng chân, chảy bê bết máu - Ảnh 4.

Ông Mai Đức Chung (hàng trên, thứ 6 từ trái sang) và đội hình Tổng cục Đường sắt năm 1976

Thế hệ chúng tôi tất nhiên khổ hơn bây giờ rất nhiều. Không phải được toàn tâm ăn tập, rèn luyện hàng ngày đâu. Một tuần chỉ có 3 buổi tập thôi, còn lại phải đi làm nữa. Đến khi gần vào giải mới được tập trung và dồn toàn sức để tập luyện.

Đội gồm nhiều anh em làm các bộ phận khác nhau, nhưng chế độ ăn đều chỉ có 3 hào một ngày. Có những anh em làm ở xí nghiệp đầu máy, làm việc với những cái đinh tán rất to, mỗi lần dí vào ngực lại rung bần bật hết cả người lên.

Có điều dù vừa đi làm vừa đá bóng nhưng lương vẫn chỉ theo bậc thôi. Ví dụ năm 1980 Tổng cục Đường sắt vô địch giải toàn quốc, người ta cứ nghĩ chúng tôi vô địch thì được thưởng xe này xe kìa, nhưng đâu phải vậy đâu. Lương cũng chỉ được lên bậc một chút, thêm 10 đồng, tăng từ 64 lên 74. Ngoài việc lên bậc lương, chúng tôi mỗi người được thưởng 3 mét vải bảo hộ lao động cho công nhân. Chỉ có thế thôi, không có gì thêm cả.

Ngày ấy bồi dưỡng của đá bóng gần như không có. Về Tổng cục Đường sắt thỉnh thoảng vé bán tốt thì có thể được bồi dưỡng thêm 5 đồng, còn lại chúng tôi chỉ ăn lương công nhân đơn thuần thôi. Tuy làm việc vất vả, ăn uống khổ sở thế nhưng ai ai cũng đều tập luyện rất hăng say.

Kỉ niệm về chuyến du đấu "có một không hai" trong lịch sử bóng đá Việt Nam

Trong những kí ức ngày còn làm cầu thủ, chuyến đi du đấu vào miền Nam cùng đội Tổng cục Đường sắt năm 1976 vẫn luôn là dấu mốc đáng nhớ nhất đối với tôi. Sau khi đất nước thống nhất, các giải đấu bóng đá đã được tổ chức trở lại nhưng vẫn chưa có hệ thống thi đấu chung cho cả ba miền. Miền Bắc khi đó đá giải Hồng Hà, miền Trung lấy tên Trường Sơn, còn miền Nam là Cửu Long.

Năm 1976 chúng tôi vô địch đội công nhân, được cho đi Trung Quốc tập huấn, đá ngang ngửa với các đội bên đó, thành tích thắng 3, thua 4 và đồng thời học hỏi được rất nhiều những cách chơi hiện đại. Sau khi tập huấn về, Tổng Công Đoàn Việt Nam có lệnh cử đội Tổng cục Đường sắt vào trong miền Nam đá giao hữu. Đó là vinh dự rất lớn cho các cầu thủ thời bấy giờ, khi được tham dự một cuộc giao lưu lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử như vậy.

Tượng đài bóng đá Việt: Đôi giày đinh tự chế đâm ngược thủng chân, chảy bê bết máu - Ảnh 5.

Các sân bóng miền Nam luôn chật kín khán giả trong các trận đấu của Tổng cục Đường sắt năm đó. (Ảnh tư liệu)

Đội Tổng cục Đường sắt có xuất phát điểm công nhân và đây cũng là giai cấp đại diện cho cả đất nước. Cùng với đó, phong cách chơi của đội ngày ấy cũng rất ấn tượng, dù có thua cũng chơi vô cùng quyết liệt, không nhân nhượng nhưng đồng thời chơi cũng rất đẹp mắt. Đó là nguyên nhân để đội bóng được tín nhiệm giao nhiệm vụ đặc biệt này.

Đó là chuyến đi lần đầu tiên vào miền Nam của chúng tôi và tất nhiên có những sự bỡ ngỡ nhất định. Cơ sơ vật chất, cách sinh hoạt đều có sự khác biệt.

Trước khi vào chúng tôi cũng được học chính trị. Các đồng chí phổ biến cho chúng tôi nắm được tình hình rằng nhân dân miền Nam chưa biết nhiều về các cầu thủ miền Bắc, bởi vậy nhiệm vụ của đội là phải thể hiện được tinh thần của một VĐV xã hội chủ nghĩa, tất cả nhằm giúp cho xóa đi những suy nghĩ nặng nề còn tồn tại, để đồng bào ở đó hiểu được con người của miền Bắc anh em.

Chúng tôi xác định được như vậy nên đi đâu cũng rất nhiệt tình đoàn kết và ở chiều ngược lại, bà con cũng hết sức ủng hộ khi đội Tổng cục Đường sắt đến các nơi để thi đấu. Chuyến đi không chỉ gói gọn ở Sài Gòn mà còn diễn ra các trận đấu ở cả Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp… 

Tượng đài bóng đá Việt: Đôi giày đinh tự chế đâm ngược thủng chân, chảy bê bết máu - Ảnh 6.

Ông Chung cùng các cầu thủ Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn gặp lại nhau trong một trận đấu tại sân Thống Nhất sau 40 năm.

Chúng tôi thi đấu 6, 7 trận, đi đâu cũng được ủng hộ lắm. Ví dụ như trận đầu tiên trong chuyến đi, Tổng cục Đường sắt gặp Cảng Sài Gòn ở sân Thống Nhất. 17h trận đấu mới bắt đầu nhưng 11, 12h trưa các khán đài đã đông nghịt rồi. Đến khi chúng tôi ra sân, các khán giả đứng sát đường biên cố gắng sờ chân sờ tay các cầu thủ và nức nở khen chúng tôi rắn giỏi, trẻ khỏe, to cao đẹp trai.

Khi nhập cuộc chúng tôi chơi chuyền ban, phối hợp rất đẹp, khán giả đến xem họ thích lắm. Về trình độ, trước khi vào tôi cùng toàn đội cũng đã được nghe kể rằng các đội miền Nam đá tốt lắm, từng vô địch Merdeka Cup 1965. Nhiều cầu thủ miền Nam như Tam Lang, Tư Lê, Cù Sinh, Cù Hè… đều là những cái tên nổi tiếng cả. 

Nhưng tất nhiên việc thi đấu khi đó không quá đặt nặng chuyện ăn thua, mà quan trọng vẫn nằm ở việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người miền Bắc cho đồng bào miền Nam được hiểu rõ hơn. Trong thời kì chiến tranh khó khăn nhưng miền Bắc vẫn duy trì được việc tập luyện thể thao và đạt được những thành tựu.

Kết quả chuyến đi đó đội Tổng cục Đường sắt đá 5 trận thắng 4, chỉ thua 1 trận duy nhất trước Hải Quan với tỉ số 1-2 khi quay trở lại đá trận thứ hai tại Sài Gòn.

Đồng đội nhớ nhất điều gì khi nhắc tới cầu thủ Mai Đức Chung?

HLV Lê Thụy Hải: "Tôi ở Đường sắt từ năm 1970, còn anh Mai Đức Chung mãi đến 1975 mới chuyển từ đội Xe ca Hà Nội sang. Nhưng anh ấy hòa nhập với đội nhanh lắm.

Phong cách đá rất đơn giản thôi nhưng hiệu quả, bởi anh Chung hướng tới lối chơi đồng đội, không cá nhân dù có kỹ thuật rất tốt, lại có khả năng không chiến. Cộng với việc lại là một người tốt nghiệp đại học xong mới đi đá bóng nên lối chơi của Mai Đức Chung rất khoa học. Đó là điều anh Chung hơn ở người khác".

Cứ như vậy, cuộc đời của cầu thủ Mai Đức Chung gắn liền với những gian khó nhưng cùng với đó cũng là niềm vui khi được sống với đam mê bóng đá. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên sau khi giải nghệ vào năm 1983, ông Mai Đức Chung tiếp tục chọn cho mình con đường HLV.

Tuy nhiên, có lẽ chính bản thân ông Chung cũng không ngờ rằng quyết định đó lại đưa mình dấn thân vào những cuộc hành trình chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bóng đá nước nhà, với muôn vàn khó khăn nhưng đổi về cũng là thật nhiều vinh quang và ghi nhận.

Xin mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo về cuộc đời và sự nghiệp của HLV Mai Đức Chung, với những câu chuyện ly kì và hấp dẫn của hơn 30 năm cầm quân chinh chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại