Bất chấp sự phản đối của các đồng minh phương Tây trong hai tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã liên tục quảng bá và khẳng định quan điểm của mình về chiến dịch tấn công ở Syria.
Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ là hoạt động quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố muốn mang lại an ninh cho đất nước và nhắm mục tiêu đẩy lùi người Kurd – lực lượng mà nước này coi là mối đe dọa khủng bố.
Trước động thái được coi là xâm phạm vào lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền như Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải áp lực quốc tế và sự phẫn nộ của nhiều quốc gia, nhưng điều đó không thể ngăn Ankara dừng lại mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan dường như đang tỏ ra mơ hồ về những gì muốn đạt được ở Syria trong dài hạn và cách thức để đạt được mục tiêu đó, cây bút Steven Cook từ Hội đồng các vấn đề quốc tế (Mỹ) nhận định.
Bế tắc của Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Assad gọi chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ là hành động xâm lược Syria.
Khi đưa lực lượng của mình vào Syria, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dường như có bốn mục tiêu chính: ngăn chặn người Kurd thành lập các khu tự trị ở Syria, thúc đẩy ảnh hưởng của Ankara ở Syria, loại bỏ sự hiện diện của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở gần biên giới và tái định cư người tị nạn Syria.
Rõ ràng là mục tiêu thành lập khu tự trị của người Kurd ở phía đông bắc Syria đã không thể thành hiện thực đúng như mong muốn của ông Erdogan. Tuy nhiên, hai mục tiêu khác của Thổ Nhĩ Kỳ lại rơi vào tình huống phức tạp hơn. Giờ đây, giới quan sát đang đặt câu hỏi về việc phải chăng hai mục tiêu này sẽ thất bại.
Không thể phủ nhận quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng đẩy lùi YPG ra khỏi biên giới. Tuy nhiên, ý tưởng trả lại 3,5 triệu người tị nạn Syria cho khu vực an toàn mà nước này thiết lập ở đông bắc Syria lại là điều khó khăn.
Điều này đòi hỏi Ankara phải có kế hoạch tỉ mỉ để di chuyển và quản lý một lượng người bằng cả một thành phố lớn. Thậm chí một vài trăm ngàn người cũng đã được coi là một cơn ác mộng về hậu cần và nhiều thứ khác.
Trong khi ông Erdogan có kế hoạch thiết lập an ninh và ổn định vùng biên giới để đưa người Syria trở về nước, thì hoạt động quân sự của ông lại bị coi là một sự xâm lược.
Người Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị mắc kẹt ở Syria. Không chỉ không có kế hoạch cụ thể mà Ankara còn không nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Syria. Chính vì lẽ đó, hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành mục tiêu.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ ở lại quá lâu trong lãnh thổ Syria chỉ để giải quyết vấn đề người tị nạn sẽ biến nước này trở thành mục tiêu bị tấn công bởi đối thủ. Đó chính là sự phản công của người Kurd.
Không những vậy, Tổng thống Erdogan sẽ đối mặt với hậu quả đến từ mối quan hệ căng thẳng với các cường quốc khu vực khác do chiếm đóng lâu dài ở Syria.
Người Ai Cập, Saudi, UAE và Israel đều có khả năng hành động hoặc cùng nhau hỗ trợ YPG trong nỗ lực chống lại chiến dịch tiến công của ông Erdogan. Trong một tập hợp lợi ích kỳ lạ, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ là một phần của liên minh chống Erdogan này.
Hơn những quốc gia khác, ông Assad có động cơ và phương tiện để tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế Damascus đã tuyên bố cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với chủ quyền của Syria.
Khác biệt với Nga
Càng khó khăn ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ càng phụ thuộc nhiều vào Nga.
Kế hoạch 10 điểm của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ mà Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Erdogan đạt được đã phần nào làm ổn định miền bắc Syria.
Tuy nhiên, đó chỉ là những đồng thuận về mặt ngoại giao trong trường hợp cần thiết, còn việc mục tiêu của Ankara có trùng với những gì người Nga đang theo đuổi hay không lại là chuyện khác.
Trên thực tế, mục tiêu của Nga dường như khác với những gì Thổ Nhĩ Kỳ muốn. Chẳng hạn, Tổng thống Erdogan muốn có một phạm vi ảnh hưởng ở miền bắc Syria, nhưng mục tiêu của ông Putin là khôi phục quyền kiểm soát của Chính phủ Syria trên toàn bộ lãnh thổ.
Thỏa thuận nói rằng cả hai nước đều tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Người Thổ Nhĩ Kỳ muốn loại bỏ YPG, và thỏa thuận chỉ ra rằng Moscow và Ankara sẽ hoạt động chống lại tất cả các nhóm khủng bố ở miền bắc Syria.
Tuy nhiên, Nga không chung quan điểm coi người Kurd là khủng bố như Thổ Nhĩ Kỳ, và điều này sẽ tạo nên khó khăn trong dài hạn giữa hai nước.
Ngoài ra, người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải xem xét khả năng ngày càng phụ thuộc vào Moscow nhiều hơn. Với việc Mỹ rút khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị Nga chi phối. Nếu tình hình càng khó khăn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này sẽ cần đến Tổng thống Putin nhiều hơn.
Hiện chưa rõ Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình sẽ kết thúc như thế nào đối với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Có thể Ankara sẽ đạt được những lợi ích nào đó nhưng kết thúc sẽ khác với cách mà nước này hình dung ban đầu.