Tưởng chỉ trêu ngươi, chẳng ngờ Su-35 Nga lừa tiêm kích tàng hình Mỹ vào bẫy

QS |

Những chiếc Su-35 và Tu-95 thực chất đóng vai trò như mồi bẫy để thử nghiệm chiến thuật xuất kích và thời gian phản ứng của Mỹ.

Cuộc "gặp gỡ" đầu tiên giữa F-22 và Su-35

War is Boring ngày 18/5 dẫn lại bài viết của tác giả David Cenciotti trên trang mạng Aviationist cho hay, đêm 3/5/2017 (giờ địa phương), hai máy bay ném bom Tu-95MS Bear, được hộ tống bởi hai chiến đấu cơ Su-35S Flanker-E, đã bay vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của bang Alaska.

Không quân Mỹ đã lập tức điều 2 tiêm kích tàng hình F-22 đang tuần tra cách khu vực Chariot của Alaska khoảng 80 km về phía Tây Nam để ngăn chặn đội bay của Nga.

Theo các nguồn tin từ Nga, Su-35 là máy bay chiến đấu thế hệ 4++ siêu cơ động. Mặc dù không có khả năng tàng hình nhưng nó được trang bị radar quét mạng pha điện tử thụ động Irbis-E và hệ thống tìm kiếm-theo dõi hồng ngoại tầm xa có khả năng phát hiện máy bay tàng hình như F-35 ở khoảng cách trên 80km.

Nga đã triển khai Su-35S tới căn cứ không quân Hmeymim gần tỉnh Latakia từ đầu năm 2016 để yểm trợ cho các chiến đấu cơ khác tiến hành tấn công quân khủng bố tại Syria, sau khi chiếc Su-24 Fencer của Nga bị tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

Trong cuộc chiến tại Syria, Su-35 mang theo tên lửa không-đối-không tầm trung Vympel R-77 với đầu dò radar chủ động (được xem là "đối thủ" của tên lửa AIM-120 Mỹ), cùng tên lửa không-đối-không R-27T với đầu dò hồng ngoại. Tuy nhiên, những máy bay Su-35S đi theo hộ tống các máy bay ném bom Tu-95 ngoài khơi Alaska không mang theo vũ khí.

Không bao lâu sau khi được triển khai tới Syria, Su-35S bắt đầu theo dõi máy bay của lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Một phát ngôn viên của Không quân Đức cho rằng, Su-35S nằm trong số các máy bay mà Không quân Nga điều tới đây để theo dõi các chiến đấu cơ Tornado của Đức khi chúng thực hiện nhiệm vụ bay trinh sát để chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đoạn video do phi đoàn VFA-31 của Hải quân Mỹ (triển khai trên tàu sân bay USS Eisenhower để hỗ trợ chiến dịch Inherent Resolve tại Syria và Iraq) ghi lại đã mô tả tình huống chạm trán với một chiếc máy bay, dường như là Su-35S Flanker-E. Có vẻ, Hải quân Mỹ sau đó đã xóa đoạn video khỏi YouTube.

Tưởng chỉ trêu ngươi, chẳng ngờ Su-35 Nga lừa tiêm kích tàng hình Mỹ vào bẫy - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp từ video của VFA-31, cho thấy máy bay Su-35S của Nga tại Syria. Nguồn: War is Boring

Theo Cenciotti, do không có báo cáo được xác nhận nào cho thấy F-22 và Flanker-E từng chạm trán tại Syria nên sự vụ hôm 3/5 có thể xem là lần đầu tiên 2 loại máy bay này "gặp gỡ" - và có lẽ cũng là lần đầu tiên chúng gặp nhau gần bờ biển Mỹ.

Một điều đáng lưu ý ở đây là mức độ sẵn sàng của các tiêm kích tàng hình Mỹ.

Theo Không quân Mỹ, khi được Bộ Tư lệnh phòng không Bắc Mỹ điều động để ngăn chặn nhóm máy bay Nga thì các tiêm kích F-22 đang tuần tra tại một địa điểm cách đó không xa.

Không rõ các tiêm kích F-22 lúc ấy đang tham gia cuộc tập trận Northern Edge hay chúng được Không quân Mỹ điều động tuần tra sau khi máy bay ném bom Nga tăng cường hoạt động tới mức "chưa từng thấy" vào đầu năm 2017.

Song, dẫu sao thì các tiêm kích tàng hình Mỹ đã có mặt trên bầu trời đúng lúc nên có thể nhanh chóng chuyển hưởng để "nghênh đón" nhóm máy bay Nga.

Tưởng chỉ trêu ngươi, chẳng ngờ Su-35 Nga lừa tiêm kích tàng hình Mỹ vào bẫy - Ảnh 2.

Tiêm kích F-22 "hộ tống" máy bay ném bom Tu-95MS của Nga (Ảnh tư liệu năm 2007. Nguồn: Stripes/Không quân Mỹ)

Nhân vật bí ẩn bay phía sau

Theo một số nguồn tin, nhóm máy bay Nga khi đó còn được yểm trợ bởi một chiếc máy bay trinh sát A-50 (NATO định danh: Mainstay) bay cách chúng một quãng.

Cenciotti nhận định, Nga triển khai đội hình máy bay này để phản ứng trước việc Mỹ tăng cường các hoạt động bay tuần tra tại Alaska (khu vực liên quan đến cuộc tập trận Northern Edge).

Rõ ràng, Nga đang theo dõi chặt chẽ những gì xảy ra tại khu vực xung quanh Alaska. Lần này, họ muốn phô diễn khả năng lên kế hoạch cho nhiệm vụ tầm xa, phức tạp, cũng như cho thấy khả năng sẵn sàng của chiếc Flanker-E trong nhiệm vụ hộ tống máy bay ném bom thực hiện các chiến dịch ở khoảng cách chiến lược.

Thành phần trong nhóm máy bay Nga cũng là một điều đáng lưu tâm.

Không nên xem nhẹ sự xuất hiện của chiếc Mainstay. Theo Cenciotti, nó bay sau nhóm máy bay Su-35 và Tu-95 nhằm một mục đích nhất định.

Được thiết kế với vai trò máy bay cảnh báo sớm đường không, A-50 có vẻ được trang bị các thiết bị hỗ trợ điện tử. Nói cách khác, nó có khả năng phát hiện các mục tiêu từ khoảng cách xa và còn có thể "đánh hơi" nguồn phát sóng radar, sóng vô tuyến.

Trong khi đó, theo Cenciotti, những chiếc Raptor khi đáp ứng lệnh báo động khẩn cấp thường mang theo thùng dầu phụ và thấu kính Luneburg nên rất dễ bị radar đối phương phát hiện.

Mặc dù không thể thu được tín hiệu rõ nét của F-22 nhưng chiếc A-50 ít nhất có thể thu thập dữ liệu từ phát xạ radar của chiếc Raptor và theo dõi chiến thuật của nó.

Cenciotti cho rằng, hôm 3/5, các máy bay Nga có lẽ đã thực hiện nhiệm vụ tấn công tầm xa giả định, nhưng với mục đích chính là thực hành do thám điện tử.

Những chiếc Su-35 và Tu-95 đóng vai trò như mồi bẫy để thử nghiệm chiến thuật xuất kích và thời gian phản ứng của Mỹ. Trong khi đó, chiếc A-50, ở khoảng cách xa, sẽ tìm cách thu thập nhiều càng nhiều tín hiệu tình báo càng tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại