Liên tiếp các vụ việc một số người vì bị nghi ngờ là thôi miên, bắt cóc trẻ em đã bị người dân ở một số địa phương như Hải Dương, Hà Nội, Nghệ An đánh đập dã man, đốt xe ôtô... khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng.
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, những vụ người dân ở một số địa phương "tự xử" vì nghi ngờ một số người bắt cóc trẻ em như ở Hải Dương, Hà Nội... cũng giống như các vụ đánh chết đối tượng trộm chó trước đây.
"Nếu hiện tượng này không được ngăn chặn để lan rộng thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự ở các địa phương, nhất là các vùng quê", tướng Hồng nêu.
Tướng Hồng cũng cho rằng, một phần nguyên nhân để xảy ra các vụ việc người dân vì nghi ngờ mà có hành động sai trái là do công tác phát động quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc chưa thực sự tốt.
Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân trong việc phát hiện tội phạm chưa hiệu quả, chính vì vậy, dẫn đến việc nhiều người không nhận thức được đâu là hành vi vi phạm pháp luật, chỉ ùa theo đám đông.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học cũng cho hay, những thông tin bắt cóc trẻ em gần đây lan truyền trên mạng và dư luận rất nhiều.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình.
Theo ông Bình, chưa bàn đến chuyện đúng sai, nhưng những thông tin này đã gây ra phản ứng tiêu cực, khiến người dân mất đi sự tỉnh táo và gây ra các vụ việc hành hung, đập phá, đốt xe đáng tiếc như trong thời gian qua.
"Những chuyện đã xảy ra rồi, chắc chắn những người hành hung, những người tung tin đồn gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm.
Nhưng theo tôi, ở đây cốt lõi là cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, có giải pháp để chấm dứt tình trạng này, tránh gây ra sự hoang mang trong xã hội", ông Bình nêu.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia chắc chắn không chỉ ngày một, ngày hai mà cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, người dân.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng "hiến" 3 điểm quan trọng để giải quyết triệt để vấn đề này.
Trong đó, điều quan trọng đầu tiên là cần điều tra, xử lý nghiêm những kẻ bịa chuyện tung tin đồn nhảm, không đúng sự thật về bắt cóc trẻ em để làm gương.
"Với người dân, cần tuyên truyền, giáo dục pháp luật tốt hơn, hướng dẫn kỹ năng tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội có chọn lọc, trách nhiệm hơn, thay vì cứ có thông tin là đăng tải mà không cần suy xét đúng sai, độ xác thực.
Một điều quan trọng khác, sau rất nhiều những tin đồn bắt cóc trẻ em lan truyền thời gian qua, cần tiếng nói chính thức của cơ quan chức năng bác bỏ tình trạng này, để người dân biết, không bán tín bán nghi, đồn thổi... rồi hoang mang nghi ngờ người lạ, dẫn đến những vụ hành hung người vô tội.
Làm được đồng bộ như vậy thì sẽ giúp giải quyết được dần, triệt để", PGS Bình nêu rõ.
Đại diện phòng cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội cũng đề nghị, người dân khi phát hiện, nghi ngờ việc bắt cóc cần thông báo cho cơ quan công an để xác minh, điều tra làm rõ.
Tuyệt đối không được đánh đập, hành hung, phá hủy tài sản của nghi can để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như những người có liên quan.
Các hành vi hành hung người khác cũng như tung tin đồn không đúng sự thật gây hoang mang, ảnh hưởng đều phải bị xử lý nghiêm.
Luật sư Nguyễn Văn Thịnh (Hà Nội) cũng cho biết, đối với hành vi gây thương tích cho các nạn nhân trong những vụ việc "nghi ngờ bắt cóc trẻ em", sau khi có kết luận điều tra, xác định rõ, các đối tượng gây ra có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự hoặc tội giết người nếu có hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe nạn nhân.
Ngoài ra, đối tượng tham gia hô hào, kích động đám đông có những hành động quá khích cũng sẽ bị xem xét, xử lý về tội gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự hiện hành.
Những hành vi như đốt xe, phá hoại tài sản sẽ bị xem xét, xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại điều 143 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, đối tượng tham gia hô hào, kích động đám đông có những hành động quá khích cũng sẽ bị xem xét, xử lý về tội gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự hiện hành.