Theo Reuters, Nga đã báo cáo doanh thu dầu thô tăng vọt trong quý 1 khi giá dầu trở nên đắt đỏ. Quốc gia này đang nỗ lực bán dầu sau khi hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ do xung đột tại Ukraine.
Báo cáo của Bộ Tài chính Nga vào ngày 8/4 cho biết họ đã nhìn thấy tín hiệu tích cực mạnh mẽ trong dòng tiền vào ngân sách liên bang. Cụ thể doanh thu trong quý 1 đã đạt 8,7 nghìn tỷ rúp, tương đương 94 tỷ USD, tăng 53,5 so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Tài chính cho biết dòng vốn vào từ các ngành phi năng lượng tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, tạo thành cơ sở ổn định để thúc đẩy tăng trưởng thu nhập hơn nữa. Đáng chú ý doanh thu từ dầu khí tăng trưởng nhanh chóng với mức tăng 80% so với năm ngoái, nhờ giá cả tăng cũng như việc các công ty dầu mỏ nộp thuế một lần.
Dầu thô Brent đang giao dịch trên 90 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 8/4, tăng gần 20% kể từ đầu năm do căng thẳng địa chính trị leo thang và những cú sốc về nguồn cung.
Năm 2023, thu nhập từ năng lượng của Nga đã giảm 23,9% so với năm trước đó, một phần là do lệnh cấm của Liên minh Châu Âu đối với nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga bằng đường biển và mức giá trần từ G7. Cả hai đều nhằm mục đích trừng phạt quốc gia này do xung đột với Ukraine.
Trong một động thái mới nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Eric Van Nostrand, cho biết Mỹ đã không yêu cầu Ấn Độ (một trong 3 khách hàng lớn nhất của Nga - có thời điểm là nhà nhập khẩu lớn nhất) cắt giảm nhập khẩu dầu Nga vì mục tiêu của các lệnh trừng phạt và mức trần giá 60 USD/thùng do G7 áp đặt là để đảm bảo nguồn cung dầu toàn cầu ổn định.
Vào hồi cuối tháng 2 vừa qua, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công ty vận tải nhà nước Nga Sovcomflot (SCF) và 14 tàu chở dầu thô của họ liên quan đến vận chuyển dầu của Nga.
Khi được hỏi về việc bán cho các quốc gia phương Tây các sản phẩm tinh chế được sản xuất từ dầu của Nga, Anna Morris - quyền trợ lý thư ký tại Kho bạc Mỹ cho rằng điều đó sẽ không vi phạm lệnh trừng phạt.
"Một khi dầu của Nga được tinh chế, từ góc độ kỹ thuật, nó không còn là dầu của Nga nữa. Nếu nó được lọc ở một quốc gia và sau đó được gửi đi, từ góc độ trừng phạt là hàng nhập khẩu từ quốc gia mua thì đó không phải là hàng nhập khẩu từ Nga.” Như vậy, dầu Nga sẽ có thể len lỏi vào khắp nơi kể cả châu Âu dưới hình thức các sản phẩm tinh chế.
Thêm một tín hiệu tích cực cho dầu Nga là Trung Quốc đã bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại dầu Nga. Theo công ty theo dõi hàng hóa năng lượng Vortexa, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,82 triệu thùng/ngày dầu thô của Nga bằng đường biển trong tháng 3, nhiều hơn 1/3 so với 1,36 triệu thùng/ngày của Ấn Độ.
Trước đó nhập khẩu dầu thô từ Nga bằng đường biển hàng tháng của Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trong khoảng một năm rưỡi. Tuy nhiên, vào tháng 2, lượng nhập khẩu 1,3 triệu thùng/ngày của Trung Quốc từ Nga đã vượt qua mức 1,27 triệu thùng/ngày của Ấn Độ.