Ông N.V.S (54 tuổi, ở Phú Lương, Thái Nguyên) nhập viện Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, liệt nửa người trái.
Theo lời bệnh nhân S chia sẻ, năm 2021, ông bị run chân, không đi lại được. Ông S đi khám tại một cơ sở y tế gần nhà và được bác sĩ kết luận bị tụ máu não do tai biến.
"Tôi được bác sĩ cho điều trị tại Bệnh viện hơn 20 ngày thì tạm ổn định, sau đó được cho về nhà. Nghĩ mình bị tai biến, tôi tìm tới Y học cổ truyền tiếp tục điều trị. Cuối tháng 3 vừa qua, tôi thấy đau đầu, tê nửa người bên trái từ đầu xuống chân, đi lại khó khăn, mắt mờ, nhìn không rõ. Khi xuống bệnh viện tỉnh thì bác sĩ chẩn đoán có nhiễm ký sinh trùng trong não. Sau đó tôi được chuyển xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ"- ông S cho hay.
Ông S cho biết ông hay ăn rau sống, nem chạo, nem thính, thi thoảng bữa sáng có ăn tiết canh và thịt lợn tái sống.
Theo TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, sau khi tiến hành các xét nghiệm và chụp cộng hưởng từ sọ não đã phát hiện bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn trong não và xét nghiệm huyết thanh dương tính với giun lươn. Bệnh nhân được chỉ định tẩy sán trưởng thành và dùng thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, để giảm sự phát triển của ấu trùng và các triệu chứng lâm sàng kèm theo.
"Các biểu hiện nhiễm ấu trùng sán dây lợn, nhiễm giun lươn của bệnh nhân S sẽ khiến nhiều người lầm tưởng sang trường hợp tai biến, đột quỵ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người và có những di chứng khác kèm theo" -TS.BS Thọ cho hay.
Ông S đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. (Ảnh: Lê Liên)
Dễ nhầm với bệnh thần kinh, đột quỵ
TS.BS Thọ cho biết thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhiễm các bệnh ký sinh trùng, điển hình là những bệnh ấu trùng sán dây lợn, nhiễm sán lá gan lớn, giun đũa chó mèo, giun lươn.
Theo TS.BS Thọ, nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở người là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín như: tiết canh, nem chạo, nem thính, rau sống….
Hơn nữa ở vùng núi, tình trạng chăn thả lợn rông vẫn còn nhiều. Trong chất thải của lợn có thể có trứng sán. Khi người hoặc động vật ăn phải rau cỏ, thực phẩm có trứng sán thì sẽ có nguy cơ bị nhiễm sán lợn.
TS.BS Thọ cũng cho hay nhiều người dân đến viện luôn khẳng định ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm sẽ nên không thể bị nhiễm sán. Nhưng suy nghĩ này là chưa đúng.
Tất cả các loại tiết canh dù là tiết canh lợn, dê, vịt… thực chất đều là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, giun sán… Tiết canh từ lợn do gia đình nuôi vẫn có nguy cơ lây nhiễm sán cao.
"Có nhiều người tưởng rằng ăn tiết canh vịt nhà tự làm sẽ không bị nhiễm giun sán hay liên cầu lợn. Nhưng trong quá trình cắt tiết, chế biến không đảm bảo dẫn tới vi khuẩn ở da, lông con vật dễ dàng xâm nhập vào máu. Bên cạnh đó, tiết canh vịt dù không có liên cầu lợn nhưng để hấp dẫn, người chế biến lại lấy những bộ phận của lợn chế biến làm nguyên liệu đánh tiết canh thì cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao", TS.BS Thọ phân tích rõ.
Theo TS.BS Thọ, sán não cũng khiến cho bệnh nhân bị ảnh hưởng, suy giảm trí nhớ. Bệnh nhân tới nhập viện trong trạng thái nhớ nhớ, quên quên như bệnh nhân tâm thần.
Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng một ngày có 5, 6 cơn co giật toàn thân. Bệnh nhân bị tổn thương não do sán não khi sống và sinh hoạt tại cộng đồng. Những cơn co giật có thể xuất hiện không báo trước gây nguy hiểm cho không chỉ bệnh nhân mà còn nguy hiểm với nhiều người xung quanh (như khi tham gia giao thông chẳng hạn).
"Có những bệnh nhân khi nhập viện, khi chụp phim cộng hưởng từ sọ não cho thấy có rất nhiều nang sán trên não, các nang sán nhiều chi chít như mắt sàng. Có nhiều bệnh nhân sau điều trị sán não dù đã ổn định, các nang sán không phát triển nữa nhưng lại chuyển sang giai đoạn vôi hóa khiến bệnh nhân có những di chứng tồn tại trên não, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân. Mỗi khi thay đổi thời tiết hay, làm việc nặng, căng thẳng tinh thần, bệnh nhân có thể sẽ bị co giật" – TS.BS Thọ cảnh báo.
Sán não còn gây ra tổn thương ở đáy mắt. Bệnh nhân thường thấy nhức mắt, giảm thị lực. Thậm chí, có những bệnh nhân thị lực chỉ còn 2/10. Sau khi điều trị, thị lực có thể phục hồi phục chút ít, không đáng kể bởi đã bị tổn thương dây thần kinh ở hốc mắt. Tùy thuộc vào việc bệnh được phát hiện và điều trị sớm, kịp thời thì cơ hội phục hồi thị lực sẽ tốt hơn.
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. (Ảnh: Lê Liên)
TS. BS Thọ đưa ra khuyến cáo, bà con nếu phát hiện có biểu hiện bất thường dưới da, u nhỏ trong cơ như hạt đậu tương hoặc hạt lạc, đau đầu, co giật, hay đã từng đi ngoài có đốt sán, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, bệnh về ký sinh trùng diễn biến âm thầm trong cơ thể người, kéo dài nhiều năm có thể tới 10 năm, thậm chí 20 năm. Nhiều bệnh nhân từng đi ngoài ra đốt sán hàng chục năm nhưng không thấy cơ thể có biểu hiện gì khác lạ nên cho đó là bình thường và không đi khám. Chỉ tới khi thấy người yếu, có nhiều cơn co giật thì mới đi khám. Khi đó đã các loại ký sinh trùng có thể đã gây tổn thương ở não.
Không ít bệnh nhân đã từng đi khám ở rất nhiều các cơ sở y tế từ tư nhân tới cơ sở y tế bệnh viện công ở Tỉnh và Trung ương nhưng không chẩn đoán ra bệnh, làm mất đi thời gian vàng điều trị bệnh. Thậm chí có nhiều người nghĩ mình mắc bệnh động kinh, tai biến, tâm thần nên đã điều trị ở bệnh viện tâm thần nhiều năm. Khi đến được Bệnh viện chuyên khoa điều trị các bệnh ký sinh trùng thì đã ở giai đoạn tương đối muộn, ký sinh trùng đã tấn công vào cơ thể và lên não và phải chịu nhiều di chứng kéo dài suốt cuộc đời sau này.
TS.BS Cảnh cho biết bà con khi nghi ngờ nhiễm bệnh về ký sinh trùng có thể tìm tới các cơ sở chuyên khoa điều trị về bệnh ký sinh trùng trên toàn quốc để được thăm khám và tư vấn.