01.
Một chương trình truyền hình tranh tài diễn xuất gần đây đã quy tụ từ các diễn viên từ gạo cội cho tới người mới nổi. Chương trình thu hút nhiều sự chú ý từ cộng đồng. Mọi người nhìn thấy một phiên bản xã hội thu nhỏ ngay tại đây, nơi thể hiện rõ ràng quy luật kẻ yếu sẽ bị đào thải, kẻ mạnh mới có thể tồn tại đến cuối cùng.
Trong mỗi số, các đạo diễn sẽ đánh giá kỹ năng diễn xuất và mức độ nổi tiếng của từng diễn viên. Mỗi lần vào vai, các diễn viên đều không ngừng luyện tập chăm chỉ để nâng cao thứ hạng của mình.
Rất nhiều người có tuổi đời cũng như tuổi nghề rất cao, được mọi người trông đợi nhiều. Nhưng qua thời gian, những ai có thực lực thì ngày một đi lên, dù tuổi đời còn trẻ. Trong khi những người chỉ dậm chân tại chỗ suốt một thời gian dài thì ngày một tụt hạng, không ít người tuổi trung niên bị lớp trẻ “vượt mặt” một cách khó xử.
Các diễn viên bị xếp hạng càng thấp thì có càng ít cơ hội được lựa chọn kịch bản và vai diễn theo ý mình. Họ thường phải chờ những diễn viên hạng cao chọn lựa trước, sau đó đưa ra yêu cầu hợp tác.
Nhiều người cho rằng, quy tắc này sẽ khiến khoảng cách giữa hai top đầu - cuối ngày một chênh lệch. Thậm chí, một số bình luận cho rằng “bất công”, có những người hạng cuối đã không có cơ hội lên sân khấu vì cách chọn lựa này.
Nhưng đây không phải là thực tế trong cuộc sống hiện tại hay sao?
Chẳng ai có nghĩa vụ phải tạo thêm cơ hội cho những người tụt lại phía sau. Những người đang được hưởng quyền lợi cũng đã phải bỏ ra nhiều công sức để đạt hiện trạng như bây giờ. Nếu bỏ qua thành tựu mà họ đạt được để “dung túng dễ dàng” cho nhóm diễn viên hạng cuối mới thực sự là bất công.
Đạo diễn nổi tiếng Quách Kính Minh cũng nói thẳng: “Thực tế chính là phũ phàng như vậy đấy. Chương trình nhẹ nhàng hơn rất nhiều rồi.”
Quả thật, dù trong môi trường nào, luôn có một quy tắc ngầm tồn tại: Kẻ mạnh sẽ dần trở nên mạnh hơn, và kẻ yếu cũng ngày càng trở nên yếu hơn.
02.
Trong số những gương mặt “gạo cột” bị tụt hạng, có một nữ diễn viên từng rất nổi tiếng là Nghê Hồng Khiết. Năm 19 tuổi trở thành người mẫu quảng cáo, 23 tuổi là một trong 10 ngôi sao quảng cáo nổi tiếng nhất của Trung Quốc và tiến vào giới nghệ sĩ, bắt đầu đóng phim. Năm 2005, vai diễn trong “Võ lâm ngoại truyện” lại đưa tên tuổi nữ diễn viên lên hàng đầu.
Ngay vào thời điểm tiền đồ sáng lạn như vậy, Nghê Hồng Khiết dùng toàn bộ tài sản kiếm được để tới Vân Nam mở khách sạn, hưởng thanh nhàn. Sau 3 năm hoạt động, khách sạn chẳng những không kiếm lời mà còn liên tiếp thua lỗ. Cô lại một lần nữa tìm cách trở lại giới nghệ thuật.
Nhưng vào thời điểm đó, các diễn viên mới xuất hiện lớp lớp như tre già măng mọc, còn Nghê Hồng Khiết lại mai một phần nào tố chất và kỹ năng trước kia. Tuy kinh nghiệm thành thạo, nhưng cảm xúc trong lối diễn xuất đã không còn để lại ấn tượng đặc sắc trong lòng khán giả. Cô ngày càng trở nên “lép vế” so với những diễn viên trẻ tuổi.
Đây chính là tác động đáng sợ của "Hiệu ứng Matthew": Bất cứ cá nhân, quần thể hoặc khu vực nào đó, nếu đạt được thành công hoặc sự tiến bộ trong một phương diện thì sẽ dần tích lũy được lợi thế vượt trội, từ đó tiếp cận càng nhiều cơ hội để tiến bộ và thành công hơn.
Ngược lại, nếu không thể tích lũy được các ưu thế vượt trội thì ngày càng thụt lùi, ngày càng khó đạt được sự tiến bộ và thành công.
Giống như câu chuyện Gà tây được kể rằng:
Ngày xửa ngày xưa, trong trang trại có một con gà tây, những người nông dân tốt bụng cho nó ăn mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 xô. Người nông dân cũng chủ động dọn dẹp thường xuyên, cho nó một ngôi nhà thoải mái nên gà tây càng ăn uống vui vẻ và ăn nhiều hơn mỗi ngày.
Thời gian trôi qua từng ngày, 50 ngày, 100 ngày, 150 ngày... Cuộc sống hàng ngày của nó đều lặp đi lặp lại giống nhau: được cho ăn và có người dọn chuồng cho. Gà tây hài lòng với cuộc sống như vậy, nhưng điều nó không biết là Lễ Tạ ơn đang đến gần. Tới ngày 201, nó đã trở thành cao lương mỹ vị trên bàn ăn của con người vì thân thể béo ục ịch, không còn khả năng trốn chạy.
Những người theo đuổi sự dễ dãi, an nhàn và không nỗ lực để vươn lên tiến bộ trong cuộc sống cũng sẽ dần rơi vào chung một xu thế đó.
03.
Kẻ mạnh sẽ ngày càng mạnh, đây dường như trở thành quy luật vận hành tự nhiên của xã hội.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cánh cửa thành công cũng đóng lại trước những người yếu thế hơn. Bằng cách nỗ lực gia tăng giá trị của mình, bạn cần phải biến mình trở thành trụ cột nòng cốt trong một khía cạnh. Ở đó, vị trí của bạn là không thể thay thế. Một khi sở hữu giá trị riêng, bạn sẽ có cơ hội thay đổi vị thế chính mình.
Giống như Steve Jobs từng khẳng định: “Mọi nỗ lực đều có thể nhận được sự đền đáp xứng đáng. Nếu bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Không ngừng lại. Hãy hướng trái tim mình với tất cả mọi vấn đề, bạn sẽ biết khi nào tìm thấy nó. Và, giống như 1 mối quan hệ tuyệt vời, nó chỉ trở nên tốt hơn sau nhiều năm đã trải qua.”
Trong thời đại này, điều duy nhất không thay đổi chính là sự thay đổi. Người đứng trên đỉnh cao vẫn có thể thất bại, cũng như người ở dưới có thể lội ngược dòng, chiếm lấy thứ hạng cao. Cho nên, dù ở vào hoàn cảnh nào đi nữa, việc đề cao năng lực ứng biến, học được cách thay đổi mỗi ngày, nó sẽ trở thành “pháp bảo” giúp bạn sinh tồn trong cuộc sống.
Xu hướng của thời đại hiện nay là phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ sau 2-3 năm, chiếc điện thoại thông minh đời mới đã trở thành hàng hạ giá, bị người ta đào thải liên tục. Thế giới không ngừng tiến về phía trước và chúng ta không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai.
Nếu không thúc đẩy bản thân thay đổi, chúng ta sẽ luôn lặp đi lặp lại một chuỗi sự kiện không ngừng, chẳng tích lũy được bất cứ ưu thế nào cho bản thân, rồi dần dần thụt lùi so với thời đại. Đó là cái giá phải trả cho sự dễ dãi an nhàn trước đây.
Suy cho cùng, cơ hội chỉ dành cho kẻ mạnh của thời đại.