Vào năm 2022, Demi Guo và một vài người bạn học chung chương trình tiến sĩ khoa học máy tính tại đại học Stanford đã dành cả kỳ nghỉ đông để làm phim AI tạo sinh. Trong khoảng thời gian đó, Runway, startup phát triển phần mềm chỉnh sửa video AI đã tổ chức một cuộc thi có tên gọi “AI Film Festival” với giá trị giải thưởng cao nhất lên tới 10.000 USD. Demi Guo tham gia, song không giành được giải thưởng.
“Chúng tôi đã gặp khó khăn để sản xuất ra một bộ phim mặc dù cả nhóm có chuyên môn cao về công nghệ”, Demi Guo cho biết.
AI rất hứa hẹn, song để áp dụng vào sản xuất video khó vô cùng. Đó là thử thách lớn đối với Guo và cả nhóm bạn học.
“Bộ phim của nhóm có chất lượng không tốt và tôi đã rất thất vọng”, Guo chia sẻ với Forbes.
Vì lẽ đó, tháng 4/2023, Demi Guo và một người bạn tên Chenlin Meng quyết định thành lập Pika Labs (Pika), công ty phát triển phần mềm tạo video bằng AI dễ sử dụng hơn các ứng dụng hiện hành. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, 50.000 người đã dùng thử phần mềm của Pika và sáng tạo ra hàng triệu video mỗi tuần.
Pika nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, sau đó nhận về 55 triệu USD từ các vòng gọi vốn. Công ty cũng được định giá khoảng 200-300 triệu USD, theo Forbes.
“Chúng tôi muốn tạo ra giao diện người dùng mới và cải tiến quá trình sản xuất video. Không dễ để làm ra những video có chất lượng cao”, Demi Guo, CEO Pika, cho biết.
Nat Friedman, một trong những nhà đầu tư cá nhân hàng đầu lĩnh vực AI, là người đầu tiên rót vốn cho Pika vào tháng 4/2023. Trao đổi với Forbes, Friedman cho biết anh ấn tượng với phiên bản thử nghiệm sớm mà Demi Guo và Meng phát triển.
Trong khoảng thời gian đầu, Pika chỉ tập trung vào tạo nội dung anime – phong cách giống tác phẩm hoạt hình từ Nhật Bản. Cả Demi Guo và Meng đều đồng ý rằng rất khó để làm AI tạo sinh cho những video thực.
Theo gợi ý của Friedman, Pika quyết định phát triển thêm tính năng chèn chữ vào video. Mọi thứ diễn ra nhanh chóng và rất chủ động.
“Đây là một trong những thứ thúc đẩy quyết định đầu tư của tôi”, Friedman chia sẻ với Forbes.
Michael Mignano, giám đốc Lightspeed Venture Partners, người đã đầu tư vào công ty hồi tháng 9/2023, thừa nhận sự nhanh nhạy chính là lợi thế quan trọng của Pika. “Tốc độ là lợi thế lớn nhất của một startup. Pika là đội ngũ chủ động và nhanh nhạy nhất mà tôi từng làm việc”, Mignano nói với Forbes.
Với khoản vốn đầu tư mới, Demi Guo có kế hoạch tăng quy mô nhân sự của Pika. Phần mềm hiện vẫn đang miễn phí, song vị CEO này cho biết công ty sẽ ra mắt phiên bản trả phí với nhiều tính năng hơn.
“Chúng tôi không cố gắng tạo ra sản phẩm phục vụ việc sản xuất phim. Pika tập trung phát triển sản phẩm dành cho những người dùng thông thường, như tôi và Meng chẳng hạn”, Demi Guo nói.
Điều khiến Pika thu hút sự chú ý không chỉ nằm ở phần mềm mà còn ở xuất thân của nữ CEO Demi Guo 25 tuổi. Mẹ cô là cựu sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Bố là CEO Tập đoàn Xinyada Technology - công ty phần mềm nổi tiếng ở Chiết Giang. Một số thành tích nổi bật thời THPT của Guo có thể kể đến như: Giải Nhất Olympic Tin học trẻ toàn quốc, 2 lần vô địch Olympic Toán quốc tế.
Năm lớp 11, Demi Guo được MIT mời tham gia cuộc thi Lập trình Bắc Mỹ. Vượt qua nhiều sinh viên từ các ngôi trường danh giá, nữ CEO trẻ giành vị trí Á quân. Cô cũng có thời gian thực tập tại Meta AI, Microsoft và Google Brain.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Demi Guo tiếp tục học lên thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính tại Harvard. Cô nhận nhiều lời mời học tiến sĩ tại Harvard, MIT và Stanford song cuối cùng chọn chuyên ngành Khoa học máy tính tại Stanford.
Theo: Forbes