Câu chuyện về Xbox Underground, nhóm hacker trẻ người non dạ tấn công cả chính phủ Hoa Kỳ, để rồi nhiều người người bị bắt, một người trốn chạy và một người ra đi vĩnh viễn.
Hành trình tới Delaware đáng ra chỉ vỏn vẹn một ngày. David Pokora, cậu chàng đeo kính học năm cuối Đại học Toronto, phải đánh xe xuống miền Nam để mua hàng: mua một cái cản trước hàng thửa dành riêng cho chiếc Volkswagen Golf R độ của cậu.
Người bán đồ cho Pokora không muốn lằng nhằng với món hàng phải gửi tới tận Canada, nên Pokora đồng ý gửi đồ cho bạn của mình, cậu Justin May sống tại Wilmington, Mỹ.
Hai chàng trai trẻ đều đam mê thế giới kỳ diệu của game, cũng tình cờ thích thú với những thứ máy móc phức tạp có bên trong máy chơi game Xbox của Microsoft. Họ giữ liên lạc với nhau đã nhiều năm, nhưng chưa một lần Pokora và May gặp mặt.
Một kế hoạch tuyệt vời chớm nở.
Ngày 28 tháng Ba năm 2014, sau khi hai cha con rời nhà được khoảng 1 tiếng, họ tới được biên giới giữa Canada và Mỹ. Mọi chuyện êm xuôi cho tới giây cuối cùng, khi nhân viên an ninh biên giới cau mày trước màn hình kết quả kiểm tra hộ chiếu.
"Từ ‘Xenon’ nghĩa là gì?", nhân viên an ninh phát âm hơi lúng túng trước từ khá lạ, nghe như một tên riêng.
Cậu David Pokora giật mình: Xenon là tên trên mạng của cậu , dùng kèm với hai tên khác là Xenomega và DeToX, chuyên dùng trong game Halo hay lúc bàn bạc dự án hack Xbox với một số lập trình viên khác. Tại sao một nhân viên hải quan không liên quan chút nào tới công nghệ lại hỏi cậu một câu hỏi như vậy? Tại sao tên dùng trong game lại xuất hiện khi kiểm tra hộ chiếu được?
Suy nghĩ vài giây, cậu trả lời Xenon là tên tự đặt cho "tập đoàn một thành viên" của mình, Xenon Development Studios, một dịch vụ thanh toán liên quan tới Xbox, cho phép những người trả phí hàng tháng mở khóa được các thành tựu trên nền tảng Xbox hay qua được những màn chơi khó, áp dụng cho hơn 100 trò chơi.
Bên cạnh việc làm rõ về công ty mình, Pokora đảm bảo rằng công ty của cậu được cấp phép đàng hoàng. Hai bố con vẫn chưa được đi ngay, họ bị giữ lại cho tới khi vướng mắc được giải quyết xong.
Ngồi trong tòa nhà của ban an ninh biên giới, thép lạnh của chiếc ghế đang ngồi thấm lên da thịt, Pokora ngẫm lại những sai lầm của tuổi trẻ, bắt đầu từ cái thời cậu mê đắm thiết kế linh kiện bên trong cái Xbox.
Khi tự tay mổ xẻ từng phần thiết bị, hành động vô hại sẽ thỏa mãn trí tò mò của một chàng trai trẻ, đó cũng là cách để Pokora với các bạn hữu "so tài" với những chuyên gia linh kiện hàng đầu thế giới.
Thế nhưng không ai ngờ thế giới "hack Xbox" ngày càng xuống cấp đạo đức, thậm chí là nhơ nhuốc với những đồng tiền bẩn, những đồng bạc xóa nhòa đi phẩm chất trong sáng của một cậu thiếu niên tò mò, sự mê hoặc của đồng tiền đem lại cả danh vọng và sự thích thú cho những người có khả năng hack Xbox.
Pokora biết mình phạm pháp từ lâu, biết rõ mình đã làm phật ý những người có vai vế trong xã hội: không chỉ những cá nhân có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp game, cậu còn động chạm tới những nhân vật nguy hiểm bậc nhất khi luồn lách vào mạng lưới quân sự của Mỹ.
Dù vậy, Pokora không hề hay biết mình đã "phạm thượng" ở mức độ nghiêm trọng thế nào: bản cáo trạng buộc tội Pokora lên kế hoạch đánh cắp lượng tài sản trí tuệ trị giá 1 tỷ USD, Mỹ dự định xử Pokora làm gương, biến cậu thành hacker nước ngoài đầu tiên bị buộc tội đánh cắp bí mật quốc gia Hoa Kỳ.
Bạn bè của Pokora, những người có dính líu tới các hoạt động tin tặc, đều bị kéo vào dòng nước xiết của những hệ lụy: một người trở thành người cung cấp thông tin cho chính phủ, một người cố gắng trốn chạy pháp luật, một người bỏ mạng.
Ngồi trong phòng tạm giam, cậu tưởng tượng ra người cha đang chờ bên ngoài phải nghe tin dữ: người công nhân xây dựng chết điếng khi biết con trai mình bị chính phủ Hoa Kỳ bắt giữ, sẽ còn lâu nữa mới có thể thấy lại quê hương Canada. Giọt nước mắt trộn lẫn hoang mang, bối rối và tủi nhục lăn dài trên gò má người cha.
Ngồi trong phòng tạm giam, cậu không thể nói lời an ủi với người đàn ông đã tần tảo nuôi mình khôn lớn.
Trước cả khi anh biết đọc biết viết, David Pokora đã thành thạo khả năng chơi game bắn súng góc nhìn thứ nhất. Những ngón tay mới chỉ được 3 tuổi lướt trên bàn phím máy tính: Pokora đang miệt mài chơi Blake Stone: Aliens of Gold.
Thứ quấn hút Pokora có lẽ không phải là những màn bắn nhau bạo lực, mà là cách một cái hộp sắt biến hành động đời thực thành những hình ảnh bắt mắt trên màn hình. Cậu nhóc là một lập trình viên bẩm sinh.
Bên cạnh những môn cơ bản trong lớp Tiểu học, Pokora còn đam mê lập trình, tự viết những công cụ đơn giản như trình duyệt web. Nhưng phải tới khi đặt chân tới Ba Lan trong một chuyến du lịch với gia đình, những gì tinh túy nhất của bộ não lập trình viên mới tỏa sáng.
Trong căn phòng nhỏ của người bà con xa, Pokora đã tự dạy mình ngôn ngữ lập trình Visual Basic.NET. Không Internet, không người chỉ dẫn, Pokora tự lần mò mỗi khi lỗi lập trình xuất hiện và khi mọi thứ chạy trơn tru, cảm giác vui sướng chiếm lấy cơ thể cậu Pokora nhỏ tuổi.
Khi đắm mình vào thế giới ảo diệu của lập trình, cậu nhận được món quà vô cùng quý giá với một cậu trẻ đam mê đồ công nghệ: một máy chơi game Xbox thế hệ đầu tiên. Cỗ máy mới với khả năng kết nối mạng để chơi game nhiều người, cấu trúc hệ thống của Xbox tương tự Windows vì cùng một mẹ Microsoft hạ sinh, Pokora nhanh chóng quên đi cái máy chơi game Super Nintendo.
Mỗi khi không sát cánh cùng đồng đội trong trò Halo, cậu lại mò mẫm Internet để tìm thông tin kỹ thuật liên quan tới món đồ chơi mới. Cậu gặp bạn mới, hòa nhập một cộng đồng hacker chung đam mê, những con người muốn đẩy cỗ máy Xbox tới giới hạn cao hơn.
Mở tung lớp vỏ đen bên ngoài, các hacker tìm tới được trái tim của Xbox, "tận mắt" thấy được dòng dữ liệu truyền giữa các thành phần – CPU, RAM và chip Flash. Từ đó, họ khám phá ra thứ được chuyên gia mật mã Bruce Schneier gọi là "những lỗ hổng bảo mật ở cấp mẫu giáo".
Ví dụ: Microsoft đã đặt chìa khóa mã hóa, cho phép bất kỳ ai có thể chạm được vào mã boot của toàn hệ thống, ngay tại bộ nhớ của Xbox. Khi cậu sinh viên Bunnie Hung, lúc ấy đang theo học MIT, mò được ra chìa khóa mã hóa năm 2002, toàn giới hacker truyền tay nhau "bí kíp võ công" Hung mò ra được.
Họ có thể bắt cỗ máy Xbox bật nhạc trực tuyến, chạy Linux, giả lập cả game SEGA và Nintendo, thông qua một con chip được hàn thẳng lên bo mạch chủ hoặc đưa thẳng vào hệ thống bằng cổng USB.
Đó là thời điểm Halo và Xbox là hai cái tên gắn chặt với nhau (mà đến giờ vẫn vậy), Pokora hack được Xbox thì tại sao không tinh chỉnh cho thế giới Halo phải nghe theo ý mình?
Thế hệ Xbox thứ hai, Xbox 360, đổ bộ vào tháng Mười một năm 2005, toàn cảnh ngành hack game Xbox kết thúc. Cỗ máy được bán ra với hai màu đen và trắng khóa được toàn lỗ hổng bảo mật, không cho phép bất kỳ dòng code chưa được Microsoft chấp thuận nào chạy trên máy.
Cậu bé Pokora 13 tuổi vẫn chưa chịu bó tay: cậu biết một cách vượt rào hiệu quả nhưng cực kỳ khó làm, phải cần tới phần cứng ngoài, một bộ công cụ cho nhà phát triển Xbox 360.
Những bộ công cụ đó là những cỗ máy đặc biệt do Microsoft phân phối, chỉ trao cho những nhà phát triển có khả năng viết nội dung cho Xbox (game, phần mềm và những thứ liên quan tới nội dung khác).
Bề ngoài của nó không khác cỗ máy thường, những gì bên trong nó mới đáng giá: những phần mềm cho phép phát triển game, những công cụ debug hiệu quả. Một hacker nắm trong tay bộ công cụ cho nhà phát triển sẽ là một thế lực đáng gờm, có thể tùy biến Xbox theo ý mình.
Microsoft chỉ bán bộ công cụ cho những công ty phát triển game uy tín. Khoảng giữa những năm 2000, một số bộ công cụ trôi nổi trên thị trường thông qua các đợt bán tháo tài sản của các công ty bên bờ vực phá sản.
Có một anh hacker may mắn vớ bở khi chạy quanh, mua lại "đồng nát" từ các bãi phế liệu điện tử. Chính anh đã đưa Pokora lên hàng ngũ những hacker Xbox đình đám nhất, có lẽ là mọi thời đại.
Năm 2006, khi đang là giám đốc công nghệ của công ty dịch vụ tài chính Wells Fargo, anh Rowdy Van Cleave, 38 tuổi, nhận được thông báo bán ổ DVD Xbox với giá rẻ mạt, địa điểm là một cơ sở tái chế gần nơi anh công tác.
Trong khi kiểm hàng, chủ doanh nghiệp tái chế kể về việc họ thường xuyên nhận được phần cứng thừa từ Microsoft. Van Cleave, từng là một thành viên cốt cán trong đội ngũ hack Xbox nổi tiếng – Team Avalaunch, tình nguyện hợp tác với bên tái chế. Anh sẽ giúp chỉ ra món hàng nào còn giá trị bán lại.
Sau khi bới xong đống rác Xbox khổng lồ, Van Cleave xin về 5 bo mạch chủ. Cắm vào Xbox 360, anh ngỡ ngàng phát hiện ra anh vừa mang về bo mạch chủ của nhà phát triển Xbox! Biết mình đã vớ được món hời, anh thỏa thuận với doanh nghiệp tái chế, đồng ý mua lại mọi phần cứng Microsoft bị thải hồi.
Năm 2008, chàng trai trẻ Pokora mới 16 tuổi tìm tới Van Cleave. Họ quen nhau qua một người bạn chung, và Van Cleave sớm ấn tượng bởi bộ óc của một lập trình viên bẩm sinh. Pokora đồng ý trở thành người môi giới hàng của Van Cleave cho các hacker Xbox khác, cậu tiếp tục làm bạn với những người khác trong quá trình bán hàng. Một trong số đó là cậu Justin May sống tại Mỹ.
Được trang bị bộ công cụ cho nhà phát triển, Pokora bắt đầu tùy biến tựa game Xbox mới nhất lúc bấy giờ, Halo 3. Chàng thiếu niên thức tới mờ sáng, bước vào trạng thái mà cậu gọi là "siêu tập trung" để ngồi viết code. Thường xuyên muộn học bởi Pokora không hứng thú gì với trường lớp; đối với cậu, việc lập trình trên bộ thiết bị "toàn năng" cho phép cậu biến Xbox thành một cỗ máy phải phục tùng mọi hiệu lệnh của chủ nhân là thứ giáo dục duy nhất cậu theo đuổi.
Pokora đăng tải những gì mình làm được với Halo 3 lên nhiều forum liên quan, đó chính là bước đầu để cậu thu về tiếng tăm và thêm nhiều bạn mới.
Anthony Clark, cậu hacker 18 tuổi tại California đã để ý tới David Pokora. Clark có kinh nghiệm "chọc ngoáy" game Xbox, áp dụng kỹ nghệ đảo ngược – reverse engineering để biết cách các nhà phát triển làm game. Clark tìm tới Pokora mời hợp tác.
Hai cậu chàng có chung sở thích ngày một thân thiết, ngày nào cũng bàn luận về lập trình, âm nhạc, xe cộ và bất cứ thứ gì tuổi trẻ để ý tới. Pokora bán cho Clark một bộ công cụ cho nhà phát triển, để họ có thể cùng nhau hack Halo 3; đổi lại, Clark dạy Pokora cách mổ xẻ một tựa game bất kỳ.
Họ cùng nhau viết một bộ công cụ riêng cho Halo 3, cho phép nhân vật chính – Master Chief có những kỹ năng khác thường, không hề có trong game nguyên bản. Họ dành hàng trăm giờ cùng nhau chơi trên PartnerNet, phiên bản chơi game trực tuyến Xbox Live dành riêng cho các nhà phát triển.
Chính những kỹ sư thiết kế game tại Microsoft (nhà phát hành game và Xbox) và Bungie (nhà phát triển Halo) ca ngợi những gì hai cậu trẻ làm được, dù biết rằng hai cậu mua lậu những phần cứng ở chợ đen. Họ đã có thể trở thành những nhà phát triển game được cả cộng đồng kính nể, dù con đường họ đi lên có đôi chút không chính thống. Dù thế nào, tài năng vẫn sẽ khẳng định tất cả.
Họ chụp lại ảnh một màn chơi chưa từng được công bố, vui thú chia sẻ cho bất kỳ ai mê đắm Halo. Hiển nhiên các nhà phát triển biết điều đó, họ đưa ra cảnh báo nhẹ: khi Pokora và Clark đăng nhập vào PartnerNet để chơi, họ nhận được thông báo "Những người vinh quang chiến thắng thì không đột nhập vào PartnerNet".
Hai cậu học sinh cười nhẹ trước lời răn đe của Microsoft. Họ coi đó chỉ là niềm vui thôi, họ đam mê tùy biến game chứ không hề có ý định làm giàu. Mọi hành động phá hoại chỉ là thuần tò mò và khám phá. Họ tiếp tục chơi trò vờn bắt với những "tay to" của Microsoft, vẫn mong muốn một ngày được đứng chung hàng ngũ với các nhà phát triển game gạo cội.
Bảo mật của Xbox 360 vẫn đứng vững cho tới cuối năm 2009, khi một số nhà nghiên cứu phát hiện ra lỗ hổng cho phép người dùng vượt qua bức rào Microsoft dựng lên.
Chỉ cần tinh chỉnh bo mạch chủ của 360, một thế giới không bị kiểm soát sẽ mở ra. Dịch vụ chỉnh sửa Xbox 360 mọc lên như nấm sau mưa, ngay trong ngày tin tức hack được Xbox 360 bay muôn nơi. Đây chính là loại hình tùy biến Xbox mà Pokora và Clark thành thạo nhất.
Với tổng số người sử dụng Xbox Live để chơi trực tuyến lên tới 23 triệu người, tính cạnh tranh càng khiến các màn chơi trở nên khó thắng hơn bao giờ hết. Đó là lý do những "đứa nhóc hư hỏng cầm trong tay thẻ tín dụng của bố mẹ" – cái tên đầy miệt thị Pokora đặt cho người chơi, tìm mọi cách để chiến thắng. Mọi cách.
Thêm vào khoảng 50 cho tới 100 USD nữa, người mua hack đó có thể mang những sức mạnh mất cân bằng đó vào những game thường, nói đơn giản là Pokora và Clark đã bán bản hack cho người chơi.
Pokora do dự: cậu biết những kẻ cầm bản hack trong tay sẽ hủy diệt các người chơi khác, danh dự "game thủ chân chính" của cậu sẽ bị vấy bẩn – Chính Pokora bán hack cho người chơi chứ ai! Nhưng khi thấy số tiền kiếm được vượt xa mọi con số mà cậu chàng mới lớn từng thấy, phải tới 8.000 USD vào một ngày đông khách, Pokora đã nhắm mắt đưa chân.
Khách mua "hàng" nhiều tới mức hai chàng trai phải thuê thêm nhân viên phụ giúp. Tiền đổ vào liên tục, Pokora say sưa với tư cách mới – một chủ doanh nghiệp thành công, cậu đã quên mất giá trị làm nên một con người đứng đắn.
Microsoft cố gắng chặn những lỗ hổng bảo mật, phát hiện ra những máy Xbox 360 đã bị chỉnh sửa để cấm chúng tham gia server. Nhưng bằng kỹ năng học được từ người bạn thân Anthony Clark, cậu áp dụng kỹ nghệ đảo ngược để tìm ra cách vượt mặt Microsoft: cậu viết chương trình hack các yêu cầu kiểm tra bảo mật của Xbox Live, đưa cho nó các thông tin giả để các máy Xbox vượt được tường lửa.
Pokora say đắm trong thành công và tiền tài. Cậu vẫn sống cùng cha mẹ, nhưng tự trả học phí khi được nhận vào Đại học Toronto năm 2010. Cậu với bạn gái dùng bữa ở những nhà hàng thượng hạng, bỏ ra 400 USD/đêm để đi vòng quanh Canada, đi theo một chuyến lưu diễn nhạc rock.
Nhưng cậu đang không làm điều này vì tiền hay vì những lời tán dương từ những người cùng địa vị; cậu làm vậy vì kiếm tìm ánh hào quang, cũng như biết mình đang sở hữu một sức mạnh chẳng mấy ai sở hữu: cậu có thể tùy bắt game phải làm theo ý mình.
Pokora cũng biết mình đang phạm pháp, đang phá hoại một loạt những quy chế về bản quyền. Nhưng cậu chàng không mấy quan tâm bởi cả Microsoft – nhà phát triển Xbox và Activision – nhà phát triển Call of Duty đều không có những động thái mạnh tay, đều chỉ có những lời răn đe hời hợt.
Activision có gửi cho cậu một chuỗi thư yêu cầu dừng hoạt động phá hoại game, nhưng những lời đe dọa của họ không bao giờ thành sự thực.
"Chỉ là trò chơi thôi mà", Pokora tự huyễn hoặc mình mỗi khi nhận được thư từ Activision. "Mình đâu có hack server của nhà phát triển hay ăn cắp thông tin của ai đâu".
Cuộc đời không ai học được chữ ngờ.
Dylan Wheeler, một cậu hacker tại Úc với mật danh SuperDaE, đủ khôn ngoan để nhận ra một món hời. Wheeler được một cậu bạn bên Mỹ, hoạt động trên mạng với tên gọi Gamerfreak, gửi cho danh sách mật khẩu của mọi tài khoản trên một forum do Epic Games điều hành.
Năm 2010, khi lướt tìm các tài khoản forum để xem đâu là nhân viên của Epic Games, Dylan Wheeler vớ bở: nhờ danh sách anh bạn người Mỹ gửi cho, cậu tìm ra được địa chỉ email và mật khẩu của một nhân viên thuộc bộ phận IT. Lục email cá nhân của thanh niên đen đủi kia, Wheeler tìm thấy tài khoản nội bộ trên EpicGames.com.
Khi đã len lỏi được vào bên trong, Wheeler muốn có ai đó đủ giỏi giang để đưa mình vào sâu hơn. "Ai đủ nổi để hứng thú với dự án này nhỉ", Wheeler tự hỏi và cũng tự tìm cho mình đáp án, đó chính là Xenomega, biệt danh của David Pokora, người mà Wheeler ngưỡng mộ từ lâu.
Nhắn tin chào mời Pokora, Wheeler kể về cửa hậu giúp họ thâm nhập được vào Epic Games nhưng bỏ qua chi tiết mình mới chỉ là cậu nhóc 14 tuổi, Wheeler sợ Pokora sẽ từ chối vì tuổi mình vẫn hôi mùi sữa.
Pokora chưa từng phạm pháp ở mức độ đáng lo ngại đó. Cho tới thời điểm này, cậu chỉ đơn thuần là một hacker đam mê game và phần cứng Xbox, muốn kiếm chút lợi nhuận, chưa từng nghĩ tới việc vượt qua nhiều lớp bảo mật của một công ty tỷ đô để lấy thông tin nhạy cảm.
Nhưng óc tò mò đã dẫn lối Pokora vào một mê cung ít lối quay đầu: cậu muốn biết Epic Games sở hữu những thứ phần mềm gì ngoài công cụ Unreal Engine đình đám, những tựa game bom tấn như Gears of War được xây dựng ra sao, liệu sắp tới có dự án gì mới.
Hai hacker trẻ người non dạ đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản Wheeler cung cấp. Để trích xuất được dữ liệu của Epic Games, Wheeler bắt liên lạc với Sanadodeh "Sonic" Nesheiwat, một game thủ tới từ New Jersey, sở hữu một bộ modem cáp đã được chỉnh sửa, giấu được vị trí của người truy cập.
Tháng Sáu năm 2011, Nesheiwat tải được về game Gears of War 3 cùng hàng trăm gigabyte dữ liệu của Epic Games. Cậu chuyển mã nguồn lấy được sang một đĩa Blu-ray, gửi cho Pokora trong một kiện hàng có tựa đề "video đám cưới".
Pokora chia sẻ game với một số người bạn nữa, gồm cả cậu bạn Justin May; vài ngày sau, game xuất hiện trên những trang torrent hàng đầu thế giới.
Vụ rò rỉ Gears of War 3 đã khiến các nhà điều tra liên bang vào cuộc, Epic Games làm việc với FBI để tìm ra lỗ hổng bảo mật. Pokora và Wheeler, vẫn có giữ quyền truy cập vào email nội bộ của Epic Games, chột dạ khi thấy FBI đã vào cuộc. "Tớ cần giúp đỡ, sắp bị bắt mất rồi", trong sợ hãi, Pokora gửi tin nhắn cho May vào tháng Bảy năm đó. "Tớ cần mã hóa một số ổ cứng".
Con thuyền phạm tội qua được cơn sóng pháp luật dữ dằn đầu tiên, tất cả thuyền viên hồ hởi thở phào, cậu bé Wheeler 14 tuổi cảm thấy như mình là bá chủ thế giới. Cậu tiếp tục đào sâu vào những vùng tin nhạy cảm của Epic Games, thậm chí không thèm che giấu địa chỉ IP của mình khi hack webcam, theo dõi những buổi họp quan trọng.
"Cậu ta liên tục ra vào server của Epic mặc dù biết là giới điều tra liên bang vẫn còn đó", Nesheiwat nói với Pokora về cậu trẻ người Úc họ chưa biết mặt. "Nhân sự của Epic gửi mail cho cả FBI mà cậu ta vẫn chẳng hề lo sợ".
Tiếp tục tìm kiếm thông tin hữu ích cho mình, Pokora và Wheeler tìm ra cách đăng nhập vào Scaleform, công ty làm engine game đứng sau Unreal Engine của Epic Games và một loạt các sản phẩm khác. Thông qua cánh cổng Scaleform, hai hacker trẻ lần ra được đường vào những công ty khổng lồ của Thung lũng Silicon, những cái tên nổi tiếng ngành giải trí Hollywood.
Đáng chú ý trong số đó là Zombie Studios, có liên kết với cả lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, bởi lẽ Zombie Studios đảm nhận trách nhiệm làm cả game huấn luyện lính cho lực lượng, bên cạnh các game chủ đề quân sự bán cho người chơi.
Quy mô của "tổ chức hack" ngày càng lớn, họ càng ngay ngáy lo sợ tiếng gõ cửa của FBI. Nhưng tuổi trẻ mạnh mẽ biến sợ hãi thành hành động đáng lên án: vẫn còn giữ nguyên cảm giác toàn năng khi hack tới được mạng lưới quân sự Hoa Kỳ, Pokora đề ra kế hoạch rò rỉ toàn bộ dữ liệu các cậu lấy được từ Epic Games, như một cách trả đũa những người chưa mảy may làm hại các cậu.
"Nếu như chúng ta biến mất, thì các cậu hãy cứ đăng toàn bộ dữ liệu lên Internet và tát thẳng vào mặt Epic nhé".
Sự vô tư của tuổi trẻ còn kéo dài thêm vài câu đùa nữa: các cậu quyết định gọi "băng nhóm" của mình trong thời gian ngồi tù là Xbox Underground, tự tin sẽ khiến những người tù khác phải nể phục.
Pokora ngày càng mê đắm lối sống của một hacker, sáng đi học đi chơi, tối về bơi trong mạng nội bộ của những tập đoàn hàng đầu thế giới. Nhưng chỉ những người biết chuyện, nhìn từ góc độ của khác mới thấy Pokora đã lún sâu: các chiến hữu Xbox xưa kia đang lo sợ cho tương lai của David Pokora.
Kevin Skitzo, một thành viên của Team Avalaunch, chân thành khuyên Pokora hãy lội ra khỏi bể chàm khi chưa quá muộn. "Dừng lại đi bạn ơi", Skitzo khẩn thiết khuyên ngăn. "Tập trung vào học hành đi bạn, đừng sống vì mớ bòng bong này. Tớ hiểu là cậu mê đắm cơn phê của việc hack thành công, nhưng khi công nghệ phát triển, các cơ quan hành pháp lại càng biết rõ đường đi lối lại, cậu chẳng thể tránh né được lâu nữa đâu".
Pokora bỏ ngoài tai những lời lẽ chân thành, đôi mắt cận của cậu đã mờ đi trước những thứ phần mềm ăn cắp, những triệu USD "nẫng" được về, cậu đã không còn thấy chân lý.
Ngạo mạn trước những gì cậu đã làm được, Pokora còn tự hào vì mình không quan tâm tới tiền. Sau khi ăn cắp được số dữ liệu tài khoản PayPal khổng lồ, cậu tự vỗ vai khen mình đã không bị lòng tham che mờ mắt, đã không bán số dữ liệu ăn cắp được để kiếm lời.
Nghĩ bụng nếu bán số dữ liệu trên để nhận về Bitcoin, sẽ chẳng ai dò ra được mình cả, cậu Pokora thích thú với danh nghĩa tự phong: hacker không quan tâm tới tiền bạc.
Thời gian thắm thoắt trôi, Pokora dần trở thành một tay lính đánh thuê số. Tháng Mười một năm 2011, cậu nhờ anh bạn May của mình chốt giao kèo với một game thủ có tên Xboxdevguy, muốn mua game chưa ra mắt. Pokora sẵn sàng bán những tựa game chưa có trên thị trường, bất kỳ thứ gì Xboxdevguy muốn, với giá vài trăm USD mỗi game.
Mối quan hệ khăng khít giữa Pokora và May khiến các anh em hacker không thoải mái. Họ đều biết đã có lần May bị bắt tại hội chợ game diễn ra tại Boston hồi năm 2010, khi đang cố ăn cắp mã nguồn của game Breach đang được trưng bày tại đó.
Trong một bài phỏng vấn với báo giới, phát ngôn viên đại diện cho hãng game phát hành Breach kể lại họ đã bắt được May chỉ sau vài bước chạy.
Mùa Xuân năm 2012, khi Pokora và Wheeler cùng nhau tìm kiếm thông tin trên server của Zombie Studios, họ đã có thêm hai hacker dưới trướng mình: Austin "AAmonkey" Alcala và Nathan "animefre4k" Leroux, đều vẫn còn đang đi học.
Leroux tài năng xuất chúng: cậu đã đồng tác giả phần mềm có thể đánh lừa game FIFA 2012 của EA cho không mình loại tiền sử dụng trong game, thứ tiền có thể được dùng để mua bất kỳ vật phẩm nào bên trong trò chơi.
Khi lục lọi các đường dẫn trong server của Zombie Studios, nhóm hacker trẻ phát hiện ra đường tunnel dẫn tới server của Quân đội Hoa Kỳ; trong đó có game giả lập trực thăng chiến đấu AH-64D Apache, một dự án Zombie Studios làm dưới sự chỉ đạo của Lầu Năm Góc. Wheeler, vẫn là cậu bé liều lĩnh năm nào, đã tải game đó về và bàn với cả nhóm về việc "bán dự án này cho các nước Trung Đông".
Trong thời gian đó, các cậu vẫn lẩn khuất trong server của Microsoft để tìm kiếm tài liệu. Họ vớ bở: tất cả những gì về dự án Durango – mật danh Microsoft gọi cỗ máy Xbox One của mình – đều nằm hớ hênh ở đó.
Nhưng thay vì tìm cách bán lại bí mật kinh doanh cho đối thủ của Microsoft, các cậu có một nước đi táo bạo hơn: họ sẽ làm giả "Durango" bằng bất cứ đồ gì có được rồi tự bán. Leroux tình nguyện lắp ráp cỗ máy, nhận lại về tiền công: cậu dang cần tiền để trả học phí lớp khoa học máy tính tại Đại học Maryland.
Quảng cáo hàng dựng trên mạng, họ tìm thấy người mua ở Seychelles, một quốc đảo nằm ngoài biển Đông Phi, sẵn sàng trả 5.000 USD cho cỗ máy giả. Leroux lắp ráp xong cỗ máy, Justin May nhận hàng để chuyển đi đất nước xa xôi.
Wheeler là kẻ bất an nhất trong số các hacker, cậu tự tin cả nhóm sẽ không bao giờ bị tóm sau đợt hợp tác càn quét giữa Epic Games và FBI, nhưng giờ cậu run sợ trước viễn cảnh bị bắt chỉ vì một cái hộp nhựa lắp ráp rời rạc. "Làm sao để thoát đây?", cậu tự hỏi, rồi lại một lần nữa tự tìm ra được câu trả lời: cậu sẽ bị hạ bệ trong vinh quang, cậu muốn tên mình được khắc dấu trong lịch sử phát triển Xbox dưới danh nghĩa một kẻ ngang tàng.
Cậu hacker trẻ mở chiến dịch câu kéo sự chú ý bằng việc đăng bán Durango trên eBay, dùng những hình ảnh được chụp trong quá trình lắp ráp hàng dựng. Món hàng được đấu giá lên tới 20.100 USD trước khi eBay gỡ nó xuống với lý do hàng giả.
Giới truyền thông nhận được tin, khai thác mọi khía cạnh có thể về món hàng giả mà như thật, bị mang ra đấu giá đến mức trên trời. Pokora giận dữ cắt đứt liên lạc với Wheeler.
Vài tuần sau, Laroux biến mất không dấu vết, thiên hạ đồn đại cậu đã bị FBI đột kích. Những người bạn Mỹ xung quanh cậu Pokora bắt đầu kể những câu chuyện quái gở: họ đang bị theo đuôi bởi những chiếc xe đen, chạy lầm lũi với cửa kính mờ, không rõ ai ngồi bên trong. Nhóm hacker quay sang nghi ngờ lẫn nhau, chắc chắn đã có kẻ lẻo mép.
Tình thân giữa David Pokora và Anthony Clark, người bạn thân thiết thuở đầu "vào nghề" rạn nứt. Hai người quyết định chia hai ngả khi cùng làm dự án hack Call of Duty, khi không còn chung tiếng nói trong việc tuyển thêm người mới.
Pokora tập trung vào Horizon – một dịch vụ gian lận trò chơi Xbox mà cậu làm chung với một số người khác; Clark thì hoàn thiện công nghệ đào tiền trong game FIFA mà Leroux để lại, rao bán số tiền ảo hack được trên chợ đen.
Clark có sự trợ giúp của một hacker nữa, Austin Alcala, người đã cùng cả nhóm tấn công Zombies Studios và cả dự án dựng Durango – cỗ máy Xbox One giả.
Pokora, lúc này đã 20 tuổi, cân đối giữa việc vận hành Horizon và việc học. Trong lúc đó, Wheeler tiếp tục hành trình tìm kiếm vinh quang, mong gây dựng được chút tiếng tăm và thu hút được sự chú ý. Ngay sau vụ việc đấu giá Durango giả trên eBay, Microsoft đã cử một thám tử tư, Miles Hawkes, đi điều tra Wheeler. Theo những gì Wheeler khai nhận, Hawkes khẳng định sẽ không có hành vi lên án Wheeler nào cả, bởi Microsoft chỉ muốn bắt kẻ thực sự đứng đằng sau. Microsoft từ chối công nhận lời khai này.
Tháng Mười hai năm 2012, FBI đột kích tư gia của Sanadodeh Nesheiwat. Cậu Nesheiwat đăng lên mạng biên bản khám nhà mà không che đi bất kỳ thông tin cá nhân nào.
Wheeler biết chuyện, đăng thông tin cá nhân của các đặc vụ liên quan lên một forum mở, khuyến khích mọi người quấy rối những cá nhân bị nêu tên; cậu Wheeler còn tuyên bố sẽ thuê sát thủ triệt hạ thẩm phán liên bang đã ký biên bản khám nhà.
Ý đồ bạo lực ngày một leo thang của Wheeler thu hút ánh mắt của các nhà cầm quyền, họ cũng đã bắt đầu xây dựng bản án buộc tội các hacker liên quan tới vụ ăn cắp Gears of War từ hồi 2011 rồi. Edward McAndrew, luật sư chịu trách nhiệm điều tra, gấp rút thực hiện tiến độ thi hành án, khi nhận thấy hành vi ngày một ngông cuồng của Wheeler.
Vài giờ tiếp sau vụ bắt giữ, cảnh sát Úc mang đi số linh kiện máy tính được Wheeler ước tính lên tới 20.000 USD. Wheeler chưa bị bỏ tù ngay, nhưng ổ cứng của cậu chứa những bằng chứng vô giá: Wheeler liên tục chụp lại những đoạn chat có thể buộc tội bất kỳ ai ngồi sau bàn phím.
Tháng Bảy năm đó, Pokora nói với Justin May về dự định tham gia Defcon, một trong những hội chợ lớn được tổ chức hàng năm, thu hút những hacker hàng đầu tới tham dự. Đây sẽ là chuyến đi xuyên từ Canada sang Mỹ đầu tiên của Pokora trong vòng nhiều năm.
Cùng khoảng thời gian Pokora lên kế hoạch, vào ngày 23 tháng Bảy, McAndrew và các cộng sự đưa ra bản cáo trạng gồm 16 tội danh, buộc tội Pokora, Nesheiwat và Leroux đã lừa đảo, ăn cắp danh tính, âm mưu đánh cắp bí mật kinh doanh; Wheeler và Gamerfreak, nguồn cung cấp danh sách mật khẩu của các tài khoản Epic Games, bị gán tội danh tòng phạm. Khoảng 4 tháng sau, Alcala cũng bị đưa vào danh sách bị đơn.
Hồ sơ buộc tội những chàng trai trẻ bao gồm những bằng chứng được cung cấp bởi một người bí ẩn, xưng cái tên Nguyễn Văn A. "Person A" khai báo với danh nghĩa là một người dân Delaware; sau khi nhận được cỗ máy Durango dựng từ Leroux, A đã gửi cho FBI.
Pokora không hề hay biết bản cáo trạng bí mật, nhưng vẫn tạm thời thoát nạn do cậu bận vào phút chót, không thể tham dự Defcon. FBI lo lắng nếu như bắt những đồng phạm người Mỹ của Pokora, cậu sẽ tìm cách trốn chạy, vây nên họ kiên nhẫn chờ đợi ngày Pokora xuống miền Nam để "bắt hết cá trong một rọ".
Hai tháng sau, Pokora tới Nhà hát Toronto để tham dự một buổi liveshow nhạc rock. Giữa những tiếng guitar chói tai và tiếng hò reo inh ỏi, Pokora vẫn nhận thấy mình có cuộc gọi tới: đó là Alcala, hiện đã là học sinh trung học.
Giọng Alcala toát lên vui sướng, khi cậu kể cho Pokora về một anh chàng mới quen, có thể giúp họ lấy được nguyên mẫu Durango – bản thật chứ không phải món hàng dựng các cậu vẫn làm! Cậu thanh niên kia có cách đột nhập vào khu phức hợp Redmond campus - trụ sở chính của Microsoft và đổi lại, cậu muốn tài khoản đăng nhập mạng phát triển game nội bộ của Microsoft cùng với phụ phí vài ngàn USD.
Hóa ra tên trộm đưa ra đề nghị với "băng nhóm Xbox Underground" khét tiếng là một cậu học sinh mới tốt nghiệp cấp ba, tên là Arman, biệt danh ArmanTheCyber.
Mới chỉ một năm trước, anh đã làm được một bản sao thẻ ra vào khu vực Redmond campus (thông qua thẻ lấy từ bạn trai của mẹ). Cậu chàng 18 tuổi vẫn ra vào tòa nhà với tấm thẻ giả mạo, đã ăn cắp được một bộ Durango để chơi nhưng trong lúc tràn trề sinh lực của tuổi mới lớn, Arman muốn đột nhập vào để ăn cắp thêm bộ nữa để kiếm chác thêm.
Không mấy khó khăn, Arman lấy được thêm Durango từ trụ sở của Microsoft. Điều bất ngờ đã xảy ra: một tuần sau khi gửi thiết bị Durango cho Pokora và Alcala, Arman được Microsoft mời về để … kiểm tra chất lượng sản phẩm, sau khi đánh giá cao hồ sơ xin việc của Arman. Cậu làm chưa được tới một tháng thì bí mật hồi tháng Chín lộ tẩy: Microsoft biết cậu chính là kẻ đánh cắp Durango, camera đã ghi lại cảnh Arman rời khu nhà.
Để giảm cáo trạng, Arman cầu xin Pokora và Alcala trả lại bộ Durango, chính cậu cũng trả lại thiết bị mình đang chơi để mong Microsoft tha thứ.
Vụ việc qua đi, Pokora dành cả mùa đông để ngồi hack game Xbox 360 cho Horizon. Đến khoảng tháng Ba năm 2014, khi tuyết tan, Pokora định bụng sẽ bỏ ra mấy ngày cuối tuần để chạy xe xuống Delaware. Cậu vừa đi lấy bộ hãm xung cho con xe Volkswagen, vừa gặp người bạn lâu năm, lại vừa có chút thời gian đi chơi với bố; một công đôi ba việc.
"Bố biết không, cẩn thận đi qua biên giới người ta bắt mất con đấy", cậu bông đùa với bố khi họ chuẩn bị rời nhà. Bố cậu hiển nhiên chẳng hiểu hàm ý sâu xa của cậu con trẻ dại, cười và cho rằng giới trẻ vốn vẫn đùa như thế đó.
Ông đã lầm.
Sau khi xuất hiện trước tòa án liên bang tại Buffalo, ngồi vài ngày sau song sắt của nhà tù hạt, Pokora bị đẩy lên xe với một người tù nữa: phạm nhân dữ dằn với cánh tay lực lưỡng, vạm vỡ tới mức khó nhìn thấy cổ của ông ta.
Ngồi ba tiếng trên xe, đối diện với một kẻ đã ngửi qua mùi máu, Pokora lắng nghe từng lời khuyên bảo để mong mình có thể được giảm án. "Cuộc đời này không dành cho cậu đâu", người tù xăm trổ nói. "Đúng ra mà nói, cuộc đời phạm tội này chẳng dành cho ai cả".
Đầu tháng Tư năm 2014, cậu bị đưa tới Delaware để thụ án. Nhanh chóng chấp nhận lời biện hộ, Pokora còn ra sức giúp đỡ những công ty bị hại tìm ra lỗ hổng – những lối tắt cậu đã lợi dùng để khai thác dữ liệu.
Ngồi trong phòng thẩm vấn, nghe Pokora giải thích cách thức mình thâm nhập mạng lưới an ninh, luật sư chịu trách nhiệm điều tra McAndrew cảm mến cậu hacker trẻ từ cái nhìn đầu tiên.
Trong một ngày hầu tòa khác, khi được đưa đi từ nhà tù, Pokora gặp một khuôn mặt thân thuộc trên xe: một cậu chàng 20 tuổi nhợt nhạt, gầy gò và vết sún trên răng cho thấy dấu hiệu của một kẻ hảo ngọt.
Đó chính là Nathan Leroux, người Pokora chưa từng gặp tận mặt nhưng đã nhìn nhiều lần qua ảnh. Leroux bị bắt giữ hồi 31 tháng Ba, nhưng hiện đang sống khá thoải mái, cậu đang là lập trình viên cho một hãng game có tiếng, Human Head Studios.
Trên đường tới tòa, Pokora truyền đạt lại Leroux những "lời vàng ngọc" cậu học được từ người tù xăm trổ to lớn. "Đây nhé, vụ việc vỡ lở là do DaE hết", Pokora sử dụng DaE để chỉ SuperDaE, biệt danh của Wheeler. "Cậu có thể khai tôi ra hoặc làm gì cũng được, vì cậu không xứng đáng bị xiềng xích như thế này. Cứ làm những gì phải làm, rồi ta sẽ được thả thôi".
Không giống Pokora, Leroux được bảo lãnh, cậu vẫn sống với bố mẹ trong khoảng thời gian phải hầu tòa. Nhưng ngồi rảnh thì dễ sinh nghĩ quẩn, rồi với bản tính rụt rè và thân hình không cao lớn là bao, Leroux bị huyễn hoặc mình sẽ bị hiếp dâm hoặc tệ hơn, bị sát hại trong tù. Khi nỗi sợ hãi đạt tới cùng cực, Leroux cắt bỏ thiết bị theo dõi bó cổ chân và tìm đường tẩu thoát.
Cậu nhờ một người bạn thân tìm xe cho mình trốn sang Canada. Nhưng con đường trốn chạy bị chặn đứng ngay tại biên giới hai nước.
Thay vì chấp nhận sự thật mình đã bị bắt lại, Leroux liều lĩnh rút dao ra rồi chạy một mạch về phía đất nước Phương Bắc. Khi bị vây bắt, cậu túng quẫn, tự đâm mình nhiều phát nhưng may mắn thay, bác sĩ cứu sống được Leroux. Cậu được đưa về nhà, bị tước bỏ quyền được bảo lãnh.
Khi Pokora bị tuyên án, luật sư của cậu xin tòa khoan dung, cho rằng thân chủ của mình đã không nhận ra ranh giới giữa việc vui chơi và tội ác. "David của thế giới thực khác biệt nhiều với David trên mạng", luật sư viết.
"Nhưng vì sống trong thế giới nặc danh, không luật lệ, những buổi nói chuyện không bị kiểm soát nên David vướng vào mê hoặc vào một nền văn hóa khác, nơi ranh giới giữa chơi điện tử và hack máy tính gần như biến mất vào hư không".
Cuộc sống trong tù của Pokora tại Philadelphia dễ dàng hơn chút khi cậu được phép lên mạng bằng phòng máy tính, nơi cậu có thể gửi email và nghe nhạc.
Nhà tù cũng đâu phải nơi dễ thở, đã có lúc cậu bị một tù nhân tâm thần tấn công, cậu đã đứng lên chống trả để những người xung quanh không nghĩ rằng cậu chỉ là một con mọt máy tính, gầy gò yếu ớt; vụ đánh lộn kết thúc khi quản giáo dùng xịt hơi cay tách hai người ra.
Khi mãn hạn, Pokora phải đợi thêm vài tháng tại cơ sở cải tạo người nhập cư ở New Jersey. Cuộc sống ở đây còn bớt nhàm chán hơn: bằng kĩ năng hack máy tính của mình, Pokora đã mò ra một phiên bản Xếp bài – Solitaire trong máy tính thư viện, phiên bản trò chơi vốn bị Microsoft giấu đi.
Khi trở lại quê hương vào tháng Mười năm 2015, Pokora nối liên lạc với Anthony Clark, người cũng đang đối mặt với án tù. Alcala đã khai hết với chính quyền về hoạt động khai thác tiền ảo trong trò FIFA. Mà cục thuế cũng đã để mắt tới Clark một thời gian rồi: một nhân viên của cậu đã rút tới chục ngàn USD trong một ngày, trong nhiều ngày liên tục.
Lời khai của Alcala là cầu nối cho tất cả những bằng chứng phạm pháp cơ quan điều tra thu thập được. Tập đoàn của Clark phải thu được tới 16 triệu USD chỉ bằng việc bán tiền ảo FIFA cho một người mua Trung Quốc, chỉ xưng danh là "Tao".
Ba tòng phạm của Clark đều đã nhận tội, nhưng riêng Clark không thừa nhận việc mình làm là sai. Cậu có lý riêng của mình, khi cho rằng chính điều khoản sử dụng của EA tuyên bố tiền ảo FIFA không có giá trị thực. Hơn nữa, nếu EA thực sự phiền lòng về dự án làm tiền của Clark, tại sao họ không mặt đối mặt với Clark để buộc tội? Cậu cho rằng EA ghen tị vì cậu tìm được cách kiếm ra tiền tấn từ game của họ.
"Phải, tôi đang đứng trước án tù 8+ năm", Clark viết thư gửi Pokora. "Và tôi có thể nhận giảm án xuống còn 3½. *** bọn họ. Họ vẫn đang cố ép tôi nhận giảm án".
"Họ sẽ bỏ tù cậu lâu năm nếu như kháng án bất thành đấy", Pokora cảnh báo. "Tôi chỉ muốn nói với cậu về đời sống tù tội sẽ ra sao thôi. Đó là một trải nghiệm không dễ chịu gì". Clark không lung lay trước những lời chân thành của người bạn từng trải, cậu kiên định với những gì mình tin tưởng.
Buổi xét xử Clark tại tòa án liên bang đặt tại Fort Worth không như dự kiến: cậu bị buộc tội âm mưu lừa đảo. Luật sư của cậu đã nghĩ rằng Clark có một nền tảng lý luận vững chắc, rằng bên khởi tố không thể minh chứng hoạt động hack tiền ảo của Clark ảnh hưởng trực tiếp tới EA.
Đáng buồn, đội ngũ luật sư của Clark đã không thể vận dụng tối đa luận cứ đó. Ngày 26 tháng Hai năm 2017, khoảng 1 tháng trước khi Clark tiếp tục phải hầu tòa, Clark qua đời. Người nhà cậu khẳng định cái chế của cậu hoàn toàn là tai nạn: rượu và những thứ thuốc an thần Clark hay uống đã nảy sinh tác dụng phụ.
Clark mất không lâu sau khi cậu tổ chức sinh nhật lần thứ 27, bỏ lại đằng sau số bất động sản trị giá hơn 4 triệu USD.
Những thành viên của Xbox Underground an yên với cuộc sống bình thường ở các mức độ khác nhau.
Alcala, vì đã hợp tác với chính quyền trong quãng thời gian điều tra, không phải ngồi tù. Anh trúng tuyển Đại học Ball State và sớm lọt top những sinh viên sáng giá của trường.
Cậu trẻ 20 tuổi đưa "người bạn gái thực sự đầu tiên" tới buổi tuyên án của mình hồi tháng Tư năm 2016. Thẩm phán trực tiếp nói với cậu: "The world is your oyster", tạm dịch là "cả thế giới là lớp vỏ sò bọc lấy em", ý chỉ Alcala là viên ngọc tiềm ẩn, hãy cố nhận lấy mọi cơ hội để vươn lên thành viên ngọc sáng giá.
Đồng nghiệp của Leroux tại Human Head Studios đã thay mặt cậu hacker trẻ, gửi thư tới tòa mô tả về một người bạn thông minh và tốt bụng. "Tương lai phát triển game của cậu ấy đầy hứa hẹn, và chúng tôi không nghĩ cậu sẽ đành lòng vứt bỏ con đường xán lạn đó đâu". Ngay khi Leroux mãn hạn tù, cậu quay trở về vòng tay của đồng nghiệp tại studio phát triển game.
Nesheiwat đã ở tuổi 28 tại thời điểm bị bắt, không được may mắn như những người bạn khác. Cậu vật lộn với cuộc sống nghiện ngập, để rồi bị bắt vào tháng Mười hai năm ngoái vì sử dụng ma túy khi vẫn còn trong thời gian quản chế. Theo lời những người cai quản cậu, Nesheiwat thừa nhận "sử dụng tới 50 túi heroin mỗi ngày".
Wheeler vẫn chưa tới tuổi vị thành niên suốt khoảng thời gian vi phạm pháp luật, nên phía Hoa Kỳ quyết định để chính quyền Úc xử lý. Cậu hacker nhận được thời hạn 48 giờ để nộp hộ chiếu. Tận dụng mọi giây phút tự do cuối cùng, Wheeler đi thẳng tới sân bay và tìm bến đỗ tại Cộng hòa Séc, quê ngoại của mình. Chính quyền Úc bắt giam mẹ của Wheeler trong 2 năm vì tội danh giúp đỡ người bị truy nã, vừa cố gắng gây áp lực ép Wheeler phải trở về.
Nhưng Wheeler vẫn không chịu đầu thú, cậu đi khắp các nước Châu Âu để tìm nơi trú ẩn, rồi định cư tại Vương quốc Anh. Cậu còn ngạo mạn mở một chiến dịch gây quỹ, xin 500.000 USD để mua một chiếu Ferrari. Wheeler lấy lý do mua xe để làm dịu đi những gánh nặng luật pháp đang đè nặng lên tinh thần cậu. Hiển nhiên, chiến dịch gây quỹ của Wheeler bất thành.
Pokora giờ đã 26 tuổi, đã có cuộc sống không mấy dễ chịu trong những tháng đầu tiên trở lại Canada. Cậu sợ rằng bộ não – tài sản quý nhất của mình – đã mục rữa trong không khí chật chội của bốn bức tường phòng giam.
Nhưng rồi Pokora nối được lại tình xưa với bạn gái, người mà cậu khăng khẳng muốn bỏ khi phải ngồi sau song sắt nhà giam. Pokora tìm lại cảm hứng làm việc, kiếm những dự án lập trình nhỏ để gây dựng lại từ đầu; những khoảng thời gian thiếu thốn tiền bạc này không khỏi khiến Pokora nhớ tới thời kỳ dư dả của xưa kia.
Khi biết tới cái chết của Clark, Pokora đã giận dữ trước hành động chỉ điểm của Alcala nhưng rồi cơn thịnh nộ cũng qua đi. Cậu chẳng nhận thêm được gì khi cứ khư khư ôm lấy mối hận người bạn đã từng kề vai sát cánh. Pokora cũng chẳng thể thù oán Justin May, người nhiều khả năng chính là Nguyễn Văn A trong bản cáo trạng buộc tội Xbox Underground.
"Tôi không có gì để nói cả, các anh thông cảm" là những gì cậu May trả lời khi được hỏi về vấn đề liên quan. Hiện tại, Justin May đang bị xét xử tại tòa án liên bang về tội đánh cắp số phần cứng đáng giá cả triệu USD từ Cisco và Microsoft.
"Tôi chỉ muốn thâm nhập vào công ty lớn để xem mã nguồn của họ ra sao, muốn học hỏi thêm, tôi chỉ muốn biết mình có thể tiến bao xa – vậy thôi. Thực tế mà nói, đó chỉ là sự tò mò của một đầu óc ham mê kiến thức. Tôi không muốn kiếm tiền – nếu muốn, tôi đã có thể lấy toàn bộ số tiền tìm được trong mỗi lần thâm nhập các công ty rồi. Nhưng rồi tôi cũng hiểu hành động của mình cho ra kết quả gì, thật đáng tiếc", Pokora thổ lộ.
Pokora biết rõ mình sẽ luôn là con ngựa ô của toàn ngành game, nên khi nhận được tấm bằng khoa học máy tính hồi tháng Sáu, cậu tìm tới những ngành khác. Quá trình tìm việc cũng rất khó khăn, cậu không thể đưa ra bằng chứng về những dự án sáng giá của quá khứ: chính quyền Canada đã tịch thu tất cả máy tính của Pokora, cùng với những phần mềm đỉnh cao cậu tạo ra ở "thời hoàng kim".
Họ vẫn cho Pokora giữ lại chiếc Volkswagen Golf đời 2013, chiếc xe cậu yêu quý đến mức "liều mạng" đi xuống nước Mỹ chỉ để lấy bộ hãm xung. Cậu vẫn đặt con chiến mã trong gara nhà bố mẹ, nơi cậu đã mê đắm trò chơi điện tử đầu tiên, địa điểm cậu đã cùng các chiến hữu mưu đồ kế hoạch tấn công những gã khổng lồ trong làng công nghệ, và cũng là nơi cậu đang sống ở thời điểm hiện tại.
Dựa theo bài viết Tuổi trẻ Bồng bột được đăng tải trên Wired của Brendan Koerner, một trong "Mười Cây bút Trẻ Triển vọng" do Columbia Jornalism Review bình chọn, đã đóng góp vô số bài viết cho những đầu báo hàng đầu nước Mỹ.