Được biết đến là một trong những doanh nhân giàu bậc nhất nước Anh, tỷ phú Richard Branson có tài sản lên đến hơn 5 tỷ USD. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, tuổi thơ của vị doanh nhân này không hề bình lặng. Có những thời gian, người đàn ông nổi tiếng đó phải sống trong sự tủi hổ, nhận những trận mưa roi vọt.
Nội dung bài viết dưới đây được chúng tôi trích từ cuốn tự truyện của tỷ phú Richard Branson, mời quý độc giá đón đọc:
"Tôi lên 8, được gửi đến trường nội trú Scaitcliffe ở Công viên lớn Windsor.
Đêm đầu tiên tại Scaitcliffe, tôi nằm trên giường không ngủ được, nghe tiếng ngáy và tiếng thở phì phò của các cậu bé khác cùng phòng, mà thấm thía cảm giác cô đơn, bất hạnh và sợ hãi.
Khoảng vào nửa đêm hôm đó, tôi đã biết mình sẽ bị ốm. Cảm giác ấy đến nhanh đến nỗi tôi không đủ thời gian chạy ra khỏi giường và vào nhà vệ sinh, thay vào đó, tôi đã nôn ngay ra ga trải giường.
Người ta gọi người dọn dẹp đến. Nhưng không những không tỏ ra thông cảm giống mẹ tôi, bà ta la mắng và b ắt tôi tự mình dọn dẹp giường. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác tủi hổ lúc đó.
Có thể bố mẹ nghĩ rằng họ đã hành động đúng khi gửi tôi tới đây, nhưng vào thời điểm đó, tôi chỉ cảm thấy bấn loạn và oán giận bố mẹ, cũng như mỗi sợ hãi về những gì tiếp theo sẽ đến với tôi.
Vài ngày sau, một người bạn cùng phòng, lớn tuổi hơn tôi, tỏ ra quý mến và bắt tôi lên giường cậu ấy để chơi trò "âu yếm". Và trong kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên được về nhà, tôi đã kể lại một cách chân thực nhất cho bố mẹ tôi mọi chuyện.
Nhưng bố tôi chỉ bình thản nói: "Tốt nhất là không làm những trò vớ vẩn đó" và rằng đó là tai nạn đầu tiên và cũng là cuối cùng xảy ra với tôi.
Bố tôi cũng được gửi đến trường nội trú khi bằng tuổi tôi lúc bấy giờ, còn ông nội tôi thì sớm hơn. Dòng họ tôi có truyền thống con trai phải được giáo dục tính độc lập, tự lực - đó là cách dạy cho một người đứng bằng đôi chân của chính mình.
Còn tôi lại thấy miễn cưỡng vì được gửi đi học xa nhà khi tuổi còn nhỏ như vậy và luôn hứa với chính mình rằng sẽ không bao giờ gửi con mình tới trường nội trú chừng nào chúng chưa đủ tuổi để tự quyết định về việc đó.
Vào tuần thứ 3 của tôi tại Scaitcliffe, tôi bị gọi lên phòng hiệu trưởng và được thông báo rằng đã vi phạm một số nội quy của trường, có thể là do tôi đã đi vào khu vườn cỏ cấm để nhặt bóng đá. Tôi buộc phải cúi xuống và bị vụt vào mông 6 cái.
- "Branson" - thầy hiệu trưởng cất giọng. "Hãy nói cảm ơn thầy đi".
Tôi không tin vào tai mình. Cảm ơn ông ta vì cái quái gì?
- "Branson" - thầy hiệu trưởng nhấc roi lên. "Tôi cảnh báo trò".
- "Cảm ơn thầy".
- "Trò sẽ tiếp tục gây rắc rối chứ, Branson?"
- "Vâng, thưa thầy. À không, em định nói là... không, thưa thầy".
Tôi đã gây rắc rối - và luôn gây rắc rối. Đã 8 tuổi mà tôi vẫn chưa biết đọc. Thực tế, tôi mắc chững khó đọc và cận thị. Mặc dù ngồi ở hàng bàn đầu ngay trong lớp nhưng tôi không thể đọc được chữ trên bảng.
Chỉ sau vài kỳ học, mới có người nghĩ rằng cần phải đưa tôi đi kiểm tra mắt. Nhưng thậm chí khi đã có thể nhìn tõ, thì những chữ cái và các con số cũng chẳng có ý nghĩa gì với tôi.
Chứng khó đọc không phải là vấn đề nghiêm trọng thời đó. Cũng vì không ai từng nghe tới bệnh đọc khó này, nên đối với tất cả giáo viên và học sinh trong lớp, việc không thể đọc, viết và phát âm chỉ có nghĩa rằng hoặc là bạn ngu ngốc, hoặc là bạn lười biếng. Mà ở các trường nội trú kiểu này, thì bạn sẽ bị đánh đòn vì cả 2 lý do trên.
Tôi thường bị đánh một hoặc hai lần mỗi tuần vì không hoàn thành bài tập trên lớp, hay do nhầm lẫn ngày tháng của Trận Hastings...
Tôi là một kẻ kém cỏi trong lớp. Tôi đội sổ trong các môn học và chắc chắn không thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh trung học (Kỳ thi dành cho thì sinh từ 13 tuổi).
Tôi được gửi đi học ở trường khác, một trường chuyên luyện thi, nằm gần bờ biển Sussex, có tên là Cliff View House... Ở đó, nếu bạn không biết đọc, nếu bạn không biết làm phép cộng hoặc không thể nhớ nổi công thức tính diện tích hình tròn thì hậy quả rất đơn giản: Bạn sẽ bị ăn roi cho đến khi nào biết và nhớ được.
Tôi đã học như thế, cùng với những nguyên tắc bất di bất dịch, những vết lằn ngang dọc trên mông. Tôi có thể mắc chứng khó đọc nhưng không được hưởng ngoại lệ. Khi tôi có câu trả lời biết chắc là sai thì tất nhiên là nhận thêm những vết lằn, thêm vài roi.
Tôi gần như đã trở nên chai lì với những trận đòn roi, có lẽ vì ít nhất thì chứng cũng qua nhanh".
Nội dung trích từ cuốn tự truyện Richard branson - Đường ra biển lớn do Nhà xuất bản Thế giới cùng Alphabooks phát hành.
Ngay từ những ngày đầu mới chập chững bước đi trên con đường kinh doanh đầy chông gai, Richard Branson đã tự viết nên những quy tắc của riêng mình để xây dựng một hệ thống các công ty mang thương hiệu Virgin với mật độ hiện diện rộng khắp toàn cầu, nhưng lại không hề có trụ sở chính, không hề có hệ thống phân cấp quản lý và quan liêu.
Richard Branson đã đem đến cho nhân loại hình mẫu mới về một doanh nhân năng động, chăm chỉ và thành công cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống hàng ngày. Đối với ông, gia đình, bạn bè, hạnh phúc cùng những chuyến phiêu lưu mạo hiểm luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời.
Đường ra biển lớn không đơn giản chỉ là một cuốn tự truyện, cuốn sách còn là kho tàng ẩn chứa những triết lý về cuộc sống, kinh doanh cũng như tình yêu, thứ đã đồng hành và giúp Richard Branson làm nên những kỳ tích phi thường suốt hơn 25 năm qua.