Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng mong con cái trưởng thành hạnh phúc, có sự nghiệp thành công; không cần quá giàu có nhưng cũng phải tự lo được cho bản thân. Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào khi trưởng thành cũng được như vậy. Có những người đã 30, 40 tuổi nhưng vẫn cứ như một "đứa trẻ to xác", sống ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ.
Vậy tại sao lại có tình trạng như vậy? Thực chất, tương lai của một đứa trẻ ra sao phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục của gia đình. Một nền giáo dục gia đình tốt sẽ chắp cánh cho trẻ bay cao, bay xa; ngược lại sẽ "dìm" trẻ xuống. Đây cũng là điều mà một bà mẹ họ Trương ở Trung Quốc, hiện đang trong độ tuổi 50 đã ngộ ra khi chứng kiến cậu con trai đã gần 30 tuổi vẫn lông bông, không có công việc ổn định, chỉ thích sống bám cha mẹ.
Bà mẹ này nhận ra rằng, nếu khi con còn nhỏ chịu chú trọng dạy con 3 điều này thì có lẽ cuộc sống khi về già sẽ được an nhàn hơn, không phải lo nghĩ quá nhiều như hiện tại.
1. Độc lập
Con cái không thể sống với cha mẹ cả đời. Cha mẹ có thể chăm chút, lo cho con miếng ăn, giấc ngủ khi còn nhỏ, nhưng khi con đã trưởng thành thì không thể. Người duy nhất có thể đồng hành với con bạn trong suốt cuộc đời, không phải cha mẹ, hay vợ chồng, con cái mà là chính bản thân đứa trẻ. Những giá trị mà cha mẹ dạy cho con cũng là điều đồng hành cùng con.
Một nhà giáo dục nổi tiếng từng nói: "Việc gì trẻ có thể tự làm thì để cho chúng làm. Việc gì trẻ có thể tự nghĩ thì để cho chúng nghĩ".
Ngày nay, khuyết điểm lớn nhất của nhiều cha mẹ là chăm sóc, chiều chuộng con quá mức mà không nghĩ rằng mình đang tước đi khả năng học tập, sinh hoạt, sống tự lập của con. Về lâu dài, con sẽ trở nên thụ động, hoàn toàn dựa dẫm, ỷ lại và cha mẹ. Chính vì vậy, cha mẹ khôn ngoan, không vơ việc vào người mà trao cho con quyền độc lập, chủ động.
2. Quy tắc
Các quy tắc phải được tuân thủ mọi lúc, mọi nơi, là điều kiện cơ bản nhất để duy trì xã hội này. Từng có nhiều clip, trẻ nhỏ hò hét, chiếm dụng chỗ ngồi trên các phương tiện công cộng, người xung quanh nhắc nhở nhưng vẫn ngang ngược. Tại sao lại xảy ra tình trạng này? Có thể nói rằng, nguồn cơn là do sự giáo dục thừa hưởng từ nhỏ ở gia đình.
Nếu cha mẹ rèn cho con ý thức về các quy tắc ngay từ khi còn nhỏ và tự bản thân thực hiện tốt chúng thì con sẽ tự giác học hỏi, noi gương theo. Khi khoảng 2 tuổi, trẻ sẽ rất tò mò về thế giới có khả năng bắt chước mạnh mẽ. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý kỹ các hành động hàng ngày của mình, đừng tạo gương xấu cho con.
3. Trách nhiệm
Trách nhiệm là yếu tố không thể thiếu trong xã hội này và là nền tảng để trẻ em trưởng thành. Nếu một người không có tinh thần trách nhiệm thì sẽ không thể hoàn thành tốt công việc. Khi gặp vấn đề, họ sẽ nghĩ đến chuyện rút lui, bỏ cuộc, luôn trốn tránh, sợ phải đối mặt, gánh vác khó khăn.
Cha mẹ nên rèn cho con tinh thần trách nhiệm từ nhỏ, bắt đầu bằng những việc như hỏi con một số ý kiến về các công việc trong gia đình; lắng nghe suy nghĩ của con và cùng lập kế hoạch;... Nếu trẻ làm tốt, cha mẹ có thể khen ngợi, khuyến khích trẻ một cách phù hợp. Khi trẻ làm sai gì đó, đừng cho rằng "trẻ con thì biết gì" mà hãy giúp trẻ nhìn nhận lỗi sai và học cách chịu trách nhiệm.