Các kế hoạch của Trung Quốc ở Greater Pacific đang bị cản trở bởi những đối thủ "không đội trời chung", gồm Mỹ và các đồng minh của Washington như Đài Loan, Australia.
Kế hoạch mới nhất của Bắc Kinh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng tại Greater Pacific bằng cách thiết lập mối quan hệ với đảo quốc Solomon đang gặp khó khăn, khi Malaita – tỉnh đông dân nhất ở đây – đang tìm cách tách ra khỏi Solomon.
Greater Pacific là một khu vực địa lý bao gồm 3 vùng văn hóa Melanesia, Micronesia, và Polynesia. Melanesia, nằm ở tây nam Thái Bình Dương, gồm các đảo lớn New Guinea, Solomon, Vanuatu, và New Caledonia. Micronesia, nằm ở phía bắc Melanesia, chủ yếu gồm các đảo nhỏ nằm rải rác. Polynesia là vùng trung tâm Thái Bình Dương nằm trong một tam giác lớn được tạo thành bởi đảo Hawaii, đảo Easter và New Zealand.
- Trung tâm tư vấn giáo dục Kabul -
Solomon trước đây được biết tới là đồng minh của Đài Loan khi công nhận hòn đảo này là một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi vào năm ngoái khi Solomon quyết định chuyển sang thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Gần đây, Trung Quốc đã thiết lập một đại sứ quán tại Solomon, cho thấy "con Rồng châu Á" đang nhắm tới đảo quốc giữ vị trí chiến lược ở Greater Pacific để xây dựng sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Song, Bắc Kinh giờ đây đang phải đối diện với cú sốc lớn từ Malaita, tỉnh này đang bàn thảo các kế hoạch với Washington và đồng minh nhằm phát triển một cảng nước sâu.
Theo trang tin TFI Post, nếu Malaita quyết định tách khỏi Solomon thì kế hoạch của Trung Quốc nhằm xây dựng sự hiện diện quân sự tại quốc đảo này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Cuộc trưng cầu dân ý của Malaita về việc tách khỏi Solomon đã có được sự ủng hộ rõ rệt từ phía Mỹ, Đài Loan và Australia.
Bất cứ căn cứ quân sự tương lai nào của Trung Quốc ở Solomon đều sẽ không có giá trị sử dụng thực tế, nếu Mỹ và đồng minh của Washington cũng có thể tìm kiếm sự hiện diện tại Malaita. Trong trường hợp đó, sự hiện diện của Trung Quốc ở Solomon sẽ bị vô hiệu hóa.
Trung Quốc chính thức mở đại sứ quán ở Solomon hôm 21.9 (ảnh: SCMP)
Quần đảo Solomon nắm giữ vị trí chiến lược lớn, nhất là trong bối cảnh Trung-Mỹ tiếp tục đối đầu. Nó nằm cách Đông Papua New Guinea 1.800km, căn cứ của Trung Quốc đặt tại đây sẽ tạo ra mối đe dọa tiềm năng đối với các vùng lợi ích của Mỹ trong khu vực, như Guam, hoặc căn cứ hải quân Lombrum sắp tới ở Papua New Guinea.
Trung Quốc đang rất vội vã. Năm ngoái, Solomon thậm chí đã hoàn tất thỏa thuận với một công ty Trung Quốc về việc phát triển đảo Tulgai.
Ấn phẩm Australia Financial Review cho biết, công ty Trung Quốc trong thỏa thuận trên – Tập đoàn Sam Enterprise, đang tìm cách thuê đảo này và các vùng lân cận trong vòng 75 năm. Đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang tìm kiếm một căn cứ dành cho mình ở giữa các tuyến đường biển chiến lược.
Trung Quốc đang hoan hỉ khi đã khiến Solomon "quay lưng" với Đài Loan, nhưng Malaita lại bất ngờ "phá bĩnh" giấc mơ của Bắc Kinh. Trên thực tế, theo TFI, lý do thúc đẩy Malaita tách khỏi Solomon là do không đồng tình với quan điểm của đảo quốc này khi chuyển quan hệ chính thức từ Đài Loan sang Bắc Kinh.
Ông Daniel Suidani, Tỉnh trưởng tỉnh Malaita cáo buộc chính phủ Solomon đang tạo áp lực để buộc tỉnh này chấp nhận Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa tìm ra giải pháp nào cho vấn đề Malaita. Ngay cả khi Trung Quốc đã chính thức mở cửa Đại sứ quán tại Solomon thì Malaita vẫn đang chuẩn bị quá trình trưng cầu dân ý. Ông Suidani cho biết cuộc trưng cầu dân ý có thể diễn ra trong vài tuần nữa.
Có thể nói, hiện Bắc Kinh đang chia cắt quần đảo Solomon thành hai phe đối lập: Ủng hộ Trung Quốc và Ủng hộ Mỹ-Đài Loan. Do đó, bất cứ sự bành trướng nào của Trung Quốc trong tương lai cũng có ít nhiều bị ảnh hưởng.
TFI nhận định, trong một số thời điểm, có vẻ Trung Quốc đã thực hiện được một bước xâm nhập lớn vào Solomon, nhưng với những dấu hiệu cho thấy Malaita đang muốn tách khỏi đảo quốc này thì rõ ràng kẻ đắc chí cuối cùng đang là Mỹ, Đài Loan và Australia.