HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa thông qua quyết định chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp/cổ phần tại 2 công ty con là Công ty TNHH Một thành viên Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận (chủ đầu tư của dự án "Cảng biển Tổng hợp Cà Ná") và Công ty TNHH Một thành viên đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận (chủ đầu tư dự án "Đầu tư hạ tầng KCN Cà Ná").
Giá trị chuyển nhượng sẽ không thấp hơn chi phí thực tế mà HSG đã góp vốn vào các dự án tính đến thời điểm thực hiện chuyển nhượng. Đối tác nhận chuyển nhượng sẽ do Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQTtìm kiếm, trước mắt là các đối tác lớn, có năng lực tài chính đang triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Bên cạnh việc thoái vốn tại 2 công ty nói trên, HSG cũng chính thức giải thể 4 công ty con trước đây được thành lập để triển khai dự án, gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư KLH Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Xi măng Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận và Công ty cổ phần Hoa Sen Quy Nhơn.
Như vậy, HSG chính thức rút khỏi dự án Cà Ná sau 4 năm tuyên bố triển khai với tổng vốn lên đến 10 tỷ USD, nguyên nhân do trong bối cảnh hiện nay, sự chuyển biến của tình hình khách quan đã không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi Tập đoàn xúc tiến đầu tư các dự án.
Ngược lại, ở góc độ nội tại, HSG cho biết đã có sự điều chỉnh đối với chiến lược phát triển trung, dài hạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án, theo hướng: Tập trung nguồn lực vào việc củng cố, phát huy hiệu quả mảng sản xuất kinh doanh sở trường (tôn - thép - nhựa); Đảm bảo ghi nhận ổn định doanh thu, lợi nhuận qua các năm; Cải thiện các chỉ số về năng lực tài chính và cân đối tài chính; Kéo giảm dư nợ vay của Tập đoàn về mức 3.000-4.000 tỷ đồng trong vài năm sau; Tập trung củng cố hoàn thiện hệ thống quản trị, hệ thống CNTT và ERP; Khai thác lợi thế cạnh tranh của hệ thống phân phối bán lẻ khắp cả nước theo hướng đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh, nâng tầm chất lượng phục vụ và trải nghiệm của khách hàng.
Điểm lại, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2016, Chủ tịch Lê Phước Vũ nhấn mạnh nếu nhìn thấy Tập đoàn Hòa Phát lãi đến 2.000 tỷ đồng/quý từ thép, thì "ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư". Dự án Cà Ná theo đó được tuyên bố đầu tư với tổng vốn lên đến 10 tỷ USD, mục tiêu sản lượng 16 triệu tấn thép/năm.
Dù gặp nhiều khó khăn, tham vọng Cà Ná vẫn được ông Vũ nhấn mạnh tại các kỳ Đại hội. Trong đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, Chủ tịch tiếp tục tuyên bố với cổ đông: "Khi nào Cà Ná có giấy phép, tôi xuất chiêu cho quý vị coi".
Nhưng, người tính không bằng trời tính, ông Vũ cho biết nếu không làm được dự án Cà Ná, HSG buột phải quay lại ngành tôn. "Quan điểm tôi đưa ra cho HSG, không phong bì, Cà Ná được cấp phép thì làm, không thì thôi. Đó cũng chính là lý do tôi về núi", ông Vũ nói.
Giữa tháng 7, Chủ tịch Vũ đã làm lễ quy y tại chùa Viên Minh sau nhiều năm tìm hiểu về Phật giáo. Theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lễ quy y mới đây của ông Vũ được xem như điểm khởi đầu trong hành trình theo giáo lý đạo Phật của một phật tử. Như vậy, sau nhiều năm nhận mình là phật tử trước cổ đông, nhà đầu tư, đến nay ông Vũ mới chính thức quy y cửa phật.