Sự lo ngại về giá cả hàng hóa thực phẩm trên toàn cầu tăng cao đã được giảm bớt khi thị trường đang chứng kiến giá cả mọi thứ từ dầu ăn đến ngô, lúa mì giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua do nguồn cung ngày càng tăng lên và các nhà đầu tư giảm đặt cược tăng giá trên thị trường kì hạn.
Dầu cọ, nguyên liệu dầu ăn có mức tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới đã giảm đến 45% từ mức đỉnh vào hồi tháng 4 xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm, hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 3.900 ringgit/tấn (tương đương với khoảng 880 USD/tấn).
Diễn biến giá dầu cọ trong vòng 1 năm trở lại đây. Đơn vị: Ringgit/tấn. Nguồn: Tradingeconomics.com
Giá lúa mì cũng giảm 35% so với mức đỉnh vào hồi tháng 3, hiện đang được giao dịch quanh mức 800 USD/bushel.
Diễn biến giá lúa mì trong vòng 1 năm trở lại đây. Đơn vị: Ringgit/tấn. Nguồn: Tradingeconomics.com
Tương tự, giá ngô cũng đã giảm 30% so với mức đỉnh trong năm, giao dịch quanh ngưỡng 744 USD/bushel.
Kể từ cuối tháng 2 khi diễn ra xung đột giữa Nga và Ukraine, nguồn cung ngũ cốc và dầu hướng dương từ Biển Đen đã trở nên khó khăn, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt do thời tiết khắc nghiệt và sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng.
Điều này đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng ở các quốc gia có thu nhập thấp. Hiện tại, giá đã quay trở lại so với mức trước khi xảy ra xung đột.
Các nhà đầu tư đã và đang giảm các vị thế tăng giá ròng trên thị trường Mỹ khi lãi suất tăng và mối đe dọa suy thoái ngày càng lớn. Các khoản đặt cược tăng giá ròng của họ đối với dầu đậu nành đã giảm xuống mức nhỏ nhất trong 23 tháng, tỷ lệ đặt cược vào lúa mì thấp nhất trong bốn tháng và vào ngô là nhỏ nhất trong tám tháng vừa qua.
Vào hồi tháng 4, tình trạng thiếu dầu ăn trong nước cũng như giá cả tăng vọt sau dịch Covid-19 đã đem đến những nguy cơ tiềm ẩn tại thị trường Indonesia.
Người dân một số thành phố đã phải xếp hàng hàng giờ trước các trung tâm phân phối để mua các mặt hàng thiết yếu được nhà nước trợ giá. Do vậy, Tổng thống nước này đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ nhằm đảm bảo cung cấp dầu ăn cho 270 triệu cư dân nước này.
Tuy nhiên sau đó lệnh cấm được nới lỏng, nhà sản xuất hàng đầu Indonesia tăng cường xuất khẩu và tồn kho ở Malaysia tăng mạnh do bước vào mùa thu hoạch, giá mặt hàng này đã bắt đầu giảm. Chi phí nhiên liệu hóa thạch giảm cũng sẽ làm giảm nhu cầu đối với năng lượng từ cây trồng.
Ông Sathia Varqa, chủ sở hữu của Palm Oil Analytics tại Singapore, cho biết: "Các khoản lỗ lớn về dầu thô, sự sụt giảm trong dầu đậu nành cũng như nguồn cung xuất khẩu và sản xuất dầu cọ leo thang đang bị ảnh hưởng nặng nề trên thị trường."
Tuy nhiên, mức sụt giảm trong giá cả có thể thúc đẩy nhu cầu từ các nhà nhập khẩu hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ với việc họ được hỗ trợ với mức thuế suất thấp hơn. Ông Sathia cũng cho biết thêm rằng thông tin tốt là giá dầu cọ thô tham chiếu cho thị trường Indonesia và Maylaysia sẽ thấp hơn đối với những lô hàng kì hạn tháng 8, dẫn đến việc giảm thuế xuất khẩu.
Nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ trong tháng 5/2022 đạt mức cao nhất 7 tháng và tăng 15% vào tháng 4/2022. Theo ước tính trung bình từ 5 đại lý, trong tháng 5/2022, Ấn Độ đã nhập khẩu 660.000 tấn dầu cọ, tăng từ mức 572.508 tấn trong tháng 4/2022; nhập khẩu dầu đậu tương tăng lên mức 352.614 tấn từ 315.853 tấn trong tháng 4/2022.
Những vụ mùa ngô và đậu tương khổng lồ của Mỹ vẫn còn một quãng đường dài phía trước để người trồng có thể cảm thấy yên tâm, và yếu tố thời tiết trong vòng hai tháng tới sẽ rất quan trọng. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy xếp hạng điều kiện đối với ngô và đậu tương đang xấu đi nhiều so với những gì các nhà phân tích mong đợi.
Dự kiến Liên Hợp Quốc sẽ công bố chỉ số mới nhất về chi phí lương thực toàn cầu, dữ liệu có thể sẽ cho thấy những con số giảm tháng thứ ba so với mức kỉ lục được ghi nhận vào tháng ba.