Chủ nhân căn nhà này là bố mẹ của nghệ nhân gốm sứ Vương Lượng Trình (41 tuổi). Bố mẹ anh đang sinh sống tại quê nhà của họ - một ngôi làng xa xôi của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Để báo hiếu bố mẹ, anh Vương Lượng Trình đã tặng họ căn biệt thự để dưỡng già
Căn biệt thự nằm tại vùng nông thôn hẻo lánh của tỉnh Hồ Bắc
Gia đình anh Vương Lượng Trình quây quần trong căn nhà mới
Sau nhiều năm sống xa gia đình, anh đã nuôi dự định xây dựng căn nhà để dưỡng già cho bố mẹ. Ban đầu Vương Lượng Trình tính toán đưa họ đến ở cùng mình tại thị trấn Cảnh Đức Trấn - nơi anh đang sinh sống. "Tuy nhiên, khí hậu vùng đất này quá ẩm ướt, đồ ăn không ngon. Quan trọng nhất là bố mẹ tôi không có người thân quen. Nên họ chỉ muốn sống ở đó nhiều nhất là 1-2 tháng và không thể lâu hơn", anh nói.
Sau đó, Vương Lượng Trình và anh trai mua cho bố mẹ căn nhà ở huyện Thập Yển (tỉnh Hồ Bắc) nằm gần chợ và bệnh viện. "Nhưng sau khi sống ở đó mấy năm, tôi thấy bố mẹ không vui. Họ vẫn thường xuyên về thăm lại quê cũ", Vương Lượng Trình nhớ lại.
Ban đầu, Vương Lượng Trình và anh em trong nhà rất bối rối. Bởi muốn phụ huynh có cuộc sống tốt hơn, các con đã đưa bố mẹ đến các vùng đất hiện đại, nhưng họ dường như chưa bao giờ hài lòng.
"Khi bố mẹ về quê cũ, chúng tôi phải lái xe vất vả để mua nhu yếu phẩm hàng ngày và đưa bác sĩ đến. Tôi nghĩ: 'Bố mẹ vất vả cả đời rồi, tại sao phải sống ở nơi xa xôi như vậy?'. Dần dần chúng tôi hiểu ra và chấp nhận để họ chọn cuộc sống dưỡng già theo cách riêng mình".
Để bố mẹ dưỡng già tại quê hương, một trong những bước đầu tiên Vương Lượng Trình làm là báo hiếu cho họ một căn biệt thự. Do ảnh huởng của dịch bệnh nên phải mất 4 năm, căn nhà mới được hoàn thành. Từ căn nhà gỗ ban đầu, giờ đây bố mẹ của Vương Lượng Trình chuyển sang sống trong căn biệt thự 3 tầng, rộng hơn 450m2.
Về chất liệu xây dựng, đội ngũ KTS gợi ý họ chọn bê tông có bề mặt nhẵn. Ban đầu Vương Lượng Trình có chút e ngại với ý tưởng này, bởi họ cho rằng vật liệu này "đắt và xấu".
"Bê tông bề mặt nhẵn trông có vẻ công nghiệp, nhưng thành phần chính đến từ thiên nhiên. Chúng tôi sẽ không đánh bóng bê tông và giữ lại kết cấu thô ráp, điều này phù hợp với đặc điểm của nhà ở trong vùng núi.
Hơn nữa, khu vực xung quanh nhà có nhiều đá lở và hiện tượng lở đất. Tường làm từ bê tông có tác dụng chống động đất tốt. Sau khi nghe tôi giải thích, họ đã chấp nhận ý tưởng này", KTS cho hay.
Căn nhà chọn bê tông có bề mặt nhẵn làm tường
Do căn biệt thự được xây dựng cho người già nên cấu trúc bên trong không phức tạp.
Tầng 1 chủ yếu là không gian sinh hoạt để bố mẹ anh cùng với những người bạn uống trà, trò chuyện. Ngoài phòng khách và bếp, tầng 1 còn có phòng ngủ bởi bố mẹ Vương Lượng Trình di chuyển không thuận tiện. Mỗi buổi sáng, cha của Vương Lượng Trình đều đi ra sân từ cửa ra vào phụ của phòng ngủ để tập thể dục, trồng rau hoặc chăm sóc cây cối.
Không gian sinh hoạt chung của tầng 1
Bếp
Trền tầng 2 có 5 phòng ngủ lớn, là không gian sinh hoạt riêng của Vương Lượng Trình và các anh em trong nhà. Các phòng ngủ đều được ngăn cách bằng tường cách âm để đảm bảo riêng tư. Xét thấy bố mẹ anh Vương Lượng Trình có nhiều cháu nên KTS đặc biệt thiết kế một căn phòng có giường tầng, có thể chứa tối đa 4 người. Căn phòng này được dùng để những đứa trẻ trong nhà ngủ cùng nhau khi có dịp sum vầy.
Tầng 3 là sân thượng rộng rãi. "Bố mẹ tôi phơi ớt, ngô, củ cải trên đó. Chúng tôi cố tình rải một lớp nhựa đường xuống đất, rồi phủ bê tông lên để chống thấm tốt", Vương Lượng Trình kể.
Lối di chuyển lên tầng 3
Khi giới thiệu về căn nhà, Vương Lượng Trình nói nó gợi lại cho anh nhiều ký ức tuổi thơ. "Tôi ở làng này cho đến khi vào đại học. Khi tôi còn nhỏ, điều kiện gia đình rất khó khăn. Để học lên cấp 2, tôi phải đi bộ 60 dặm đường núi suốt một ngày mới đến trường. Bấy giờ, trẻ em trong thôn tôi muốn học nghệ thuật rất ít, nhưng bố mẹ đã luôn cởi mở và khuyến khích tôi nên rời khỏi quê hương.
Thế giới bên ngoài thật tuyệt. Khi còn trẻ, tôi luôn muốn chạy khỏi vùng nông thôn nơi mình sinh sống. Bây giờ tôi nghĩ ngược lại. Chính điều kiện sống khắc nghiệt đã rèn nên con người tôi. Và tôi đặc biệt biết ơn gia đình mình. Trong tương lai, tôi nghĩ bản thân có thể quay lại quê hương, sống và nghỉ hưu trong căn nhà này", anh bày tỏ.
Được biết, nhà cũ của Vương Lượng Trình từng không thể chứa được 9 thành viên trong nhà. Khi anh em của Vương Lượng Trình trở về nhà, họ thường ăn một bữa cơm rồi rời đi ngay. Nhưng bây giờ trong căn biệt thự lớn và khang trang hơn, họ đã có thể cùng nhau ở lại lâu và báo hiếu bố mẹ theo những cách riêng.
"Bây giờ, cả nhà chúng tôi thường ở đây mấy tháng, uống trà và trò chuyện, mùa thu còn có thể rủ nhau ra sân hái hồng. Anh em tôi đều thích leo núi. Những đứa trẻ đều thích chạy nhảy trên con đường của vùng nông thôn, bắt cua, chơi ở mương cạnh nhà hay học nấu ăn cùng bà nội", Vương Lương Trình kể.
Khi xây căn biệt thự lớn, anh em Vương Lượng Trình đã có thể ở lại với bố mẹ lâu hơn
Để xây dựng căn biệt thự tại một làng quê hẻo lánh không phải chuyện dễ dàng với đội ngũ KTS và gia đình Vương Lượng Trình.
"Ở làng quê này thiếu nhân lực và vật lực, người làm thường phải lái xe hơn một giờ đồng hồ mới đến nơi. Trước đó, do đường núi quá hẹp nên chúng tôi đã phải sửa lại đường, nếu không xe chở vật liệu không thể quay đầu lại được. Trong quá trình xây dựng, bố mẹ tôi đã dựng căn nhà nhỏ tạm bợ gần đó để giám sát thi công".
Hiện bố mẹ anh Vương Lượng Trình đã sống trong căn biệt thự được 2 năm và hoàn toàn yêu thích nơi ở mới.
Đáng nói, căn biệt thự còn tạo hiệu ứng lan truyền. Trước đó, những người trẻ lớn lên trong làng luôn nghĩ đến việc đưa bố mẹ chuyển đến các thành phố lớn. Tuy nhiên, đã có nhiều người thay đổi quan điểm, cho rằng họ sẽ xây cho bố mẹ căn nhà khang trang ở quê - nơi phụ huynh vừa đảm bảo được chất lượng cuộc sống mà không cần rời xa mảnh đất đã gắn bó cả đời người.
"Hàng xóm thường đến nhà tôi chơi từ sáng đến tối. Tôi thấy rất vui vì mỗi khi về nhà, tôi không còn chứng kiến cảnh bố mẹ lủi thủi một mình và cô đơn nữa.
Nhiều người trẻ trong làng nhìn thấy căn nhà, cũng quyết định về sửa nhà cho bố mẹ. Một vài người trẻ khác nói với tôi, họ được truyền cảm hứng làm việc và một ngày nào đó, họ nhất định trở về quê hương để tự tay xây căn nhà hưu trí tương tự cho bố mẹ", Vương Lượng Trình tâm sự.
Bố mẹ Vương Lượng Trình có thể nghỉ hưu thoải mái trong căn nhà mới
Nguồn: Toutiao