Thổ Nhĩ Kỳ "bán" S-400 cho Mỹ?
Tình hình kinh tế khó khăn do đại dịch COVID-19 có thể buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải "bán" hệ thống phòng không S-400 vừa mua từ Nga cho Mỹ. Một số chuyên gia Nga đã đưa ra quan điểm này dựa trên thông điệp từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước, theo Bulgarian Military.
Theo đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự định sẽ từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng không của Nga do áp lực trừng phạt ngày càng lớn đến từ Mỹ, trong khi nền kinh tế nước này đang gặp khủng hoảng do dịch bệnh.
Như một động thái chiều lòng Mỹ cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính để vượt qua khó khăn, S-400 sẽ được Thổ Nhĩ Kỳ ngầm giao lại cho Washington để nghiên cứu.
Trên thực tế, động thái này không phải là thương vụ mua bán theo đúng nghĩa đen. Theo hợp đồng, Thổ Nhĩ Kỳ không thể và không có quyền bán lại các hệ thống này vì Ankara đã cam kết sẽ là quốc gia vận hành cuối cùng.
Nhưng các điều khoản đó không ràng buộc Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đóng băng, triển khai và kích hoạt chiến đấu, hay cho phép các chuyên gia Mỹ tiếp cận để thăm dò, phân tích và đánh giá đầy đủ khả năng kỹ thuật của S-400, cũng như phần quan trọng nhất - các hệ thống radar.
Theo thông tin từ truyền thông Israel cung cấp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự định chấp nhận yêu cầu của Mỹ trong việc ngừng sử dụng hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Nói trong một lá thư gửi Tổng thống Donald Trump gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ hiểu rõ hơn tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ hai nước, vì sự đoàn kết và nguồn hỗ trợ trong đại dịch virus corona.
Quốc hội Mỹ đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ một khi S-400 vận hành, nhưng dịch bệnh đã trì hoãn kế hoạch kích hoạt các hệ thống này khi Ankara phải tập trung nguồn lực ngăn chặn COVID-19 bùng phát.
Các chuyên gia không loại trừ rằng Washington sẽ sẵn sàng trả cho Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 5-8 tỷ USD để có quyền tiếp cận S-400 của Nga nếu như thông tin về việc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng kích hoạt hệ thống phòng không Nga là chính xác, trong khi khả năng cung cấp hệ thống phòng không Patriot của Mỹ cho Ankara cũng sẽ mở lại.
Tiền lệ nguy hiểm
Nền công nghiệp quân sự phương Tây lao đao chỉ bằng hợp đồng S-400.
Sự quan tâm ngày càng lớn của Ankara đối với thiết bị quân sự của Nga giữa lúc quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-NATO căng thẳng đã mở ra cánh cửa mới để Điện Kremlin khai thác lợi ích một cách hiệu quả, cây bút Mark Episkopos viết trên National Interest.
Điện Kremlin và Rosoboronexport – tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga đang tìm cách tận dụng những cơ hội chính trị từ thương vụ S-400 để tiến hành một số hợp đồng cao cấp khác, bao gồm chiến đấu cơ đời mới và hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ tiếp theo.
Khi bộ Quốc phòng Mỹ đình chỉ hợp đồng chuyển giao tiêm kích tàng hình F-35 cho Ankara - trong khi chờ đợi một quyết định dứt khoát của Thổ Nhĩ Kỳ về số phận của S-400 – giới phân tích quân sự phương Tây đã suy đoán rằng Nga sẽ đưa ra lời đề nghị Su-35 tới đối tác.
Nhưng lúc này, Moscow có vẻ như còn hướng tới một thỏa thuận lớn hơn. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, người đứng đầu Rostec Sergei Chemezov khẳng định Moscow sẵn sàng ký hợp đồng về Su-57 với mục tiêu "hỗ trợ mong muốn phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ".
Tổng thống Erdogan vẫn chưa bình luận về triển vọng mua Su-57. Giới quan sát tin rằng ông chỉ đang chờ đợi một câu trả lời về việc Ankara sẽ phải chờ bao lâu để có hàng trước khi đưa ra quyết định.
Trong khi Su-35, Su-57 vẫn còn là câu hỏi, Ankara đã tỏ ra ít mơ hồ hơn khi thể hiện sự quan tâm thực sự đến hệ thống phòng không S-500 sắp tới của Nga, khi Tổng thống Erdogan tuyên bố đã sẵn sàng hợp tác phát triển với hệ thống phòng không thế hệ mới nhất của Nga trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Một khi đã bước vào hệ sinh thái vũ khí Nga bằng hợp đồng S-400, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể xem xét nâng cấp lên thế hệ mới. Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đang tỏ ra lão luyện trong việc khiến cho Nga và phương Tây chống lại nhau để theo đuổi các điều khoản mua vũ khí có lợi.
Đối với Ankara, những tuyên bố này không đơn thuần chỉ là lời hứa hẹn mua vũ khí Nga trong tương lai mà nó đóng vai trò là quân bài thương lượng trong các cuộc đàm phán vũ khí với NATO trong tương lai.
Tương tự như vậy, với hợp đồng S-400 được đàm phán thành công, Nga dự kiến cũng sẽ cung cấp S-500 với mức giá thấp hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ gần như không có biện pháp đối phó với mô hình vũ khí giá rẻ nhưng hiệu quả cao của Nga. Về phần mình, Mỹ có thể cung cấp cho Ankara hệ thống tên lửa Patriot với giá ưu đãi nhưng điều đó vẫn phụ thuộc vào việc Raytheon (nhà sản xuất của Patriot) có chấp nhận hay không.
Ngoài ra, một sự nhượng bộ quá lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm mất thể diện của Mỹ, đồng thời tạo tiền lệ nguy hiểm cho các khách hàng mua F-35 sau này ép buộc những điều kiện tương tự.
Có thể thấy rằng hợp đồng mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra những sóng gió không hề nhỏ cho sự ổn định của NATO cũng như với chính nền công nghiệp quân sự mạnh mẽ của phương Tây.