Từng phải dùng tay đi thay chân, cô gái vùi vào học để trở thành giáo viên đặc biệt

Nhật Vũ |

Không đầu hàng trước số phận, cô gái khuyết tật có dáng người nhỏ nhắn, xiêu vẹo ấy lại là một người mạnh mẽ và có nghị lực sống đáng nể phục...

"Tại sao con ngan đi được bằng 2 chân, mà con lại không đi được mà phải dùng tay, hả mẹ?"

Đó là câu chuyện của Hoàng Thị Phương, sinh năm 2002, quê ở xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Khuyết tật hai chân nhưng rèn luyện ý chí và nghị lực phi thường.

Cô gái khuyết tật thèm được đi

Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, Phương đã bị khuyết tật bẩm sinh. Hai chân của cô bị teo lại, còn các bộ phận khác đều phát triển bình thường. Cô cũng không biết nguyên nhân từ đâu chỉ nghe mẹ kể lại là lúc sinh ra, cô đã bị như này. Mẹ cô rất buồn.

Khi mới 3 tuổi, Phương chưa tự đi từ chính đôi chân của mình mà phải dùng đôi tay thay cho đôi bàn chân của mình để đi trên mặt đất.

"Hồi đó, nhà em nuôi rất là nhiều ngan khi nhìn thấy đàn ngan chạy qua chạy lại, em có hỏi mẹ: "Tại sao con ngan đi được bằng 2 chân, mà con lại không đi được mà phải dùng tay, hả mẹ?" - Phương ngậm ngùi.

Lúc đấy, bản thân cô chỉ hỏi theo sự tò mò của một đứa trẻ. Dần dần khi lên cấp 1, cấp 2, cô bắt đầu nhận thức được sự khác biệt của mình so với các bạn xung quanh.

"Bản thân em cũng tủi thân và có những mặc cảm riêng khi mình khác với mọi người xung quanh và bạn bè đồng trang lứa. Khi em đi học, em cũng hay bị các bạn trêu chọc do các bạn đang còn nhỏ, chưa có nhận thức nhiều. Lúc đó, em rất tủi thân, tự ti và mặc cảm."

Khi học hết lớp 9, Phương quyết định không thi cấp 3 mà học trường nghề dành cho các bạn thanh thiếu niên khuyết tật. Những ngày học ở đó được xem là bước ngoặt trong cuộc đời cô sau này. Khi đó, bố mẹ, bạn bè và thầy cô đều không đồng tình với quyết định mà Phương đưa ra.

"Do bản thân em quá cứng đầu, một phần cũng do em không vượt qua được sự mặc cảm của bản thân và ánh mắt nhìn của mọi người xung quanh, nên em vẫn quyết định thi vào trường nghề."

Khi học ở đó, Phương nhìn thấy các bạn có những dạng khuyết tật khác nhau. Hiểu được sự khó khăn của các bạn, trong đầu cô có suy nghĩ phải làm như thế nào để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như mình.

"Và em nghĩ chỉ có học tập là con đường duy nhất để em thay đổi bản thân và có thể giúp đỡ mọi người xung quanh. Em quyết định bỏ hết những lời nói, sự tự ti của bản thân để cố gắng quay lại con đường học. Em bắt đầu đi học lại từ cấp 3 và từ đó em ước mơ trở thành một cô giáo đặc biệt."

Năm 2020, Phương thi đại họ nhưng bố mẹ và người thân không đồng ý cho cô đăng kí ngành học Giáo dục đặc biệt, đó là dạy trẻ tự kỷ hay trẻ tăng động.

Vì mọi người nghĩ rằng dạy một đứa trẻ bình thường đã rất khó và vất vả trong khi cô lại có những khiếm khuyết trên cơ thể, khó khăn trong việc đi lại mà lại chọn làm giáo viên và tiếp xúc với những bạn đặc biệt sẽ khó khăn và vất vả vô cùng.

"Ngày em biết tin đậu, bản thân em rất vui vì mình đã đỗ nguyện vọng 1 và đúng ngàng học mình yêu thích, Bố mẹ em thì cũng vui vì con gái đậu đại học nhưng thật ra vẫn muốn em theo ngành học khác".

Ngày đầu bước chân vào đại học, Phương nhút nhát, cảm giác lạ lẫm vì lần đầu tiên lên Hà Nội một mình. Mọi thứ với cô dường như bắt đầu lại từ con số 0. Sau đó, khoảng 2 tuần, cô bắt đầu hòa nhập và làm quen với mọi người, môi trường xung quanh.

Chia sẻ với tôi khi học ngành này, Phương đã thay đổi rất nhiều: "Em đã học được sự kiên nhẫn, kiên trì và kiềm chế cảm xúc của mình. Bây giờ, khi đi dạy em đã kiềm chế được cảm xúc, hít thở sâu rồi dạy tiếp, sau đó về nhà mới khóc to vì quá ức chế. Khi đó, em cảm thấy thoải mái hơn và lấy lại quyết tâm".

Mong muốn lo cho các bạn khuyết tật

Sau 3 năm học tập ở Hà Nội, Phương cảm thấy bản thân đã thay đổi rất nhiều từ cách giao tiếp, các kĩ năng xã hội nhờ môi trường hoạt động thiện nguyện. Cô được gặp gỡ mọi người, biết thêm những mảnh đời bất hạnh giúp cô tự tin hơn rất nhiều.

"Có những anh chị đã từng gặp em hồi năm nhất, thì đến thời điểm hiện tại anh chị không nhận ra em. Do giọng nói đã thay đổi và cách nói chuyện cũng tự tin hơn" - Phương chia sẻ.

Tháng 6/2024 tới đây, cô sẽ tốt nghiệp đại học. Dự định đầu tiên sau khi ra trường của Phương sẽ ở Hà Nội để trau dồi thêm kiến thức cũng như kĩ năng chuyên môn. Ngoài công tác trong mảng giáo dục, cô dự định làm điều gì đó cho những bạn khuyết tật.

"Thực ra ý tưởng của em nó cũng chỉ là một ý tưởng thôi vì bây giờ em chưa đủ tiềm lực về kinh tế để xây dựng và làm được. Đủ về kinh tế, em có thể mở một tiệm cafe nho nhỏ, tiệm bánh với những đầu việc phù hợp với các bạn khuyết tật.

Thứ nhất các bạn có thêm thu nhập cho bản thân. Thứ hai đỡ gánh nặng cho xã hội và tạo niềm vui cho các bạn ấy. Đó là dự định tương lai của em".

Ngoài việc học tập trên lớp, Phương đang đảm nhiệm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Hà Nội và cô cũng có những việc làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Nói về ước mơ của mình, Phương uớc đầu tiên là làm sao có thể lo cho bản thân, lo cho gia đình, bố mẹ. Ước mơ thứ 2, ngoài việc lo cho cuộc sống gia đình, lo cho cuộc sống sau này mong muốn làm sao lo cho các bạn khuyết tật.

Bằng đôi chân khuyết tật, bằng thái độ sống tích cực, Phương đang viết nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống, để truyền tiếp năng lượng cho những ai kém may mắn như mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại