Từng nhiều lần tiếp xúc qua lại, trong mắt ông Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình là người như thế nào?

An An |

Được biết, ông Biden từng xác nhận, ông đã "thiết lập mối quan hệ cá nhân rất tốt với các nhà lãnh đạo Trung Quốc" sau các cuộc thăm hỏi song phương.

Từng ủng hộ Trung Quốc trỗi dậy

Năm 1979, Trung Quốc và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông Joe Biden đã đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên với tư cách là thành viên của phái đoàn Thượng viện Mỹ.

The New York Times (NYT-Mỹ) mô tả, ông khi đó còn là một "thanh niên sửng sốt khi bước vào Thượng viện". Thời điểm đó, ông đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo vào năm 2011, Biden mô tả chuyến thăm Trung Quốc năm đó là "chứng kiến ​​sự khởi đầu mới của quan hệ Mỹ-Trung".

Tháng 8/1991, ông lại đến thăm Trung Quốc với tư cách là thành viên Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết giao lưu Mỹ - Trung ngày càng sâu rộng và ngày càng nhiều thanh niên Mỹ bắt đầu học tiếng Trung, điều này đã trở thành yếu tố then chốt trong việc xây dựng nền tảng lâu dài trong quan hệ song phương.

Đến tháng 8/2001, ông Biden, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã hội đàm với Thủ tướng Chu Dung Cơ trong chuyến thăm Trung Quốc và nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa Mỹ và châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, là vô cùng quan trọng. Chính phủ Mỹ nên tiếp tục tiếp xúc với Trung Quốc và nỗ lực phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị song phương.

Từng nhiều lần tiếp xúc qua lại, trong mắt ông Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình là người như thế nào? - Ảnh 1.

Ông Biden (phải) trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch TQ Giang Trạch Dân tại Bắc Đới Hà vào ngày 8/8/2001. Ảnh: Tân Hoa Xã

Sau đó, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân, ông Biden nói: "Mỹ hoan nghênh một Trung Quốc thịnh vượng và hội nhập trỗi dậy trên trường quốc tế vì chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là một Trung Quốc tuân thủ các quy tắc".

Tờ NYT ngày 8/9/2020 cho biết, vào năm 2001, chuyến thăm của ông Biden đã giúp Trung Quốc mở ra một kỷ nguyên quan trọng trong quan hệ với Mỹ, thiết lập quan hệ kinh doanh Mỹ-Trung, thúc đẩy việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Trung Quốc. Kinh nghiệm của những chuyến thăm Trung Quốc đã củng cố niềm tin của Biden rằng một Trung Quốc đang trỗi dậy là một sự phát triển tích cực và khả quan không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với Mỹ và thế giới.

Tiến hành "ngoại giao quen biết" với Trung Quốc để đánh giá quan hệ song phương

Từ ngày 17-22/8/2011, ông Biden đã đến thăm Trung Quốc cùng con dâu và cháu gái. Trong thời gian thăm Trung Quốc, ông đã gặp Chủ tịch Trung Quốc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc Ngô Bang Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, ông Tập Cận Bình luôn song hành bên ông Biden. Người đầu tiên ông Biden gặp khi đến Bắc Kinh là ông Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình không chỉ là quan chức cấp cao tổ chức lễ đón mà cùng ông Biden đến thăm Thành Đô, Tứ Xuyên.

Reuters ngày 16/8/2011 nhận định, nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Biden ở Trung Quốc là gặp gỡ các nhà lãnh đạo nhiệm kỳ tiếp theo của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, phụ tá an ninh quốc gia của ông Biden - Tony Blinken - tiết lộ, "nói chung, chúng tôi đang đầu tư vào tương lai của quan hệ Trung-Mỹ". Blinken cũng chỉ ra, một trong những mục đích chính là tìm hiểu đội ngũ lãnh đạo tương lai của Trung Quốc và thiết lập mối quan hệ với cá nhân ông Tập Cận Bình.

Cùng ngày, Deutsche Welle (Đức) cho biết, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của ông Biden trong chuyến đi này là hiểu thêm về nhà lãnh đạo hàng đầu trong tương lai của Trung Quốc và thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn với ông Tập Cận Bình. Đây là quá trình quan trọng để lãnh đạo hai nước tăng cường tương tác, đặc biệt là lần đầu tiên giới chức cấp cao Mỹ dành nhiều thời gian tiếp xúc ông Tập Cận Bình. Ý định này cũng có thể được nhìn thấy từ lịch trình đã sắp xếp, cả hai ông không chỉ tổ chức các cuộc nói chuyện chính thức mà còn ăn tối cùng nhau.

Được biết, theo báo tiếng Hoa Đa chiều, quan điểm này cũng đã được đích thân ông Biden xác nhận. Ông nói rằng chuyến thăm này đã duy trì động lực của các chuyến thăm cấp cao Mỹ-Trung, và ông đã "thiết lập mối quan hệ cá nhân rất tốt với các nhà lãnh đạo Trung Quốc".

Trên thực tế, trong 18 tháng kể từ đầu năm 2011, hai ông Biden và Tập Cận Bình đã gặp nhau ít nhất 8 lần tại cả Mỹ và Trung Quốc. Họ tổ chức các cuộc gặp mặt chính thức, cùng đi dạo, chơi bóng rổ tại một trường học nông thôn Trung Quốc và cùng ăn tối riêng chỉ với sự tháp tùng của thông dịch viên.

Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, người từng nhiều lần tham dự các cuộc hội đàm, tiết lộ, dù phiên dịch viên tiếng phổ thông của ông đôi khi lúng túng chuyển ngữ những câu thơ khó dịch của trong ngôn ngữ Ireland, ông Biden vẫn nhanh chóng thiết lập mối quan hệ "cá nhân" với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông Russel nói rằng, ông Biden rất giỏi trong việc thiết lập ngay các mối quan hệ cá nhân khiến ông Tập dễ dàng mở lòng.

Từng nhiều lần tiếp xúc qua lại, trong mắt ông Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình là người như thế nào? - Ảnh 2.

Vào ngày 19/8/2011, Phó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình gặp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc tọa đàm doanh nghiệp Mỹ-Trung ở Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã

"Người bạn cũ" đến với những trách nhiệm nặng nề

Ông Biden cũng đã đến thăm Trung Quốc trong hai ngày 4-5/12/2013. Là chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden có một trách nhiệm nặng nề.

Ban đầu đây chỉ là một chuyến đi dự kiến ​​nhằm tăng cường hợp tác kinh tế Trung - Mỹ, nhưng hai tháng trước đó, cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ ở Mỹ khiến chính phủ phải đóng cửa, và Tổng thống Mỹ bấy giờ là Barack Obama buộc phải hoãn chuyến đi tới châu Á. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản tức giận vì Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông khiến quan hệ Trung-Nhật xấu đi rõ rệt.

Hãng tin AP ngày 3/12/2013 chỉ ra rằng, một quan chức cấp cao giấu tên của Nhà Trắng nói rằng "không người Mỹ nào" có sự quen biết với các nhà lãnh đạo Trung Quốc như ông Biden. Vào thời điểm đó, Tổng thống Obama hy vọng sẽ thực hiện được chính sách an ninh khu vực ổn định hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua các kênh ngoại giao, về mặt này, ông Obama vô cùng tin tưởng vào khả năng ngoại giao của Biden.

Trên thực tế, khi ông Obama đối mặt với các vấn đề ngoại giao lớn, phó tướng Biden đều có mặt ở bên. Ông Obama từng nói ông Biden thuộc tuýp người làm nhiều việc mà không ghi thành tích vào phiếu điểm.

Một báo cáo của Reuters vào ngày 5/12/2013 chỉ ra, trọng tâm chuyến thăm Trung Quốc của ông Biden là thảo luận về cách thúc đẩy sự đồng thuận về việc xây dựng một kiểu quan hệ cường quốc mới giữa Mỹ và Trung Quốc mà hai ông Obama và Tập đã đạt được vào tháng 6 cùng năm. Ngoài ra, còn có mục đích xoa dịu mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, "mối quan hệ cá nhân" với ông Tập Cận Bình dường như không cho phép "người bạn cũ" Trung Quốc này đạt được mục đích.

Theo tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 5/12/2013, ông Biden đã đến thăm Trung Quốc vào ngày 4/12 và có cuộc hội đàm kéo dài với ông Tập, trong đó hai ông có một cuộc gặp riêng với thông dịch viên trong hai giờ, vượt qua dự kiến 45 phút ban đầu. Rõ ràng, hai bên có sự khác biệt lớn về vấn đề vùng nhận diện phòng không. Sau khi cuộc đàm phán kết thúc, Biden tỏ ra chán nản.

Tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đưa tin vào ngày 3/12/2013, khi ông Biden đến thăm Nhật Bản vào ngày 3/12, người Nhật đã trải thảm đỏ để đón tiếp và mời ông dự tiệc tối. Một lễ tiếp đón cấp cao như vậy có nghĩa là kỳ vọng Mỹ sẽ ủng hộ quan điểm của Nhật Bản trong vấn đềliên quan đến vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông. Vào thời điểm đó, ông Biden tuyên bố với phía Nhật Bản rằng, "Mỹ quan ngại sâu sắc về việc (Trung Quốc) tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không mới. Đây là một nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng và Mỹ không thể công nhận".

Tuy nhiên sau đó, chuyến đi này của ông Biden hầu như không mang lại kết quả gì về vấn đề khu vực chiến lược Trung-Mỹ.

Nhận định mới nhất của ông Biden về ông Tập

Cựu Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Kurt Campbell, tiết lộ rằng nhận định sau cùng của ông Biden đối với ông Tập Cận Bình là người nà "cứng rắn, thực tế và nghi ngờ về sức mạnh của Mỹ". Ông Biden từng nói với một nhà tư vấn trong một cuộc họp ở Nhà Trắng rằng: "Tôi nghĩ người này [Tập Cận Bình] sẽ khiến chúng ta bận rộn".

Ông Biden từng nói rằng, cuộc gặp của ông với ông Tập Cận Bình vào năm 2013 đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng ông. "Ông ấy (Tập Cận Bình) là một người thông minh và thường đặt những câu hỏi mang tính khơi gợi".

Cựu Phó Tổng thống Mỹ cho biết, ông Tập Cận Bình đã hỏi hệ thống chính trị Mỹ hoạt động như thế nào, quyền lực của Thống đốc bang hay Tổng thống Mỹ có bao nhiêu quyền lực đối với các cơ quan quân sự và tình báo. Dựa trên điều này, ông Biden đánh giá: "Kết luận của tôi là ông ấy thực sự muốn làm điều gì đó mà chưa ai làm được kể từ thời Đặng Tiểu Bình, và đó là sự kiểm soát toàn bộ".

Ông Biden cũng từng ca ngợi ông Tập Cận Bình là một "người bạn" khiến ông ấn tượng về "sự cởi mở và thẳng thắn". Nhưng theo Đa chiều, trong cuộc bầu cử lần này, chia sẻ trong một cuộc tranh luận của đảng Dân chủ vào tháng 2/2020, ông lại dùng nhiều từ ngữ tiêu cực để chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc.

Theo giới quan sát, khi ông Biden trở thành tân Tổng thống Mỹ, mối quan hệ 40 năm của ông với Trung Quốc sẽ mở ra một đỉnh cao mới. Khi một trong hai siêu cường toàn cầu đang trỗi dậy, bên còn lại đang cố gắng duy trì ảnh hưởng của mình, một cuộc xung đột lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ có thể là không thể tránh khỏi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại