Từng nhất nhất nghe theo Gia Cát Lượng, lý do gì khiến Lưu Bị về sau bỏ ngoài tai lời khuyên của vị quân sư này?

Khánh An |

Phải chăng Lưu Bị đã không còn đặt niềm tin vào Gia Cát Lượng?

Điển cố "Tam cố mao lư" được coi là nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, nói về việc Lưu Bị ba lần đến lều tranh mời Gia Cát Lượng làm quân sư. 

Sau khi mời được Khổng Minh xuất sơn phò tá cho mình, có thể thấy trong giai đoạn đầu, bất cứ kế hoạch gì Lưu Bị đều nghe theo quân sư của mình.Chỉ có điều về sau, điển hình nhất là trận Di Lăng, Lưu Bị đã bỏ ngoài tai ý kiến của Gia Cát Lượng.

Từ chỗ nhất nhất nghe theo kế hoạch của Khổng Minh tiên sinh, tại sao Lưu Bị về sau lại có thái độ của như vậy trước các đề xuất của người mà mình đã vô cùng tin tưởng?

Có hai lý do giải thích cho hiện tượng này.

Thứ nhất, tình thế đã thay đổi

Khi Lưu Bị 3 lần mời Gia Cát Lượng làm quân sư cho mình, ông vừa trải qua một trận đại bại chưa từng có. Đó là những tháng ngày khó khăn nhất của Lưu Bị, bởi ông không có văn tướng mà chỉ có 3 võ tướng là Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân. Điều thảm thương hơn là Lưu Bị khi đó còn không sở hữu lấy một mảnh đất (trước đó có Từ Châu nhưng đã bị mất).

Sau khi mời được Gia Cát Lượng, Lưu Bị mới thực sự tìm thấy con đường thành công rộng mở của mình. Lý do là bởi Gia Cát Lượng túc trí đa mưu, kế hoạch của ông vô cùng thuyết phục và quan trọng hơn cả là những mưu kế đó đã kịp thời bổ sung cho những khiếm khuyết trong chính trị nội bộ và sách lược của Lưu Bị.

Nhờ có Gia Cát Lượng vạch đường chỉ lối, Lưu Bị mới tìm ra phướng hướng đúng đắn, chính vì vậy, trong những năm đầu, Lưu Bị đã nhất nhất nghe theo lời của Gia Cát Lượng.

Từng nhất nhất nghe theo Gia Cát Lượng, lý do gì khiến Lưu Bị về sau bỏ ngoài tai lời khuyên của vị quân sư này? - Ảnh 2.

Tranh vẽ minh họa Gia Cát Lượng và Lưu Bị.

Tuy nhiên khi Lưu Bị đã thành công thì mọi chuyện lại khác. Khi đó Lưu Bị đã trở thành Hán Trung vương, trở thành hoàng đế trong sự ủng hộ của người dân.

Hãy thử nghĩ xem, nếu bạn là một hoàng đế, lại là một hoàng đế có tham vọng và không bao giờ chịu khuất phục, liệu bạn có răm rắp nghe theo lời của một thuộc hạ cho dù người này rất xuất sắc, rất lợi hại và còn giúp ích rất nhiều cho mình trước đây? Chắc hẳn mọi người đều biết rõ câu trả lời.

Hơn nữa, thân thế của Gia Cát Lượng khi đó thực sự khá đặc biệt. Huynh trưởng của Gia Cát Lượng là Gia Cát Cẩn giữ chức Đại tướng quân ở Đông Ngô, còn em họ của Gia Cát Lượng là Gia Cát Đản giữ chức Trấn đông Đại tướng quân cho Tào Ngụy. Điều này khá kì quặc. Ba anh em Gia Cát Lượng thuộc ba phe khác nhau, lại cùng đảm nhiệm vị trí quan trọng , vậy sẽ thế nào nếu cả ba người cùng bắt tay với nhau?

Thế nên nhiều khả năng Lưu Bị không nghe theo lời Gia Cát Lượng một phần là bởi nguyên nhân này. Xét cho cùng, Lưu Bị cũng không thiếu những quân sư để giúp ông vạch ra sách lược cũng như những quan văn giúp ông ổn định chính sách nội bộ.

Ngoài ra, chúng ta có thể nhìn nhận sự việc từ một góc độ khác. Chẳng hạn, có thể lý giải là bản thân Gia Cát Lượng tự nguyện lui về sân sau, cam tâm tình nguyện để Lưu Bị gạt mình ra rìa (trong trận Hán Trung, Gia Cát Lượng đã ở hậu phương, chỉ phụ trách việc chuẩn bị lương thảo cho quân đội).

Từng nhất nhất nghe theo Gia Cát Lượng, lý do gì khiến Lưu Bị về sau bỏ ngoài tai lời khuyên của vị quân sư này? - Ảnh 4.

Hình ảnh nhân vật Gia Cát Lượng và Lưu Bị trên phim.

Thứ hai, Gia Cát Lượng có lý do riêng

Trong chính sử, mặc dù Gia Cát Lượng có năng lực rất lợi hại nhưng năng lực này cũng chỉ có hạn và có phương hướng. Tư liệu lịch sử "Tam Quốc chí" đã có nhận xét về Gia Cát Lượng: "Trị quân là sở trường, kỳ mưu là sở đoản; lo liệu việc dân hơn là lo liệu việc tướng". Qua câu nói này, chúng ta có thể hiểu, Gia Cát Lượng không giỏi kì mưu, năng lực quản lý chính trị cao hơn năng lực dẫn binh.

Tìm hiểu kỹ  chính sử, không khó để nhận thấy rằng sau sự kiện "Tam cố mao lư", về mặt quân sự, Gia Cát Lượng thực sự không giúp ích được gì nhiều cho Lưu Bị. Điều này có thể giải thích được gì?

Điều này cho thấy rằng Lưu Bị đã biết rõ nhược điểm của Gia Cát Lượng, vì vậy ông không để Gia Cát Lượng theo mình tham gia chuyện binh sự, mà chỉ đặt ở hậu phương để điều phối tình hình chung và phát huy hết năng lực chính trị của mình (đó là một mối nguy tiềm ẩn và là điềm báo cho sự thất bại của trận dẹp Bắc).

Hơn nữa, bản thân Gia Cát Lượng không hoàn toàn phục tùng Lưu Bị, hay nói cách khác, Gia Cát Lượng không tin tưởng tuyệt đối vào Lưu Bị.

Có thể lấy trận Hán Trung làm ví dụ, khi Lưu Bị giằng co với Tào Ngụy trên chiến tuyến Hán Trung trong suốt một năm, Gia Cát Lượng vẫn còn do dự chưa muốn đối mặt trực tiếp với Tào Ngụy.

Vì vậy sau khi nhận được thư yêu cầu hỗ trợ toàn lực từ phía Lưu Bị, Gia Cát Lượng vẫn còn do dự. Nếu không nhờ sự thuyết phục của Dương Hồng khi đó, chắc hẳn Gia Cát Lượng và Lưu Bị đã xảy ra xung đột.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại