Tung món 'đa năng' này vào Ukraine, đến người Nga cũng phải thừa nhận nó quá 'quỷ quyệt'?
Ít ngày trước, tờ Rg.ru của Nga đã đăng tải bài viết đáng chú ý của nhà phân tích Oleg Koryakin với tiêu đề: "Drone (máy bay không người lái cỡ nhỏ) Nga bắt đầu sử dụng mìn "Vkladysh" quỷ quyệt nhằm vào lực lượng Ukraine". Dưới đây là phần lược dịch:
"Mới đây kênh Telegram "Batal'on Feniks" đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh Drone Nga triển khai loại đạn kỹ thuật đa chức năng mới được gọi là "MIB" hay "Vkladysh" trong khu vực SMO (Chiến dịch quân sự đặc biệt).
Đây là một sản phẩm khá mới của NIII (viết tắt của Công ty Cổ phần Viện Nghiên cứu Kỹ thuật trực thuộc Rostec) tại Balashikha (Moscow).
"Vkladysh" là món vũ khí đa năng, có thể triển khai chiến đấu như lựu đạn hoặc mìn chống người. Đối với trường hợp sử dụng cụ thể trong video nói trên, người điều khiển Drone đã chọn phương án chiến đấu thứ hai.
Sau khi được thả xuống mặt đất, "Vkladysh" tự động phân tán các dây bẫy trong bán kính xung quanh 10 mét - một loại mạng nhện chết người - khi đối phương chạm vào một trong những cảm biến tinh vi loại này, quả mìn sẽ phát nổ và sát thương bằng phân mảnh".
Đoạn video được Rg.ru đề cập.
"Vkladysh"?
Mặc dù đã miêu tả sơ bộ về "MIB" hay "Vkladysh", tuy nhiên bài viết của ông Oleg Koryaki quá ngắn gọn và thậm chí hình ảnh về đạn đa năng này chỉ xuất hiện rất ngắn ngủi và không rõ ràng trong video của "Batal'on Feniks".
Điều này đặt ra rất nhiều câu hỏi xung quanh loại vũ khí này như nó đã được phát triển như thế nào, đã được thử nghiệm ở đâu trước khi được tung vào SMO và hiệu quả thực tế của nó ra sao?
Tìm hiểu sâu hơn, hóa ra thông tin về quá trình phát triển loại đạn đa năng này lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí Nga là vào năm 2003 và là kết quả của việc nghiên cứu phối hợp giữa NIII và Học viện Kỹ thuật Quân sự mang tên Kuibyshev.
Đến năm 2007, "MIB/Vkladysh" được các lực lượng vũ trang Nga chấp nhận đưa vào trang bị tuy nhiên chỉ giới hạn trong các nhóm trinh sát - phá hoại.
Một số hình ảnh chi tiết hơn về "MIB/Vkladysh".
Đạn đa năng có thể được sử dụng để cản bước đối phương trong quá trình các nhóm này rút lui hoặc sử dụng như lựu đạn trong giao tranh.
Các thông số chi tiết về đạn bao gồm đường kính 61,5 mm, dài 170 mm, nặng 830 g, ngòi kích nổ khi chịu lực tác động từ 1,5 đến 6 kg, bán kính sát thương từ 8 đến 10 mét và quan trọng nhất là khi hoạt động ở chế độ mìn, "MIB/Vkladysh" có thể tự hủy trong từ 3 đến 100 giờ.
Quan trọng hơn, trong một video được cho là ghi lại ở hiện trường nơi hai lính đặc nhiệm/trinh sát Nga thiệt mạng ở Syria vào năm 2016 - nhiều nhà phân tích ghi nhận "sự hiện diện của một loại đạn kỹ thuật lạ".
Căn cứ theo các thông tin, hình ảnh được NIII công bố, một trong các nhà phân tích nói trên đã xác định đây chính là "MIB/Vkladysh" đồng thời cung cấp thêm một số chi tiết như sau:
"... ở chế độ lựu đạn... ngòi nổ sẽ kích nổ trong từ 3 đến 5 giây sau khi ném, tức là khi sử dụng MIB ở chế độ này không khác gì lựu đạn thông thường. Nhưng cần lưu ý rằng khối lượng 830 g của nó cao hơn đáng kể so với lựu đạn thông thường dẫn đến tầm ném giảm...
Nếu được sử dụng ở chế độ mìn, MIB sẽ được gài thủ công trên mặt đất. Việc kích hoạt ngòi nổ được tiến hành từ xa với độ trễ là 12 phút.
Sau khi được kích hoạt, thân mìn sẽ mở ra để 4 sợi dây mảnh dài 10 mét văng ra các hướng khác nhau...
Cần lưu ý rằng khác với các loại mìn sát thương bộ binh khác chứa bi hoặc xẻ rãnh, MIB chứa nhiều vòng bánh răng để khi phát nổ sẽ sát thương bằng những phân mảnh hình tam giác..."
Ảnh trên được cắt từ video được đăng tải năm 2016 tại hiện trường được cho là nơi lính đặc nhiệm Nga thiệt mạng ở Syria và ảnh dưới là hình ảnh rõ nét của "MIB/Vkladysh" khi được kích hoạt ở chế độ mìn sát thương bộ binh.