Kể từ sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, các nhà máy lọc dầu của Hàn Quốc đã mạnh dạn quay lưng với dầu thô của Nga. Một số nhà máy này có liên kết với chủ sở hữu và châu Âu đã ngừng nhập khẩu dầu thô và nhiên liệu từ Nga mặc dù không có lệnh trừng phạt chính thức nào.
Tuy nhiên dữ liệu từ Bloomberg cho thấy gần đây Hàn Quốc đã bất đầu các chuyến hàng nhập khẩu nhiên liệu trở lại từ Nga, đặc biệt là naphtha – một loại hỗn hợp được sản xuất từ chưng cất dầu mỏ, chưng cất khí tự nhiên ngưng tụ/chưng cất nhựa than đá và than bùn.
Cụ thể, Hàn Quốc đã nhập khẩu khoảng 160.000 tấn nhiên liệu quan trọng từ Nga trong tháng 5, theo dữ liệu từ Kpler do Bloomberg tổng hợp. Các nhà máy lọc dầu và chế biến tại trung tâm hóa dầu của châu Á đã bắt đầu nối lại thương mại với Nga sau một thời gian tạm dừng bởi xung đột. Đây cũng là tháng cao nhất kể từ khi xung đột xảy ra mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với thời gian trước thời điểm tháng 2/2022.
Hàn Quốc đang tăng nhập khẩu nhiên liệu của Nga trở lại. Đồ họa: Bloomberg
Đây là tín hiệu đáng mừng dành cho Nga trong việc duy trì các chuyến hàng dầu thô và nhiên liệu tinh chế từ dầu thô của mình, đặc biệt là đến các khách hàng khu vực châu Á. Dự kiến các lô hàng naphtha của Nga đến Hàn Quốc sẽ tăng lên mức 63.000 thùng/ngày.
Theo các chuyên gia trong ngành, những khách hàng này đang mua nhiên liệu trực tiếp từ Nga hoặc thông qua các trung tâm thương mại như Singapore. Dòng nhiên liệu giá rẻ của Nga tràn vào châu Á cũng đang dần “ăn mòn” thị phần của các nhà cung cấp đến từ Trung Động, họ nói thêm.
Naphtha là nguyên liệu chính cần thiết để sản xuất nhiều loại nhựa và sản phẩm hóa học. Phần lớn các dòng chảy mới nhất đã đến cảng Yeosu, một trong những tổ hợp sản xuất hóa dầu quan trọng của Hàn Quốc.
Kể từ ngày 5/2, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cấm nhập khẩu các nhiên liệu tinh chế của Nga như dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut cùng các nhiên liệu tinh chế khác trong nỗ lực hạn chế các nguồn thu chính của Moscow tài trợ cho lĩnh vực quân sự.
Biện pháp cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực cùng lúc với biện pháp áp giá trần các sản phẩm này mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra, qua đó mở rộng lệnh cấm các hoạt động vận chuyển dầu Nga bằng đường biển vốn có hiệu lực từ tháng 12/2022.
Biện pháp mới cấm các tàu của EU chở các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga được mua bán ở hoặc dưới mức giá trần đặt ra, cũng áp dụng với các công ty hỗ trợ kỹ thuật, môi giới hoặc tài chính như các công ty bảo hiểm cho các hãng vận chuyển dầu mỏ tinh chế của Nga. Mức phạt với công ty vi phạm có thể lên đến 5% doanh thu toàn cầu. Kể từ đó, Nga đã nỗ lực chuyển dòng nhiên liệu của mình đến các quốc gia châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc.
Theo Bloomberg, FT