"Sex and the city" là một bộ phim truyền hình hài kịch lãng mạn của Mỹ được phát sóng lần đầu tiên năm 1998. Bộ phim đình đám có sáu mùa với 94 tập và kết thúc vào ngày 22 tháng 2 năm 2004.
"Sex and the City" được bình chọn là một trong những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại. Nội dung phim kể về cuộc sống của bốn người phụ nữ sống ở thành phố New York và những câu chuyện liên quan đến tình yêu, tình bạn của họ ở thành phố này.
Gần đây, "Sex and the City" tiếp tục nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả sau khi được phát trực tuyến trên Netflix từ ngày 1/4, sau 20 năm kể từ khi phim kết thúc.
Song song với bộ phim, các diễn viên trong “Sex and the City” cũng nhận được nhiều sự chú ý từ công chúng. Trong đó, không thể không nhắc đến nam diễn viên Evan Handler, đóng vai luật sư Harry, người yêu của Charlotte (do diễn viên Kristin Davis thủ vai) trong phim.
Ngoài "Sex and the City", Evan Handler còn tham gia rất nhiều bộ phim khác như Six Feet Under, Friends, Law & Order, The West Wing, Miami Vice, Californication, Power Confidential,...
Là diễn viên nổi tiếng nhưng ít ai biết rằng Evan Handler cũng đã từng phải chiến đấu với căn bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (một dạng ung thư máu) ở độ tuổi 24.
Phát hiện mắc ung thư ở tuổi 24
Trong một lần phỏng vấn với Science Goes to the Movies, Handler chia sẻ: “Tôi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy vào năm tôi 24 tuổi. Thời điểm nhận chẩn đoán bệnh, tôi cảm thấy như mình đang nhận án tử vì lúc đó, cơ hội điều trị khỏi bệnh này khá thấp”.
Handler cho biết thêm: "Thời điểm đó tôi đã tìm hiểu và nhận thấy khoảng 80% bệnh nhân mắc bệnh này sẽ tái phát bệnh. Tỷ lệ sống sót sau khi tái phát bệnh là dưới 5%”.
Tuy nhiên, Handler, hiện 63 tuổi, đã vượt qua căn bệnh quái ác và sống khỏe mạnh. Handler thậm chí còn viết cuốn sách “Time on Fire: My Comedy of Terrors” để kể chi tiết về cuộc chiến của ông với căn bệnh bạch cầu từ năm 24 đến 29 tuổi.
Evan Handler cho biết trong những ngày đầu sự nghiệp diễn xuất, ông thường biểu diễn trên sân khấu Broadway (hệ thống nhà hát chuyên nghiệp ở New York, Mỹ).
Trong một lần đi diễn, Handler cảm thấy mệt mỏi giống như mắc bệnh cúm kèm theo đó là cơn đau rát họng. Tình trạng bệnh kéo dài không khỏi nên Handler quyết định đi khám bác sĩ tai mũi họng để điều trị các triệu chứng bất thường trên cơ thể.
"Khi đến khám, bác sĩ nghi ngờ các triệu chứng bất thường trên cơ thể tôi cảnh báo bệnh khác nên đã giới thiệu tôi đến một bác sĩ huyết học để khám và làm xét nghiệm máu", Handler chia sẻ.
Kết quả xét nghiệm máu của Handler cho thấy ông mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy khi mới 24 tuổi.
Chiến thắng ung thư nhờ làm 1 điều
Evan Handler chia sẻ: “Trong quá trình điều trị, bệnh của tôi tái phát liên tục. Tôi được chỉ định hóa trị và chờ đợi để tiến hành ghép tủy”.
“Hiện nay, ghép tủy là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh bạch cầu (ung thư máu) nhưng ở thời điểm tôi phát hiện bệnh, phương pháp này vẫn chỉ mang tính thử nghiệm, có nhiều rủi ro và thường chỉ áp dụng cho các trường hợp tái phát bệnh nhiều lần”, Handler nói thêm.
May mắn, nhờ tích cực phối hợp điều trị theo chỉ định của bác sĩ mà sau một thời gian Handler đã điều trị khỏi bệnh và sống khỏe mạnh đến hiện giờ.
Sau khi điều trị khỏi bệnh bạch cầu, Handler cũng quyết định tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ cho các bệnh nhân ung thư trẻ tuổi.
Nhận biết và điều trị bệnh bạch cầu
Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng của bệnh bạch cầu cấp dòng tủy bao gồm: sốt, thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng, cảm thấy mệt mỏi hoặc mất sức, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, giảm cân, chán ăn, đau xương âm ỉ hoặc dữ dội (thường ở chân và tay), da nhợt nhạt,... Chuyên gia khuyến cáo, khi có các triệu chứng bất thường kể trên, mọi người cần nhanh chóng đến viện để thăm khám sớm giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (nếu có).
Các chuyên gia y tế cho biết, để điều trị bệnh bạch cầu, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện hóa trị. Mục đích của hóa trị là giúp tiêu diệt các tế bào ung thư phát triển nhanh.
Sau khi thực hiện hóa trị, người bệnh sẽ được tiến hành ghép tủy. Bác sĩ Caitlin Costello, chuyên gia huyết học, bác sĩ điều trị ung thư tại Trung tâm Y tế UC San Diego cho biết sau khi ghép tủy, bệnh nhân sẽ ở lại bệnh viện từ 2-4 tuần để theo dõi tình trạng bệnh. Nguyên nhân là do trong quá trình này, bệnh nhân có thể gặp phải các phản ứng phụ của việc ghép tủy như mệt mỏi, buồn nôn và suy giảm miễn dịch và cần sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế.