Từng là chất xúc tác tạo nên ‘phép màu kinh tế’ thời hậu chiến, đồng Yên yếu có còn tốt cho nền kinh tế Nhật Bản?

Anh Dũng |

Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của ông Koichi Hamada, Giáo sư danh dự tại Đại học Yale và là cố vấn đặc biệt của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzō.

Từng là chất xúc tác tạo nên ‘phép màu kinh tế’ thời hậu chiến, đồng Yên yếu có còn tốt cho nền kinh tế Nhật Bản?- Ảnh 1.

Biến động tiền tệ ảnh hưởng đến người dân theo những cách khác nhau. Đồng yên đã sụt giảm từ khoảng 103 yên đổi 1 USD vào cuối năm 2020 xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ khoảng 151 yên đổi 1 USD vào cuối năm 2023.

Đồng yên yếu khiến một số người bạn là chuyên gia kinh tế Nhật Bản của giáo sư Koichi Hamada phải huỷ các chuyến đi nghiên cứu ở Mỹ, vì số tiền tài trợ không còn đủ để trang trải chi phí đi lại. Mặt khác, ngành du lịch Nhật Bản lại bùng nổ khi du lịch ở đất nước mặt trời mọc rẻ hơn nhiều so với trước.

Từng là chất xúc tác tạo nên ‘phép màu kinh tế’ thời hậu chiến, đồng Yên yếu có còn tốt cho nền kinh tế Nhật Bản?- Ảnh 2.

Tỷ giá đồng yên

Điều này đặt ra câu hỏi rằng việc tăng hoặc giảm đồng nội tệ có phù hợp để thúc để kinh tế vĩ mô hay không. Trong trường hợp của Nhật Bản, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại, đồng yên mạnh sẽ là một lợi thế. Vì các điều kiện thương mại sẽ được cải thiện khi giá trị đồng tiền tăng lên.

Nhưng khi một quốc gia có nguồn lợi lớn từ đầu tư nước ngoài, đồng nội tệ yếu sẽ gia tăng cơ hội tiêu dùng. Ví dụ, Văn phòng Chính phủ Nhật Bản ước tính rằng tổng thu nhập quốc gia (GNI) của nước này cao hơn 6% so với GDP tháng 7 năm 2023, phần lớn là do đồng yên rẻ. Điều này cho thấy sức mua của người Nhật đang gia tăng.

Quan trọng hơn, đồng nội tệ yếu sẽ tạo ra một môi trường lạm phát vừa phải, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là điều mà các nhà kinh tế như Arthur Okun và gần đây hơn là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gọi là “nền kinh tế áp lực cao”.

Một nền kinh tế như vậy sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến bộ kỹ thuật, bằng cách đảm bảo các nguồn lực được phân bổ nhanh chóng và hiệu quả. Ngược lại, trong thời kỳ suy thoái, mọi người sẽ không muốn nhảy việc hoặc đổi mới.

Từng là chất xúc tác tạo nên ‘phép màu kinh tế’ thời hậu chiến, đồng Yên yếu có còn tốt cho nền kinh tế Nhật Bản?- Ảnh 3.

Ảnh: RT

Nền kinh tế hậu Thế chiến II của Nhật Bản là một minh chứng. Tỷ giá hối đoái của đồng Yên khi đó đã được cố định ở mức 360 yên đổi 1 USD. Ngay cả khi được thả nổi năm 1973, tỷ giá vẫn ở mức thấp cho đến tận những năm 1980. Nhà kinh tế học Dale Jorgenson và Koji Nomura nhận thấy rằng, do đồng yên tương đối yếu nên chi phí sản xuất bình quân ở Nhật Bản nhìn chung thấp hơn ở Mỹ trong thời kỳ này, khiến các công ty Nhật Bản dễ dàng xuất khẩu hàng hóa sản xuất sang các nước khác trên thế giới.

Do đó, đồng yên yếu là chất xúc tác quan trọng cho phép màu kinh tế thời hậu chiến của Nhật Bản. Nhưng các đối tác thương mại của nước này, đặc biệt là Mỹ, không hài lòng.

Năm 1985, đại diện của Nhật Bản, Mỹ, Đức, Pháp và Anh đã tập trung tại New York đã ký thoả ước tài chính có tên Hiệp định Plaza để giảm giá đồng USD so với đồng yên Nhật, dẫn đến đồng yên tăng mạnh. Sau thoả ước này, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã giữ nguồn cung tiền đủ chặt để duy trì đồng yên mạnh hơn. Việc thắt chặt tiền tệ đã kìm hãm năng suất.

Sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9/2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cùng với các ngân hàng trung ương ở Anh và châu Âu đã thực hiện các chính sách tiền tệ siêu lỏng. Bằng cách phá giá đồng USD, điều này có tác động hạn chế đến các đối tác thương mại như Nhật Bản. Không may, BOJ đã không nới lỏng chính sách tiền tệ của mình đủ nhiều ngay sau cuộc khủng hoảng để chống lại tác động này.

Từng là chất xúc tác tạo nên ‘phép màu kinh tế’ thời hậu chiến, đồng Yên yếu có còn tốt cho nền kinh tế Nhật Bản?- Ảnh 4.

Cổ Thủ tướng Abe Shinzō. Ảnh: RT

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Thống đốc Kuroda Haruhiko và với sự hỗ trợ quyết liệt của Thủ tướng Abe Shinzo lúc bấy giờ, BOJ đã bước vào giai đoạn nới lỏng tiền tệ chưa từng có vào năm 2013. Chính sách này đã thành công trong việc phục hồi nền kinh tế Nhật Bản. Từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2019, gần 4 triệu việc làm đã được bổ sung vào nền kinh tế.

Cú sốc toàn cầu thứ hai của thế kỷ 21 xảy ra vào năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Để giải cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng vọt lên hơn 15% vào năm 2020 và 12% GDP vào năm 2021. Mặc dù Mỹ cần phải có một khoản chi tiêu tài chính đáng kể cho phúc lợi của người dân, mức chi lớn như vậy đã thúc đẩy lạm phát ở Mỹ tăng lên tới 7% vào năm 2021. Cục Dự trữ Liên bang sau đó đã tăng lãi suất từ khoảng 0-0,25% lên 5-5,25%.

Kết quả là đồng USD tăng giá và đồng yên mất giá. Đây có thể là khoảng nghỉ sau một thời gian dài đồng yên quá mạnh, chính sách tiền tệ thắt chặt và dự đoán giảm phát. Nhưng theo quan điểm của giáo sư Koichi Hamada, tốc độ mất giá quá nhanh và có thể gây ra lạm phát ở Nhật Bản. Hiện tại, BOJ nên chuẩn bị thực hiện chính sách chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất, thay vì kiểm soát đường cong lợi suất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại