Tung lá bài 'khủng', ông Putin bất ngờ để lộ dự định thật sự sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống

Minh Đức |

Trong một động thái bất ngờ, người đứng đầu nước Nga tuyên bố ủng hộ đề xuất sửa đổi hiến pháp cho phép ông tái tranh cử vào năm 2024.

AP đăng tải, hôm thứ Ba (10/3), Tổng thống Vladimir Putin đã bất ngờ hé lộ về các kế hoạch chính trị của mình, đồng thời thể hiện sự ủng hộ với một đề xuất sửa đổi hiến pháp cho phép ông tái tranh cử vào năm 2024.

Cụ thể, đề nghị hủy bỏ quy định giới hạn mỗi tổng thống chỉ được đảm nhận hai nhiệm kỳ liên tiếp – sẽ mở đường cho ông Putin ở lại vị trí của mình cho tới năm 2036 nếu ông thực sự mong muốn.

Người đưa ra đề xuất là một nhân vật rất được kính trọng tại Nga là bà Valentina Tereshkova – người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian. Bà cho rằng, nên xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ cho tổng thống hoặc "dừng đồng hồ" và không để quy định này áp dụng cho thời gian tại vị của ông Putin. Tổng thống Nga và Hạ viện đã nhanh chóng tán thành ý kiến của cựu phi hành gia 83 tuổi trong khi những người chỉ trích Điện Kremlin gọi đó là một động thái phi lý và kêu gọi biểu tình phản đối.

Ông Putin đã nắm giữ quyền lực trong hơn 20 năm và là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất kể từ thời ông Josef Stalin.

Sau khi đảm nhiệm hai kỳ tổng thống liên tiếp vào năm 2000-2008, ông trở thành thủ tướng Nga, còn ông Dmitry Medvedev làm tổng thống. Sau khi nhiệm kỳ tổng thống được kéo dài thành 6 năm dưới thời Medvedev, ông Putin quay trở lại vị trí tổng thống vào năm 2012 và tái đắc cử vào năm 2018.

Tổng thống Putin tiết lộ kế hoạch cho con đường chính trị của mình sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc (ảnh: getty)

Giới quan sát ban đầu nhận định, để nắm giữ quyền lực, ông Putin có thể tận dụng việc sửa đổi hiến pháp để xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ; chuyển sang cương vị thủ tướng với quyền lực được củng cố hơn; hoặc tiếp tục điều hành đất nước trong vai trò người đứng đầu Hội đồng Nhà nước.

Tuy nhiên, chính ông Putin từng phủ nhận những ý kiến trên, và cho tới tận thứ ba vẫn chưa rõ nhà lãnh đạo 67 tuổi sẽ có lựa chọn nào. Cuối cùng, với đề xuất từ bà Tereshkova, những lá bài của ông Putin cũng đã lộ rõ phần nào.

"Tôi đề nghị hoặc là dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống hoặc thêm vào một điều khoản rằng, sau khi hiến pháp sửa đổi có hiệu lực, tổng thống đương nhiệm, giống như mọi công dân khác, có quyền trở thành tổng thống", một trong những người phụ nữ uy tín nhất nước Nga phát biểu trước Duma.

Không lâu sau đó, ông Putin đã có mặt tại quốc hội để phát biểu trước các nhà lập pháp. Ông nói, mình hiểu được những lời kêu gọi ông ở lại trên cương vị tổng thống, đồng thời nhấn mạnh, trên tất cả nước Nga cần có sự ổn định.

"Tổng thống là người bảo hộ cho an ninh của đất nước chúng ta, sự ổn định nội bộ và phát triển theo tính tiến hoá", ông Putin nói. "Chúng ta đã có đủ các cuộc cách mạng rồi".

Tuy nhiên theo ông, hiến pháp là văn kiện mang tính lâu dài vì vậy việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ không phải là một ý kiến hay.

"Về mặt dài hạn, xã hội phải đảm bảo được sự luân phiên chính phủ thường xuyên", ông Putin khẳng định. "Chúng ta cần phải nghĩ về những thế hệ sau".

Và cũng chính lúc này, chính trị gia lão luyện mới tung ra "quả bom gây sốc" khi cho hay, ông ủng hộ một ý kiến khác của bà Tereshkova là tái khởi động việc tính nhiệm kỳ lại từ đầu khi hiến pháp sửa đổi có hiệu lực.

"Về đề xuất dỡ bỏ hạn chế cho bất kỳ người nào, bất kỳ công dân nào, bao gồm cả tổng thống đương nhiệm được phép tranh cử trong tương lai… lựa chọn này là khả thi", người đứng đầu nước Nga nói.

Cùng lúc, ông Putin cũng bác bỏ tin đồn rằng Điện Kremlin có thể tổ chức bầu cử quốc hội sớm vào mùa thu vì cho rằng, đó là điều không cần thiết.

Duma Nga đã nhanh chóng tán thành các đề xuất sửa đổi với 382 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 44 phiếu trắng. Thời điểm được đề xuất cho ngày trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp là ngày 22/4.

Nhà lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny ngay lập tức đã thể hiện thái độ không hài lòng trước các diễn biến trên. "Ông Putin đã nắm giữ quyền lực trong 20 năm và giờ đây lại chuẩn bị tranh cử lần đầu tiên", ông Navalny viết trên Twitter.

Một nhóm các nhà hoạt động đối lập đã kêu gọi tổ chức một cuộc mít tinh phản đối vào ngày 21/3 sắp tới tại Moscow với hy vọng có tới 50.000 người tham dự.

"Quốc gia mà chính phủ không thay đổi trong vòng 20 năm sẽ không có tương lai", một nhà hoạt động kêu gọi.

Sau khi thông báo mít tinh được đưa ra, chính quyền Moscow đã ra lệnh cấm các sự kiện ngoài trời có sự tham gia của hơn 5.000 người cho tới ngày 10/4 và gọi đây là một trong những bước quan trọng để ngăn ngừa khả năng virus corona mới lây lan.

Tỷ lệ ủng hộ cho ông Putin vẫn giữ ở mức cao cho dù có hơi giảm trong thời gian gần đây do những khó khăn về kinh tế và mức sống giảm sút mà nước Nga đang phải đối mặt. Hiện chưa rõ liệu lực lượng đối lập được đánh giá là còn thiếu tổ chức và khá chia rẽ, có thể tạo ra được bất kỳ thách thức nào đối với Điện Kremlin hay không.

Trong tuần này, đồng rúp Nga giảm giá mạnh do giá dầu thế giới bất ngờ lao dốc sau khi Nga và OPEC không đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Diễn biến này có thể làm sâu sắc thêm các thách thức kinh tế cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới sự ủng hộ dành cho ông Putin.

"Có vẻ như tình hình khủng hoảng đã khiến ông Putin tháo mặt nạ, làm điều mà ông đã lên kế hoạch từ trước và thực hiện nó một cách nhanh chóng", nhà phân tích chính trị Abbas Gallyamov nhận định.

Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định trước quốc hội rằng, dịch bệnh COVID-19 và giá dầu giảm sẽ không khiến nước Nga rơi vào tình trạng bất ổn định.

"Nền kinh tế của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và các ngành công nghiệp chủ chốt sẽ trở nên quyền lực và cạnh tranh hơn", người đứng đầu nước Nga khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại