Cú đảo ngược ngoài sức tưởng tượng
Nền kinh tế Mỹ chậm lại vào năm ngoái với một phần tác động từ cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, nhiều công ty Mỹ tỏ ra lạc quan vào năm 2020 với một kế hoạch mở rộng để đón sóng, nhất là khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chỉ vài tuần sau năm mới.
Hoạt động xây dựng khách sạn ở Mỹ chưa bao giờ bận rộn hơn. Việc làm trong ngành hàng không liên tiếp leo lên mức cao nhất trong 16 năm. Doanh số bán lẻ tháng 12/2019 đã tăng liên tiếp tháng thứ 3 liên tiếp. Chi tiêu tiêu dùng hàng năm đạt kỷ lục 13,28 nghìn tỷ USD vào năm 2019.
Tuy nhiên, đó là tất cả những gì xảy ra trước khi virus corona tàn phá nước Mỹ.
Quay cuồng trong tác động của đại dịch, CEO các doanh nghiệp từ Macy’s tới Ford, từ McDonald’s tới American Airlines đều phải dùng chung 1 từ để mô tả về tác động: Chưa từng có. Cú đòn từ đại dịch xảy ra một cách nhanh chóng với quy mô khủng khiếp.
Tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ, vốn với xác lập kỷ lục thấp nhất trong 50 năm vào tháng 2, đã nhanh chóng bị đảo ngược lên mức cao chưa từng có kể từ Đại khủng hoảng. Mỹ mất 20,5 triệu việc làm trong tháng 4, một con số kỷ lục. Thậm chí, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo con số thất nghiệp gần 15% theo thống kê gần đây chưa phản ánh hết tình hình.
Đại dịch Covid-19 đã tồi tệ hơn cả tình huống xấu nhất mà lãnh đạo các quốc gia và doanh nghiệp có thể nghĩ tới. Thậm chí, Covid-19 và nỗ lực ngăn chặn nó còn khiến phần lớn các nền kinh tế rơi vào đình trệ. Cuộc khủng hoảng này buộc các công ty phải đóng cửa trong nhiều tuần, sa thải nhân viên cũng như thu hẹp ngân sách và chuyển sang các mô hình kinh doanh khách một cách nhanh chóng.
Đại dịch có khả năng gây ra một tình trạng tồi tệ với các nền kinh tế và kéo dài nhiều năm. Nó cũng nhắc nhở các doanh nghiệp về những thách thức trong hành trình phục hồi. Thậm chí, nó tạo ra một cái bóng lớn, làm thay đổi vĩnh viễn cách doanh nghiệp chi tiền, bán hàng hóa hay thậm chí điều hành kinh doanh.
Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard và là cựu chuyên gia kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết: "Đại dịch là lời nhắc nhở rõ ràng cho những cú sốc ngoài luồng có thể xảy ra. Việc không ngờ tới không có nghĩa là chúng không diễn ra".
Kế hoạch cho đại dịch
Các nhà sản xuất ô tô đã chuẩn bị hàng tỷ USD tiền mặt để chuẩn bị cho suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, ngay cả những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng theo chu kỳ kinh tế cũng không dự đoán được mức độ gián đoạn tài chính mà Covid-19 mang lại cho doanh nghiệp của họ.
"Tôi chưa bao giờ có một kế hoạch kinh doanh được gọi là đại dịch. Chúng tôi cũng chẳng bao giờ tưởng tượng đến việc nền kinh tế sẽ bị đóng cửa", Jim Hackett, CEO Ford, cho biết.
Khi bùng lên ở Trung Quốc, Covid-19 đã ngay lập tức cho thấy sức tàn phá khủng khiếp. Trong báo cáo hồi cuối tháng giêng, Greg Smith, CFO của Boeing gọi tác động của Covid-19 với giao thông hàng không "rõ ràng như mặt đồng hồ". Trung tuần tháng 2, Larry Culp, CEO General Electric, thì nói rằng còn quá sớm để ai đó có thể biết khi nào mọi người mới có thể trở lại cuộc sống bình thường. Cả 2 công ty này đều cắt giảm số lượng việc làm lớn trong vài tuần qua khi các nhà máy bị đóng cửa.
Trước khi dịch bệnh lan ra toàn cầu, tác động của nó chỉ là gián đoạn chuỗi cung ứng với việc hàng hóa từ Trung Quốc bị gián đoạn. Tuy nhiên, khi virus bùng lên trên khắp thế giới, một sự suy thoái trên tất cả các lĩnh vực xảy ra. Chỉ có hình thức bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà có thể được lợi từ tình trạng hàng trăm triệu người bị hạn chế ra đường này.
Thế giới với tính toàn cầu hóa và cạnh tranh cao với sự thay đổi liên tục về công nghệ đã làm bật lên một mô hình kinh doanh linh hoạt và dễ thích nghi sẽ là chìa khóa để vượt qua biến cố. Tuy nhiên, đại dịch đưa tầm quan trong của nó lên một cấp độ mới.
Ứng phó khẩn cấp
Đại dịch và các biện pháp cách ly xã hội nhằm ngăn chặn virus lây lan đã khiến các doanh nghiệp phải vật lộn để cắt giảm chi phí và giảm số lao động. Nó trái ngược hoàn toàn với những gì xảy ra chỉ vài tháng trước đây.
Các hãng hàng không đang chuẩn bị cho sự bùng nổ với việc đi lại tăng cao dường như không kịp trở tay với biến cố mới. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1950, thời kỳ chưa có máy bay phản lực thương mại. Các hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ đều chia sẻ điều này.
Theo dữ liệu của liên bang, các hãng hàng không Mỹ đã cắt giảm mạnh số lượng chuyến bay. Phần lớn các máy bay của họ rơi vào tình trạng không được sử dụng. Các hãng kêu gọi người lao động tình nguyện nghỉ việc không lương bởi thực chất, họ cũng chẳng có việc gì để làm.
25 tỷ USD đã được Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cấp cho ngành công nghiệp hàng không để giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, đồng nghĩa với đó, nợ của các doanh nghiệp cũng tăng cao dù đời sống của người lao động sẽ đỡ khó khăn hơn.
Không chỉ các hãng hàng không, những doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều sẽ phải có một sự thay đổi thần tốc để đáp ứng những điều kiện kinh doanh mới thười đại dịch. Khách hàng và người lao động sẽ là những đối tượng được sự ưu tiên nhiều nhất.
Những doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động trong dịch, chẳng hạn như Walmart, liên tục tuyển thêm lao động để đáp ứng nhu cầu công việc. Nhiều công ty đình chỉ kế hoạch mua lại cổ phiếu, đình chỉ trả cổ tức hay cắt giảm lương lãnh đạo để vượt qua thời khó khăn.
Một số doanh nghiệp chọn cách giảm lao động nhưng số khách chuyển đổi hình thức kinh doanh để đảm hạn chế tới mức thấp nhất việc sa thải. Công nghệ trở nên đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp đang vật lộn tìm cách chống dịch. Mua hàng trực tuyến và giao hàng tận nơi trở thành chìa khóa để tồn tại.
Pizza Hut là một ví dụ. Trong quá khứ, họ đã trút bỏ danh tiếng chuỗi cửa hàng pizza và đẩy mạnh bán hàng online và giao hàng tại nhà cho khách. Không ai muốn tới cửa hàng của Pizza Hut để ăn trong thời đại dịch buộc họ phải thay đổi để tồn tại. Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng nhờ vậy mà diễn ra nhanh hơn.
Trong khi đó, các hãng hàng không đẩy mạnh các chuyên bay chở hàng. Các nhà sản xuất ô tô, chẳng hạn như GM, chuyển sang sản xuất máy thở trong tình cảnh cuộc khủng hoảng thiếu vật tư y tế bao trùm cả thế giới…