Theo Oilprice, Ai Cập đang đàm phán với Mỹ và các công ty nước ngoài khác để mua khối lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn trong bối cảnh nước này tìm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu điện trong nước.
Quốc gia Ả Rập có dân số đông đúc nhất này đã trở lại là nhà nhập khẩu ròng, mua hàng chục lô hàng trong năm nay và từ bỏ kế hoạch trở thành nhà cung cấp cho châu Âu trong bối cảnh sản lượng khí đốt trong nước sụt giảm mạnh.
Cũng theo số liệu từ Oilprice, nguồn cung trong nước của Ai Cập đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm vào tháng 9, chủ yếu do sản lượng từ mỏ khí đốt Zohr giảm và mức tiêu thụ điện năng cao hơn.
Năm 2015, Eni đã phát hiện mỏ khí đốt khổng lồ Zohr ở ngoài khơi Địa Trung Hải, cách thành phố Port Said khoảng 190 km về phía Bắc. Đây là mỏ khí đốt lớn nhất được phát hiện tại Địa Trung Hải, giúp Ai Cập có thể tự cung cấp khí đốt và hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt trong khu vực.
Ai Cập trở thành một trong những vị cứu tinh cho châu Âu sau khi Nga hạn chế lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống. Theo Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập, nước này xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng vào năm 2022, trị giá khoảng 8,4 tỷ USD.
Dữ liệu từ công ty tư vấn Energy Aspects cho thấy sản lượng khí đốt trong nước dự kiến sẽ giảm thêm 22,5% vào cuối năm 2028. Trong khi đó, các nhà phân tích dự đoán mức tiêu thụ điện năng của nước này sẽ tăng 39% trong thập kỷ tới.
“Bộ Xăng dầu quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung cấp trong ba hoặc bốn năm để phòng ngừa sự tăng giá đột ngột", nguồn tin trong ngành cho biết. Cairo đang đàm phán chủ yếu với các công ty Mỹ và các công ty nhận đầu tư từ Mỹ, do tính linh hoạt của họ so với các nhà sản xuất khác.
Ai Cập, quốc gia đã trả phí bảo hiểm từ 1 đến 2 USD cho các giao dịch mua LNG để đảm bảo việc giao hàng vào đầu năm nay, dự kiến sẽ phát hành gói thầu tìm kiếm tới 20 lô hàng LNG để đáp ứng nhu cầu trong quý 1 năm 2025.
Giá LNG giao ngay gần đây đã tăng lên khoảng 14,50 USD/ mmBtu từ mức khoảng 12 USD/mmBtu khi Cairo bắt đầu đấu thầu LNG, làm tăng chi phí của các lô hàng mới vào thời điểm đất nước này đang gặp khó khăn về ngoại tệ. Công ty phân tích dữ liệu Kpler đã báo cáo vào tháng trước rằng Ai Cập dự kiến sẽ lắp đặt đơn vị tái chế lưu trữ nổi (FSRU) thứ hai vào đầu năm tới.
Dữ liệu theo dõi tàu của Kpler cho thấy kể từ đầu tháng 11 chỉ có 4 chuyến hàng LNG đã chuyển hướng từ Ai Cập sang châu Âu.