4 tổ hợp Pantsir-S1 khiến 16 tiêm kích Thổ hoảng hốt tháo chạy?
Mới đây, trang thông tin hàng không Avia-Pro cho biết ngày 18/4/2020, khi phát hiện một số mục tiêu lạ mà sau này được xác định là 16 tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển trên Địa Trung Hải, 4 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã ngay lập tức chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Ngay sau khi phát hiện mình đang bị chiếu radar và đối phương sẵn sàng khai hỏa, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ đành phải rút lui ngay lập tức. Ankara hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin nói trên.
Theo al-Masdar News, căn cứ vào việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tích cực hỗ trợ đồng minh Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) có trụ sở tại Tripoli - đối thủ của LNA, nhiều chuyên gia cho rằng 16 chiếc tiêm kích nói trên áp sát Libya là để tiến hành không kích quy mô lớn.
Tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một bài viết được đăng trên tờ France 24 vào tháng 1/2020, nhà phân tích chuyên sâu về Thổ Nhĩ Kỳ tại tạp chí quốc phòng Jane's có trụ sở tại Anh, Ege Seckin nhận định:
"Nhiều khả năng GNA đang yêu cầu Thổ hỗ trợ quân sự mạnh hơn nhằm bảo vệ Tripoli khỏi các cuộc tấn công của LNA, đó có thể là việc triển khai tiêm kích F-16 cùng với tàu chiến tới tham chiến ở Libya".
Tuy nhiên, việc tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ vượt hàng nghìn km qua Địa Trung Hải để tới được Libya là một thách thức kỹ thuật rất lớn. Nhà phân tích Seckin bổ sung:
"Các căn cứ của GNA không có đủ cơ sở hạ tầng phục vụ các máy bay chiến đấu theo chuẩn NATO và vị trí của chúng trên chiến trường Libya rất dễ trở thành mục tiêu trực tiếp của LNA. Chính vì vậy, các máy bay tiếp dầu sẽ phải liên tục tiến hành hỗ trợ tiêm kích Thổ vượt biển".
Sinan Ulgen, nhà phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách và kinh tế đối ngoại có trụ sở tại Istanbul bình luận:
"Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có năng lực, nhưng vì Libya ở khá xa nên họ đang bộc lộ các điểm yếu. Thứ nhất là khó khăn trong công tác hậu cần và thứ hai là Ankara không thể triển khai đủ máy bay tới đây để đảo ngược tình thế chiến trường".
Các máy bay tiếp dầu của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Đông Địa Trung Hải - hoạt động được cho là tiếp nhiên liệu cho tiêm kích F-16 hôm 18/4.
Thổ học Israel hủy diệt Pantsir-S1 của LNA?
Vụ việc ngày 18/4 cũng là lần đầu tiên tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của LNA và đồng minh công khai đối đầu với tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Libya.
Cần nhấn mạnh rằng với việc liên tiếp hạ gục hàng chục máy bay không người lái tấn công (UCAV) do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, tổ hợp này cũng đã bắn rơi các tiêm kích MiG-23UB, L-39 và Mirage F-1 của lực lượng GNA ở Libya.
Tổ hợp Pantsir-S1 được đưa tới Libya vào tháng 6/2019. Dựa vào hình ảnh được các nhân chứng cung cấp, biến thể Pantsir-S1 này được đặt trên khung gầm xe tải bọc thép MAN SX45 8x8 do Đức sản xuất thay vì xe tải KamAZ thường thấy trên các tổ hợp Pantsir-S1 tiêu chuẩn.
Tổ hợp Pantsir-S1 được UAE đưa tới chiến trường Libya năm 2019.
Việc biến thể này chỉ phục vụ trong lực lượng vũ trang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã xác thực thông tin máy bay vận tải hạng nặng C-17A GlobeMaster III của Không quân UAE vận chuyển thẳng chúng tới tay lực lượng LNA.
Tại Trung Đông, các cuộc đụng độ giữa F-16 và Pantsir-S1 chủ yếu diễn ra ở Syria, nơi tiêm kích Israel thường xuyên tiến hành các cuộc không kích vào vị trí của lực lượng phòng không nước này.
Trong liên tiếp 2 năm 2018 và 2019, tiêm kích Israel đã liên tục thâm nhập không phận các quốc gia láng giềng (chủ yếu là Lebanon), tiếp cận biên giới Syria để phóng tên lửa hành trình hoặc UCAV IAI Harop/Harpy 2 chuyên dụng diệt các tổ hợp Pantsir-S1.
Hình ảnh chiếc UCAV Israel lao vào phá hủy tổ hợp phòng không Nga đang khai hỏa đã gây ấn tượng mạnh và được cho là phương án duy nhất để có thể tiêu diệt được "đối thủ khó nhằn" này.
Vào đầu tháng 4/2020, một UCAV có thiết kế khá tương đồng với IAI Harop rơi gần thành phố Sabha do LNA kiểm soát nằm ở tây nam Libya.
Theo LNA, những mảnh vỡ được tìm thấy là chi tiết vô cùng quan trọng giúp các chuyên gia quân sự xác định được "tên tuổi" loại UAV này.
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nằm trong một số ít quốc gia có thể sản xuất máy bay không người lái quân sự tiên tiến trên thế giới, nên việc họ sở hữu công nghệ tiệm cận UCAV IAI Harop/Harpy 2 của Israel là điều khá dễ hiểu.
Bằng chứng về UCAV tương tự IAI Harop của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Libya được kênh truyền thông của LNA đăng tải.
Kết luận
Tuy nhiên, chỉ khi Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng được chiến thuật của Không quân Israel là khai hỏa tên lửa và phóng UCAV tới các mục tiêu Syria từ Thung lũng Bekaa ở Lebanon (khoảng cách chỉ vài chục tới dưới 200 km), họ mới có cơ may hủy diệt Pantsir-S1 của LNA.
Từ những gì đã diễn ra ở Địa Trung Hải hôm 18/4 cho thấy nỗ lực "lật ngược thế cờ" của Thổ ở Libya còn phải vượt qua một rào cản lớn về công nghệ quân sự cũng như nghệ thuật tác chiến đường không, điều mà Israel đã mất hàng chục năm chiến tranh mới có được.
Nhưng vấn đề lớn nhất ở thời điểm hiện tại, có lẽ là thời gian. Người Thổ sẽ không thể "cứu vớt" đồng minh GNA nếu các mũi tiến quân của LNA ở miền tây nước này tiếp tục áp sát thủ đô Tripoli và thành phố cảng Misrata.
Chuyên gia Seckin đưa ra kết luận: "Trong thập kỷ qua, Ankara đã chuyển từ chính sách "không có vấn đề gì với láng giềng" sang "không có gì ngoài vấn đề với láng giềng.
Họ đang phải đối mặt với một mặt trận thống nhất gồm Israel, Cyprus, Hy Lạp, Ai Cập và giờ là Libya.
Một thực tế đơn giản là Thổ Nhĩ Kỳ hiện không có phương án nào khác để lựa chọn. Giải pháp thay thế cho việc triển khai (không quân và hải quân) là Ankara sẽ phải chấp nhận mất đi đồng minh cuối cùng ở Đông Địa Trung Hải".
Tổ hợp Pantsir-S1 cùng các xe cơ giới của LNA như xe tăng T-54/55, pháo phản lực 107mm H-12 (Type 63) và xe bán tải gắn súng máy được vận chuyển tới khu vực chiến sự tại Tripoli.