Sau khi chê người già và trẻ em đắm đuối nghe nhạc Bolero là thụt lùi, Tùng Dương đã phải "hứng chịu" rất nhiều lời chỉ trích từ đồng nghiệp và khán giả hâm mộ dòng nhạc này.
Những tưởng, Tùng Dương sẽ tránh xa dòng nhạc mà anh không mấy mặn mà. Thế nhưng trong đêm nhạc Imagine diễn ra vào tối 24/12 tại Hà Nội, Tùng Dương đã khiến nhiều người "sốc" khi thể hiện một đoạn trong ca khúc 2 mùa Noel của nhạc sĩ Đài Phương Trang và tuyên bố: "Tôi cũng có thể hát được Bolero".
Sau khi clip Tùng Dương hát Bolero được phát tán lên mạng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều.
Tùng Dương hát Bolero.
Nổi tiếng nhờ lĩnh vực hài kịch nhưng với khán giả hâm mộ, Vượng Râu còn là một giọng hát nhạc Bolero đi vào lòng người. Nhận xét về phần trình diễn của Tùng Dương, anh cho biết:
"Hát Bolero ca sĩ thường mặc vest hoặc áo dài chứ chẳng ai mặc diêm dúa. Nếu hát vui thì được còn hát thật thì không nên. Theo clip mọi người chia sẻ thì chắc phải 15 năm nữa bạn ấy mới hát được dòng nhạc này.
Sự văn minh của Bolero ở chỗ kể chuyện bằng âm nhạc và bản phối văn minh chứ không phải mang bản phối và dàn nhạc ra dọa. Hài và ca nhạc đang lẫn lộn ở chỗ, ép nghe và người ta tự nghe".
Khi hỏi Tùng Dương hát đã có tý chất nào Bolero chưa và ca khúc Hai mùa Noel có đúng là thuộc dòng nhạc Bolero không? Vượng Râu trả lời:
"Chất giọng Tùng Dương hay tôi nghĩ bạn ấy sẽ hát được Bolero nhưng chưa phải lúc này. Bởi vì Bolero cần vốn sống, cần trữ tình và kể chuyện bằng âm nhạc. Khi nào mà nghệ sĩ không diễn nữa hoặc đạt độ diễn như không diễn thì sẽ hát được Bolero.
Còn bài Hai mùa Noel là dòng nhạc trữ tình không phải mang âm hưởng Bolero. Tôi nghĩ chúng ta đừng tự ép và áp đặt sang hay không sang, bình dân hay cao cấp, Bolero hay tân tiến để làm gì".
Nghệ sĩ Vượng Râu.
Với ý kiến Tùng Dương trẻ con, hiếu thắng khi chê Bolero rồi lại cố hát để khẳng định mình cũng làm được chẳng qua là không thích, Vượng Râu lại có suy nghĩ khác số đông:
"Tôi nghĩ nghệ sĩ chúng tôi đôi khi bốc đồng vậy thôi chứ không có ý gì. Tùng Dương có giọng hát hay mà thậm chí cả anh Trọng Tấn, tôi nghĩ cũng hát được Bolero nhưng vấn đề hát cho ra thì phải vứt cái tên "nhạc viện" đi.
Tức là Bolero không cần kỹ thuật mà cần cái thần, cái hồn. Giống như dân ca hay hài, có những nghệ sĩ thuộc biên chế nhà hát, diễn cứng hơn nghệ sĩ tự do vì họ quá khuôn mẫu và khô cứng. Họ thiếu sự tinh tế, mềm mại nên khi ra thực tế là vỡ trận. Còn chỉ tụm lại hát, diễn cho nhau thì được vỗ tay ầm ầm".
Hỏi thêm Vượng Râu rằng: "Từ trường hợp của Tùng Dương, có thấy nghệ sĩ nên tiết chế trong phát ngôn để tránh rơi vào trường hợp "cười người hôm trước hôm sau bị cười" không?, Vượng Râu thẳng thắn chia sẻ ý kiến của mình:
"Tôi nghĩ, nghệ sĩ phải như thế mới vui. Nhưng nói thẳng nói thật như tôi khác hẳn với việc dìm hay hạ bệ người khác.
Nói thẳng nói thật là mang tính xây dựng còn hạ bệ là "dìm hàng" không thừa nhận tài năng cũng như dòng nhạc loại hình nghệ thuật đang được công chúng đón nhận".