1. Một lần nữa báo mạng đã xuất sắc trong việc tạo ra một bài viral. Cái câu "Bolero kéo lùi nền âm nhạc" anh Tùng Dương nói cách đây mấy năm, nay anh chỉ xác nhận lại lần nữa, vậy mà vẫn có thể trở thành một bài hot.
Với những ai chỉ đọc tít mà không đọc bài, câu ấy nghe chối tai thật. Bởi vì bolero đang trở thành nguồn dinh dưỡng chủ đạo của nền âm nhạc Việt Nam. Người người hát bolero, nhà nhà hát bolero, mở TV ra là thấy bolero, từ sân khấu cho đến gameshow.
Bolero cách đây vài năm hãy còn là một món ăn dân dã. Nó như món ba khía đậm đà sau khi đã ngấy với cao lương mỹ vị ngoài kia. Rồi đùng một cái cả nước ăn ba khía. Sáng ba khía, chiều ba khía, tối ba khía. Khuya đói quá chế mì gói ăn với ba khía nốt. Ôi trời!
"Tùng Dương nói thật đúng, nếu cả nước xúm vào nghe bolero, chúng ta chỉ kéo lùi một nền âm nhạc", tác giả Nguyễn Thanh Bình đưa quan điểm.
Thay bất kỳ bolero bằng một thể loại khác, đấy đã là một điều bất thường. Khi cả nước chạy theo một trào lưu, chúng ta bỏ quên tất cả những mảng khác của âm nhạc. Mãi chạy theo thị hiếu, nuông chiều khán giả, đấy không phải là lựa chọn của những nghệ sĩ thực sự.
Cơn cuồng bolero của dân ta khiến tôi nhớ lại hơn mười năm trước, chỉ thay bolero bằng nhạc Trịnh Công Sơn. Nhạc Trịnh từ chỗ bị xem là cấm kỵ bỗng dưng trở thành mốt. Các chàng trai cua gái đều thủ dăm ba bài nhạc Trịnh.
Ca sĩ thi nhau ra album nhạc Trịnh, dù từ hải ngoại trở về như Elvis Phương hay đang nổi danh trong nước như Phương Thanh.
Người ta xếp hàng vào xem liveshow ngày mất của Trịnh ở Bình Quới dài mấy cây số. Tôi từng dự một buổi. Trong khi Đức Tuấn hát "Người già em bé" rất hay ở trên thì ở dưới một cô gái nói với chàng trai của mình: "Sao nãy giờ toàn là bài dở vậy? Sao không thấy Diễm xưa?"
Bolero đã có sức sống và khán giả riêng của nó. Và nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Ta vẫn có thể nghe lại, nhưng nó là thứ âm nhạc hoài niệm chỉ để nghe với liều lượng vừa phải, thay vì cứ phải gồng mình biến nó thành cao lương mỹ vị.
Tùng Dương nói thật đúng, nếu cả nước xúm vào nghe bolero, chúng ta chỉ kéo lùi một nền âm nhạc. Bởi vì ta mải mê nuông chìu khán giả mà không nâng khả năng cảm thụ của họ lên.
Tôi trân trọng những nỗ lực làm mới bolero, nhưng số lượng ấy quả ít. Những bản phối xuất sắc như "Thành phố buồn" vừa cổ kính lại vừa hiện đại của Hoài Lâm và Hà Lê chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn những gameshow đào tạo ra Như Quỳnh mới, Hoàng Oanh mới có bao giờ tự hỏi: tại sao tôi phải nghe bản sao của Như Quỳnh khi đã có Như Quỳnh xịn?
Thế nên nghe nhạc gì là chuyện của cá nhân. Nhưng việc cổ xúy quá mức bolero là điều thực sự bất ổn.
2. Nữ hoàng nhạc pop (cái này fan bảo chứ tôi không bảo) Mỹ Tâm cũng bắt đầu hát bolero. Những ca sĩ lừng danh đương thời cũng rục rịch ra bolero. Và khi bolero là nguồn nuôi sống của không ít chương trình truyền hình, thì gọi Ngọc Sơn là giáo sư âm nhạc có gì sai?
"Khi bolero là nguồn nuôi sống của không ít chương trình truyền hình, thì gọi Ngọc Sơn là giáo sư âm nhạc có gì sai?"
Vậy ai là người hát bolero đầu tiên ở trong nước? Ngọc Sơn chứ ai? Gọi anh là tượng đài âm nhạc không sai chút nào. Fan anh đông như kiến. Anh không chỉ hát, anh còn sáng tác.
Anh quất láng từ bolero đến kích động nhạc. Không chỉ hát, sáng tác mà còn đào tạo. Được anh Ba Ngọc Sơn nhận làm đệ tử thôi là đã có thể vác mặt nhìn đời, vác micro lên sân khấu rồi. Anh không giáo sư thì ai giáo sư?
Và với đà bolero được tôn vinh này, chúng ta sẽ có Phó giáo sư Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên sớm thôi.
3. Âm nhạc phải mang hơi thở thời đại. Nó có thể có chút hoài nhớ của quá khứ, nhưng phải nhìn về tương lai. Vậy tôi xin hiến một cái tên free cho bạn nào muốn đi theo con đường khai phá vừa nói: NGỌC SƠN TÙNG M-TP!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!