Từng được TT Putin khen tốt nhất thế giới, "sát thủ chiến trường" Nga đứng hình khi bị Ukraine tấn công

An An |

Cứ mỗi chiếc xe tăng T-90M bị Ukraine phá hủy, Nga lại đánh mất khoảng 4,5 triệu USD.

Theo Forbes ngày 24/5, T-90M là mẫu xe tăng chiến đấu hiện đại nhất, tiên tiến nhất của quân đội Nga, được mệnh danh là siêu tăng sát thủ chiến trường.

Đặc biệt, đây cũng là dòng xe tăng được Tổng thống Vladimir Putin tán dương là xe tăng tốt nhất thế giới, trong chuyến thăm nhà máy quân sự của tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ) hồi tháng 2.

Phiên bản mới nhất của xe tăng T-90M có pháo chính 125 mm, máy tính đạn đạo cùng lớp bọc thép (bộ giáp) phức hợp nhiều lớp tinh vi, các module giáp phản ứng nổ Reklit, bộ thiết bị điện tử tiên tiến với kính ngắm toàn cảnh, ảnh nhiệt và hệ thống thông tin liên lạc kỹ thuật số được mã hóa.

Theo Forbes, dù được đánh giá cao nhưng khi hoạt động thực tế thì T-90M lại xuất hiện một khuyết điểm chưa từng thấy ở các xe tăng Nga trước đây: Ngay cả một hư hại nhỏ cũng khiến tháp pháo quay không kiểm soát, khiến tăng T-90M không thể tiếp tục chiến đấu.

"Lỗi này được gọi là hội chứng tháp pháo quay có thể giúp lý giải tại sao Nga lại tổn thất nhiều tăng T-90M trong chiến đấu, cũng như lý giải tại sao có rất nhiều chiếc T-90M bị đạn từ máy bay không người lái thả qua cửa sập phá hủy", Forbes nhận định.

Hội chứng tháp pháo quay của T-90M

Lỗi tháp pháo quay tròn điển hình nhất xảy ra trong cuộc đọ sức giữa một chiếc T-90M của Nga và hai chiếc xe thiết giáp M2 Bradley của Ukraine.

Trên thực địa, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley liên tục nã đạn pháo 25mm về phía T-90M. Về mặt lý thuyết, đây là hành động vô nghĩa bởi lớp giáp phía trước dày dặn của T-90M có thể chặn đứng các mối đe dọa từ những loại đạn cỡ nhỏ.

Tuy nhiên, sau một hồi bị tấn công, tháp pháo T-90M bắt đầu quay theo chiều kim đồng hồ.

Việc tháp pháo quay mất kiểm soát có nghĩa là kíp tăng Nga không có cơ hội bắn trả chính xác và xe của họ giờ đây trở thành một mục tiêu "dễ ăn" của đối phương. Tháp pháo của chiếc tăng này tiếp tục quay cho đến khi nòng pháo va vào một cái cây khiến nó dừng lại. Chiếc xe tăng sau đó đã bị máy bay không người lái phá hủy.

Xe tăng T-90M của Nga gặp lỗi tháp pháo quay tròn

Một ví dụ khác được ghi hình vào khoảng ngày 10/5, một chiếc T-90M bị tấn công bởi một loạt máy bay không người lái FPV.

Khi quả đạn thứ 2 từ UAV FPV tiếp cận và gây ra vụ nổ, tháp pháo T-90M bắt đầu quay. Giữa chừng tháp pháo dừng lại một chút, có lẽ lúc này kíp tăng đang cố gắng kiểm soát nhưng rồi nó lại bắt đầu quay.

Xe tăng T-90M Nga gặp lỗi tháp pháo quay tròn

Trong một trường hợp khác vào tháng 12/2023, cuộc tấn công của UAV FPV vào tháp pháo của một chiếc T-90M gây ra hiện tượng trông giống như khiến nó hư hại bề ngoài, làm sập lồng chống UAV trên nóc và khiến tháp pháo quay theo chiều kim đồng hồ.

Xe tăng T-90M của Nga gặp lỗi tháp pháo quay tròn

Hay ở sự vụ cũng từ tháng 12, một chiếc T-90M đang di chuyển trên đường đã bị FPV tấn công. Đòn đánh đầu tiên không có tác dụng, đến đòn đánh thứ hai, tháp pháo lại bắt đầu quay theo chiều kim đồng hồ.

Xe tăng T-90M Nga gặp lỗi tháp pháo quay tròn

Nguyên nhân khiến tháp pháo T-90M quay mất kiểm soát

Giả thuyết đầu tiên cho rằng, đạn được thả xuống từ UAV đã xuyên qua tháp pháo khiến một lính tăng bị thương hoặc thiệt mạng và ngã về phía trước đè lên bộ điều khiển, gây ra sự quay tháp pháo mất kiểm soát theo chiều kim đồng hồ.

Tuy vậy, trong nhiều trường hợp thực tế, cả kíp tăng đã thoát nạn bỏ chạy khỏi chiếc xe tăng bị tấn công mà dường như không ai bị thương.

Giả thuyết thứ hai liên quan đến hệ thống điều khiển hỏa lực. Giống như các xe tăng hiện đại khác, pháo của T-90M có tính năng ngắm bắn tự động, giúp tháp pháo xoay để khóa nòng vào mục tiêu được chỉ định. Nhưng có thể do đối phương tấn công khiến hệ thống quang học của tăng T-90M bị lỗi và gửi tín hiệu sai đến hệ thống điều khiển hỏa lực, khiến tháp pháo quay không kiểm soát.

Giả thuyết thứ ba liên quan đến hệ thống phòng thủ của xe tăng. T-90M có bộ thu phát cảnh báo laser, có chức năng cảnh báo khi xe tăng bị chiếu sáng bằng tia laser.

Ngoài cảnh báo, hệ thống còn tự động xoay tháp pháo xung quanh để pháo chính bắn pháo sáng đặc biệt nhằm đánh lừa hệ thống dẫn đường bằng laser của đối phương. Do bộ phận cảm biến được lắp ngoài thân xe nên bất cứ hư hại nào cũng có thể gây ra tín hiệu sai dẫn đến tháp pháo quay.

Ngoài ra, không giống như các xe tăng trước đây của Nga, T-90M sử dụng động cơ điện để điều khiển tháp pháo thay vì hệ thống thủy lực nên mạch điện cũng có thể là nguyên nhân gây ra sự cố tháp pháo quay mất kiểm soát.

Từng được TT Putin khen tốt nhất thế giới, "sát thủ chiến trường" Nga đứng hình khi bị Ukraine tấn công- Ảnh 1.

Xe tăng "mai rùa" của Nga. Ảnh: Forbes

Khắc phục lỗi như thế nào?

Theo Forbes, là biến T-90M thành 'xe tăng mai rùa' thì có thể khắc phục lỗi tháp pháo quay.

Đây là những cải tiến đã xuất hiện trên thực địa chiến trường Ukraine: Lớp giáp kim loại bao phủ gần như toàn bộ tháp pháo và thân xe. Lớp giáp này nhằm giảm thiểu tác động của các cuộc tấn công từ UAV FPV nhưng nó lại khiến xe tăng chịu thêm trọng tải, giảm tầm nhìn và hạn chế khả năng quay của tháp pháo.

Cải tiến này có thể được nhìn thấy ở các dòng tăng T-72, T-80 và T-62.

Hiện nay, giá một chiếc tăng T-90M được cho có giá khoảng 4,5 triệu USD và được sản xuất với số lượng nhỏ, khoảng 5-10 chiếc/tháng, tại nhà máy sản xuất xe tăng duy nhất của Nga.

Do đó, mỗi khi lỗi tháp pháo quay mất kiểm soát xảy ra, Nga sẽ đánh mất hàng triệu USD cho loại vũ khí tốt nhất.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại