- Với sự ổn định, Việt Nam đang ngày càng nổi lên thành điểm thu hút đầu tư và trở thành mắt xích của các sáng kiến kinh tế do các cường quốc dẫn đầu.
Tạp chí “ Interregional - إنترريجونال” của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) phát hành bằng tiếng Ả Rập, chuyên phân tích các vấn đề chiến lược liên khu vực, trong số ra gần đây, đã có bài viết ca ngợi đường lối “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam.
Với sự leo thang cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây, Đông Nam Á trở thành một trong những khu vực chính của sự cạnh tranh này. Bất chấp sự cạnh tranh chiến lược này, nhiều người trong khu vực tin rằng cạnh tranh là cần thiết để duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực.
Việt Nam, quốc gia trước đây đã phải hứng chịu các cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với nhiều cường quốc trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nay đã cố gắng tận dụng tối đa sự cạnh tranh nhằm tạo ra môi trường hòa bình và ổn định để tập trung phát triển kinh tế.
Lãnh đạo các cường quốc "đổ" về Hà Nội
Nửa cuối năm 2023, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm thu hút sự quan tâm đặc biệt của quốc tế, khi chỉ trong vòng vài tháng đã đón tiếp hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.
Tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thăm Việt Nam, đỉnh cao là thỏa thuận lịch sử nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất của Việt Nam là “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.
Ba tháng sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Hà Nội, gặp Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và hai bên nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai”.
Tạp chí The Economist (Anh) cho rằng, “Việt Nam đã khéo léo đặt mình vào vị trí nằm giữa Trung Quốc và Mỹ, khiến hai siêu cường phải tìm cách tranh thủ”, khi Việt Nam thi hành chính sách “ngoại giao cây tre” cân bằng các lợi ích và cạnh tranh đan xen giữa các nước lớn.
Mới đây nhất, Việt Nam đã tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước trong hai ngày 19-20/6. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước đã ký kết các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, năng lượng, tư pháp, thể dục thể thao...
Quan hệ với các cường quốc tầm trung trong khu vực cũng đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tháng 6/2023 bắt đầu với sự xuất hiện của Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại Hà Nội.
Sau chuyến thăm của ông Albanese, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tới Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á sau khi nhậm chức.
Ngoài việc trao đổi các đoàn cấp cao này, cả Mỹ và Trung Quốc đều đưa Việt Nam vào quá trình hoạch định chính sách đối ngoại. Bên cạnh Singapore, quốc gia tham gia trực tiếp vào Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ, Việt Nam trở thành nước duy nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được mời tham gia một số sáng kiến mới do Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu.
Điều đáng chú ý là Việt Nam được nhắc đến trong nhiều văn bản chiến lược của các liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Canada, Pháp, Anh, Đức, Hàn Quốc. Các nước này ưu tiên hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như xây dựng cộng đồng Pháp ngữ và quyền của phụ nữ (Canada), quốc phòng và quân sự (Canada và Pháp), giáo dục và khoa học (Đức và Pháp), nhà nước pháp quyền (Đức), và đầu tư (Hàn Quốc).
Dòng vốn đầu tư vào Việt Nam
Về thương mại, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước ngày càng gia tăng trong những năm qua.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tổng trị giá 109 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022, tiếp theo là Trung Quốc, chiếm 16%. Về nhập khẩu, gần 1/3 kim ngạch hàng nhập khẩu của Việt Nam là từ Trung Quốc, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Đông Á gộp lại chiếm 59%.
Năm 2023 chứng kiến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt mức cao nhất với tổng số vốn lên tới 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Do cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản để giúp Hà Nội giải quyết vấn đề nan giải này.
Washington cũng đã cam kết đầu tư vào sự phát triển của Việt Nam như một phần của quan hệ đối tác đang phát triển. Tuy nhiên, các khoản đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, mặc dù có tầm quan trọng, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu cơ sở hạ tầng cấp bách của Việt Nam. Thay vào đó, Mỹ thường tài trợ cho sự phát triển dài hạn trong các lĩnh vực như nông nghiệp, biến đổi khí hậu, y tế...
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden tháng 9/2023, Washington đã tuyên bố hợp tác với Hà Nội để khám phá các cơ hội phát triển hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu, bằng cách hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của riêng mình, một ngành về lâu dài có thể mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, hai tập đoàn năng lượng nhà nước của Nga là Zarobzneft và Gazprom đang tham gia vào các dự án thăm dò và sản xuất trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh sự tham gia của các công ty năng lượng vào các dự án của mình. Đây không chỉ là nguồn vốn và chuyên môn kỹ thuật quan trọng mà còn khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), trong đó quyết định cách thức phát triển trữ lượng hydrocarbon trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam
Có nhiều lý do thúc đẩy các cường quốc tăng cường hiện diện tại Việt Nam, nơi có đủ khả năng để đóng vai trò then chốt trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị trong khu vực, có lẽ nổi bật nhất là những lý do sau:
Việt Nam được coi là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đã trải qua các cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với nhiều cường quốc trong Chiến tranh Lạnh. Những cuộc đối đầu này do nhiều yếu tố địa chiến lược tác động đến khu vực.
Có thể nói, cuộc cạnh tranh ba bên giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga này có nguồn gốc từ thời Chiến tranh Lạnh, thời kỳ mà chúng ta đã bắt đầu thấy đang quay trở lại trong những năm gần đây.
Việt Nam không những vẫn tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với Trung Quốc, đồng thời tiếp tục hưởng lợi từ các cơ hội chuyển giao công nghệ và đầu tư từ Mỹ. Vì vậy, có thể nói chính sách ngoại giao của Việt Nam được hoạch định rất kỹ lưỡng.
Điều này thể hiện rõ qua mối quan hệ ngày càng phát triển của Việt Nam với các đối tác lớn. Việt Nam gần đây đã nâng cấp quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Australia lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái, hai nước cũng thể hiện sự ủng hộ tầm nhìn về một “cộng đồng chia sẻ tương lai”.
Cơ hội của nền kinh tế Việt Nam
Ngoài những yếu tố từ vị trí địa lý, nền kinh tế Việt Nam cũng có sẵn những tiềm năng.
Công cuộc Đổi mới mà Việt Nam theo đuổi từ năm 1986 đang đưa đất nước hướng tới trở thành một trong những “Con hổ kinh tế của châu Á”. GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương đã tăng gấp 8 lần trong 20 năm qua, đưa Việt Nam trở thành một ứng viên nặng ký để gia nhập phân khúc trên của các nền kinh tế có thu nhập trung bình.
Mặc dù bị ảnh hưởng trong thời kỳ đại dịch Covid-19, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi, đạt mức tăng trưởng 8% năm 2022, sau đó có giảm xuống 4,7% năm 2023 nhưng dự kiến sẽ phục hồi và tăng lên 5,8% trong năm nay.
Điều này mang lại cho Việt Nam một vị thế tốt để tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt khi quốc gia Đông Nam Á trở nên cởi mở hơn trong thương mại so với các đối tác khác trong khu vực. Năm 2022, hoạt động thương mại của Việt Nam tương đương 186% GDP, so với 45% của Indonesia, 72% của Philippines và 134% của Thái Lan, chưa kể lực lượng lao động với chi phí phải chăng ở Việt Nam cũng là lợi thế cạnh tranh trước thị trường Trung Quốc khi chi phí lao động tại đây bắt đầu tăng.
Ngoài những điều nêu trên, đất nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp đã trở thành một trong những "trung tâm chế tạo và lắp ráp" của châu Á. Ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh từ cuối những năm 2000, nhưng Việt Nam không phải lúc nào cũng hài lòng với tình trạng này mà cần có một vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Do đó, chính phủ đang thực hiện một số biện pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của các công ty địa phương để họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao nhằm củng cố cơ sở công nghiệp địa phương của Việt Nam.
Hiện nay, các nhà đầu tư ngày càng chuyển dịch hoạt động sản xuất sang Việt Nam như một điểm đến thay thế ở châu Á với ít rủi ro hơn.
Trong chuyến thăm Hà Nội tháng 7/2023, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mô tả Việt Nam là đối tác quan trọng và như một giải pháp thay thế phù hợp để đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu những cú sốc toàn cầu và rủi ro địa chính trị.
Đối với Việt Nam, những nỗ lực của phương Tây đang giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, ưu tiên chất bán dẫn, sản xuất xe điện và chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Việt Nam nhiều lần khẳng định nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Đất nước tập trung vào việc đạt được sự phát triển kinh tế - điều mà Việt Nam đã tương đối thành công cho đến nay. Nhờ quản lý tốt mối quan hệ với hai cường quốc thế giới, bản thân các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn trong những năm gần đây, một phần do mong muốn tránh thuế quan áp đặt kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ năm 2018.
Những tương tác tích cực gần đây với cả Mỹ và Trung Quốc cho thấy chính sách cân bằng của Việt Nam trong việc quản lý quan hệ với các cường quốc đến nay đã đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế đang thay đổi đặt ra những thách thức đòi hỏi Việt Nam phải liên tục thích ứng và điều chỉnh chiến lược của mình, chủ yếu trong số đó là cạnh tranh giữa các nước lớn, tình hình ở Biển Đông, các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, cũng như các mối đe dọa xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu hay dịch bệnh.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại