Từng có thời huy hoàng, nay láng giềng tăng nhập khẩu 1 sản vật của Việt Nam

Dy Khoa |

So với tháng 10/2023 tăng tới 861% về lượng và tăng 1.240% về trị giá.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 224,95 nghìn tấn, trị giá 429,01 triệu USD, So với tháng 10/2023 tăng 3% về lượng và tăng 46% về trị giá. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp xuất khẩu cao su tăng so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân cao su xuất khẩu đạt 1.907 USD/tấn, tăng 41,7% so với tháng 10/2023. 

Lũy kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 1,54 triệu tấn, trị giá trên 2,52 tỷ USD, giảm 4,9% về lượng, nhưng tăng 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân cao su xuất khẩu đạt 1.638 USD/tấn, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.

10 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,7% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 1,06 triệu tấn cao su, trị giá 1,7 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng, nhưng tăng 1,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 10, Việt Nam xuất sang Malaysia 7,26 nghìn tấn cao su, trị giá 11,47 triệu USD , tăng 22,2% về lượng và tăng 47,8% về trị giá so với tháng 9/2024. So với tháng 10/2023 tăng tới 861% về lượng và tăng 1.240% về trị giá. Đây cũng là tháng ghi nhận mức sản lượng và kim ngạch cao nhất từ đầu năm đến nay.

 - Ảnh 1.

Xuất khẩu cao su sang thị trường Malaysia khả quan.

Tính từ đầu năm, Malaysia chi 35,17 triệu USD để nhập khẩu 24,8 nghìn tấn cao su từ Việt Nam, tăng 349% về lượng và tăng 405% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Điều này giúp Malaysia đứng thứ 2 về lượng và đứng thứ 3 về kim ngạch trong các thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện Việt Nam có diện tích trồng cây cao su khoảng 930.000 ha với sản lượng mủ đạt 1,3 triệu tấn/năm. Mặc dù sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm nay giảm đáng kể, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng nhờ giá xuất khẩu thời gian qua luôn ở mức cao. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu cao su nước ta năm 2024 dự báo đạt 3 - 3,5 tỷ USD, tăng 200 - 400 triệu USD so với năm 2023.

Từ đầu tháng 11/2024 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á tăng nhẹ so với cuối tháng trước, thị trường được hỗ trợ bởi triển vọng kinh tế tại Trung Quốc lạc quan và dự đoán mức thuế quan từ chính quyền Tổng thống mới trúng cử của Hoa Kỳ đã thúc đẩy đà tăng.

Ngành cao su Malaysia "chỉ còn là cái bóng mờ nhạt"

Ông Ahmad Ibrahim, nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Ungku Aziz - Đại học Malaya (Universiti Malaya, Malaysia) cho biết trong một bài viết đăng trên tờ The Malaysian Insight mới đây rằng ngành cao su thiên nhiên Malaysia phải thay đổi mô hình kinh doanh.

Cụ thể, ông viết: “Cao su thiên nhiên Malaysia từng là trụ cột chính của nền kinh tế quốc gia. Nhưng giờ thì không còn nữa. Sản lượng của chúng ta đã giảm từ vị trí số 1 thế giới xuống vị trí thứ 9. Tôi đã gia nhập Viện Nghiên cứu Cao su Malaysia, RRIM, vào năm 1973 khi ngành cao su thiên nhiên của chúng ta thực sự thống trị thế giới. Các hội nghị về cao su thiên nhiên mà chúng ta tổ chức đã thu hút tất cả những tên tuổi lớn trong ngành cao su thế giới. Bất kỳ tuyên bố nào của các nhà lãnh đạo cao su của chúng ta đều được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới coi trọng như những định hướng chính sách tiềm năng. RRIM đã hưởng được vị thế mà một quốc gia đang phát triển nhỏ hiếm khi có được”.

 - Ảnh 2.

Sản lượng cao su giảm đã ảnh hưởng đến chuỗi giá trị tại Malaysia.

Tuy nhiên, theo ông Ahmad Ibrahim, ngành công nghiệp này của Malaysia chỉ còn là cái bóng mờ nhạt. Những năm gần đây đã chứng kiến khó khăn chồng chất, đặc biệt là các ngành thượng nguồn và trung nguồn. Sản lượng và giá cao su giảm trong nhiều năm là nguyên nhân chính. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do cạnh tranh để đảm bảo đủ lao động thu hoạch mủ. Thực tế là các công ty đồn điền lớn đã chuyển khỏi việc trồng cao su cũng góp phần cho tình hình trầm trọng này, theo ông Ahmad Ibrahim.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chủ sở hữu của các đồn điền cao su nhỏ không còn là nông dân toàn thời gian nữa. Họ cũng phụ thuộc vào lao động bên ngoài. “Không có gì ngạc nhiên khi chỉ có chưa đầy 400.000 ha trong số 1 triệu ha được canh tác được khai thác. Hầu hết được thu thập dưới dạng mủ chén, ông viết.

Ông còn cho rằng, sự suy giảm sản lượng như vậy đã tác động đến hoạt động kinh doanh chế biến cao su trung gian. Nhiều công ty đã đóng cửa. Một số đã chuyển sang Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Những công ty vẫn hoạt động phải nhập khẩu mủ chén từ xa như Châu Phi. Nhưng với thông báo gần đây của Bờ Biển Ngà về việc ngừng xuất khẩu, nguồn cung đó đã bị thu hẹp.

“Nhiều nhà máy SMR (cao su tiêu chuẩn - PV) đang hoạt động dưới công suất. Tình hình còn tệ hơn nhiều đối với các nhà máy cô đặc mủ cao su. Các nhà máy sản xuất găng tay lớn của đất nước, vốn có doanh thu bội thu trong thời kỳ đại dịch, đã phải dựa vào hàng nhập khẩu. Nhưng với sự mở rộng gần đây trong hoạt động kinh doanh găng tay của Trung Quốc, các công ty găng tay của chúng tôi đang chịu áp lực. Goodyear, một nhà sản xuất lốp xe đa quốc gia, gần đây đã rời khỏi đất nước vì vấn đề cung cấp nguyên liệu thô”, ông viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại