Theo tạp chí MW, ngày 28/11 năm nay, các lực lượng vũ trang Iran đã tiết lộ một mô hình tàu khu trục tàng hình thế hệ mới, hiện đang được phát triển và có tên gọi là "Dự án Hormuz".
Đây là dự án mới nhất nằm trong chuỗi các chương trình vũ khí tham vọng của Iran, như máy bay không người lái ‘tàng hình’, tàu ngầm mang tên lửa hành trình, các hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm xa và thậm chí một mẫu tiêm kích tàng hình đang được phát triển theo chương trình Qaher-313.
Tàu khu trục mới của Iran được giới thiệu có lượng giãn nước 3.000 tấn, được xếp vào loại tàu tuần dương cỡ nhỏ ở một số quốc gia. Mặc dù có lượng giãn nước không mấy ấn tượng đối với một mẫu tàu khu trục nhưng chiếm hạm của Iran được cho là sẽ có khả năng tác chiến vượt xa bất cứ con tàu nào khác đang có trong biên chế nước này.
Cụ thể, mẫu tàu mới có khả năng đạt tốc độ tới 40 hải lý, diện tích phản xạ radar rất thấp và trang bị đến 96 ống phóng tên lửa thẳng đứng để triển khai tên lửa đất-đối-không, cũng như tên lửa hành trình.
Để so sánh, tàu khu trục Type 052D của Trung quốc chỉ có 64 ống phóng, trong khi tàu khu trục hạng nặng Arleigh Burke của Mỹ có 90 ống phóng.
Sở dĩ chiến hạm của Iran có thể bố trí được nhiều ống phóng như vậy là do kích cỡ tên lửa của Iran khá nhỏ nếu so với tên lửa DK-10A của Trung Quốc, hầu hết đều là tên lửa đất-đối-không tầm ngắn.
Tàu khu trục hạng nặng Arleigh Burke của Mỹ.
Ngoài các tên lửa đất-đối-không nội địa được thiết kế dựa trên dòng Bavar hoặc Khordad, tàu khu trục của Iran có vẻ sẽ triển khai cả các tên lửa hành trình dựa theo dòng C-802 của Trung Quốc. Các tên lửa này được sản xuất tại Iran theo giấy phép với tên gọi Qadar và hiện đã được trang bị cho một số tàu chiến, cũng như máy bay của Tehran.
Tàu khu trục mới của Iran đang được so sánh với tàu tác chiến cận bờ (LCS) với lượng giãn nước cũng khoảng 3.000 tấn.
Các tàu khu trục mới của Iran cũng sẽ triển khai hệ thống phòng thủ gầm gần Kamand – tương đương với tổ hợp Phalanx của Mỹ. Bên cạnh đó, nó còn có radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) và sàn đáp với 2 nhà chứa trực thăng.
Hiện vẫn chưa rõ chi phí dành cho mẫu tàu mới của Iran là bao nhiêu nhưng xét về hiệu quả chi phí nhìn chung của ngành công nghiệp quốc phòng Iran thì có lẽ nó chỉ bằng một phần chi phí của dự án LCS Mỹ.
Iran cũng chưa công bố khi nào tàu sẽ được đưa vào biên chế nhưng theo MW, với tình hình tài chính hiện nay, có lẽ vấn đề hiện đại hóa các hệ thống phòng không sẽ được ưu tiên, khiến dự án Hormuz bị trì hoãn.
Iran tiết lộ thiết kế tàu chiến mới - Dự án Hormuz