Động thái của Anadolu được cho là phản ứng trực tiếp của chính quyền tổng thống Recep Tayyip Erdogan trước việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đại diện Lực lượng Syria dân chủ Syria (SDF) của người Kurd ở Paris hôm 29, và cam kết Pháp sẽ ủng hộ SDF.
Năm cơ sở quân sự được cho là phân bố chủ yếu ở phía Bắc của Syria, nằm trong các khu vực do SDF - với sự hậu thuẫn của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu - hậu thuẫn. Theo Anadolu, gần 70 binh sĩ Pháp đang hoạt động ở vùng Đông Bắc Syria.
Nếu tấm bản đồ được xác thực thì thông tin trong đó có thể gây nguy hiểm cho lính Pháp đóng tại Syria. Theo France24, đây là lời cảnh báo từ chính quyền Erdogan tới Paris, bởi đại diện SDF đã tuyên bố sau cuộc gặp với ông Macron rằng Pháp cam kết sẽ gửi thêm quân tới Manbji để hỗ trợ người Kurd trong cuộc đối đầu với chiến dịch "Cành ô-liu" do Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh tiến hành.
Một nguồn tin thân cận với tổng thống Macon cũng tiết lộ, Pháp có thể gia tăng đóng góp quân sự trong liên quân Mỹ để ủng hộ SDF. Tuy nhiên, văn phòng tổng thống Macron ngày 30 phủ nhận thông tin trên, cho biết "Pháp không có kế hoạch về bất kỳ chiến dịch quân sự nào tại miền Bắc Syria, bên ngoài khuôn khổ liên minh quốc tế chống IS".
Tấm bản đồ phân bố cơ sở quân sự Pháp ở miền Bắc Syria, do Anadolu đăng tải trong bài viết "Lính Pháp hợp tác với YPG/PKK", tháng 3/2018 (Ảnh: Anadolu)
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/3 chỉ trích cam kết của Paris với người Kurd là hành động bảo trợ khủng bố, và có thể biến Pháp thành "mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ".
Tổng thống Erdogan nói Pháp đã "có bước tiếp cân hoàn toàn sai lầm" trong vấn đề Syria, và cho biết thêm rằng ông đã có cuộc trao đổi khá gay gắt với đồng cấp Macron vào tuần qua.
Sự chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Pháp chỉ là rạn nứt mới nhất trong quan hệ giữa Ankara với các đồng minh NATO ở phương Tây. Nước này thường xuyên phàn nàn về việc liên quân Mỹ hậu thuẫn SDF, lực lượng có nòng cốt là Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) mà Ankara xác định là "tổ chức khủng bố" có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn đồng minh "tránh đường"
Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Bekir Bozdag cảnh báo lập trường của Paris đang đặt Pháp vào thế đối địch với Ankara.
"Các bên hợp tác và chung chiến tuyến với những nhóm khủng bố chống lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng giống như những kẻ khủng bố đó," ông Bozdag tuyên bố trên Twitter. "Chúng tôi mong rằng Pháp không hành động thiếu lý trí như thế."
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm thế thượng phong với chiến dịch "Cành ô-liu", và đã đánh bật lực lượng YPG khỏi khu vực Afrin do người Kurd kiểm soát trước đó.
Văn phòng tổng thống Pháp khẳng định ông Macron đã đề nghị đóng vai trò hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ với SDF. Tuy nhiên, đề xuất này bị Ankara thẳng thừng bác bỏ.
Tổng thống Erdogan đáp trả: "Đừng cố làm những việc vượt ngoài tầm của quý vị. Chúng tôi không cần một nhà hòa giải."
Quân Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh FSA đã đánh bật YPG ra khỏi Arin vào giữa tháng 3/2018 (Ảnh: AP)
Trong khi đó, Mỹ lại khiến các đồng minh hoang mang, sau khi tổng thống Donald Trump ngày 29/3 đề cập Mỹ sẽ nhanh chóng "rời khỏi Syria". Cùng ngày, ông Trump có cuộc điện đàm với ông Erdogan để thảo luận về các tiến triển trong khu vực và mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Mỹ-Thổ.
"Hai nhà lãnh đạo bày tỏ ủng hộ các nỗ lực không ngừng nhằm gia tăng hợp tác giữa hai nước, và thúc đẩy lợi ích chung trong vai trò các đồng minh NATO, và xử lý những vấn đề còn tác động đến quan hệ song phương," thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho hay.