Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều học sinh, sinh viên tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM đã và đang phải tiến hành học tập qua hình thức online (trực tuyến). Chính điều này đã khiến nhu cầu mua sắm các trang thiết bị phục vụ việc học online tăng cao. Tuy nhiên, với nhiều người dùng không quá rành rẽ công nghệ, việc mua một chiếc máy tính có cấu hình phù hợp với nhu cầu và túi tiền cũng không thực sự đơn giản.
Dưới đây là các gợi ý cấu hình để các bạn xây dựng một bộ PC từ 5-6 triệu đồng- khoảng giá phù hợp với mục đích học online & giải trí nhẹ nhàng.
CPU: Intel Pentium Gold G6400 hoặc AMD Athlon 3000G
Với một bộ PC văn phòng giá rẻ, thay vì lựa chọn các mẫu CPU có giá bán trên 3 triệu đồng, người dùng chỉ nên lắp đặt các mẫu CPU có giá bán dưới 2 triệu đồng. Ở phân khúc này, có 2 đại diện để người dùng lựa chọn: Pentium Gold G6400 của Intel và Athlon 3000G của AMD. Đây cũng là 2 mẫu CPU rẻ nhất của Intel và AMD, trang bị 2 nhân / 4 luồng, phát triển trên tiến trình 14nm.
Nếu so sánh về mặt hiệu năng, Pentium Gold G6400 mạnh hơn Athlon 3000G khoảng 23%, do có xung nhịp cao hơn 500 Mhz, theo số liệu từ HWBench.
Mặc dù là CPU phân khúc phổ thông, khả năng xử lý của 2 mẫu CPU này vẫn quá đủ để ‘cân tất’ các ứng dụng học online như Zoom, hay các tác vụ văn phòng cơ bản. Đáng chú ý, iGPU (hay VGA tích hợp) trang bị trên Pentium Gold G6400 Athlon 3000 cũng có hiệu năng khá tốt. Nếu không có nhu cầu mua card đồ họa rời, các iGPU này hoàn toàn đủ sức để chơi các tựa game cấu hình nhẹ như Esports, hay các tác vụ giải trí như lướt web, xem phim.
Mainboard: Chipset A320M cho AMD, và H410 cho Intel
Với Intel Pentium Gold G6400 / AMD Athlon 3000G, các mainboard sử dụng chipset phổ thông, như H410 (hỗ trợ CPU Intel dòng Comet Lake) và A320M (hỗ trợ CPU AMD dòng Athlon / Ryzen) là lựa chọn tối ưu nhất về chi phí.
Theo đó, các mainboard giá rẻ sử dụng chipset này có chất lượng linh kiện ổn, trang bị các tính năng cơ bản. Bên cạnh đó, số lượng cổng kết nối cũng đủ dùng cho nhu cầu người dùng như 2 khe cắm RAM DDR4, 1 khe cắm card đồ họa rời PCI Express 3.0 x16, có thể cắm tối đa 4 ổ HDD / SSD chuẩn SATA 3, cổng xuất hình chuẩn HDMI.
RAM: Dung lượng 8GB, tốc độ bus 2666 Mhz
Ngoại trừ các ứng dụng chỉnh sửa ảnh / video quá ‘ngốn RAM", ở thời điểm 2021, mức dung lượng 8GB ở vẫn quá đủ để người dùng lướt web, chơi game, xem phim, học online hay mở nhiều tác vụ cùng lúc.
Bên cạnh đó, 1 thanh RAM DDR4 có tốc độ bus 2666 Mhz đủ phục vụ cho nhu cầu cơ bản (và không có ý định ép xung CPU), đồng thời tương thích với cả hệ thống chạy CPU AMD và Intel. Bên cạnh đó, bạn nên lựa chọn các thanh RAM DDR4 cơ bản không gắn tản nhiệt hay đèn LED RGB để giảm chi phí. Tuy nhiên, nếu muốn tận dụng thêm đôi chút hiệu năng, người dùng có thể mua 2 thanh RAM DDR4 dung lượng 4GB (cùng hãng, cùng bus) để chạy chế độ Dual Channel (kênh kép).
SSD: Chuẩn SATA3, dung lượng tối thiểu 240GB
Nếu không có nhu cầu lưu trữ quá lớn, một ổ cứng thể rắn (SSD) chuẩn SATA3, dung lượng tối thiểu 240GB sẽ là lựa chọn hợp lý hơn so với ổ cứng cơ học (HDD) có dung lượng 1TB trở lên. Theo đó, việc trang bị ổ SSD dù là rẻ tiền nhất (thay vì HDD) sẽ giúp thời gian khởi động của Windows sẽ được rút ngắn rất nhiều lần, trong khi việc mở các ứng dụng diễn ra mượt mà hơn rất nhiều.
Nguồn máy tính công suất 400-500W, chuẩn 80 Plus trở lên
Để hệ thống có thể chạy ổn định, ít hư hỏng, người dùng không nên quá tiết kiệm khi chọn mua mẫu linh kiện này. Nếu lựa chọn một PSU có chất lượng kém, khả năng rất cao các linh kiện sẽ ‘chết bất đắc kỳ tử’.
Với riêng một bộ PC văn phòng không gắn card đồ họa rời, người dùng nên lựa chọn bộ nguồn (PSU) có công suất khoảng 400-500W, đạt chuẩn 80 Plus trở lên. Với mức công suất này, trong trường hợp người dùng muốn gắn thêm card đồ họa rời trong tương lai, PSU vẫn có thể đáp ứng được. Trong khi đó, các bộ nguồn đạt chuẩn tiêu chuẩn 80 Plus trở lên thường sử dụng linh kiện chất lượng tốt, cũng như áp dụng các công nghệ mới nhất.
Tổng kết lại, chúng ta có thể xây dựng được 2 bộ PC sử dụng CPU Intel và AMD như sau:
Cấu hình PC dùng chip Intel (Tổng chi phí: 6,08 triệu đồng): CPU Pentium Gold G6400 (1,8 triệu đồng); mainboard ASROCK H410M-HVS (1,599 triệu đồng), RAM DDR4 Kingston 8GB bus 2666 Mhz (820 nghìn đồng); ổ SSD Kingston A400 chuẩn SATA3, dung lượng 240GB (850 nghìn đồng); nguồn máy tính GAMEMAX VP-500 công suất 500W chuẩn 80 plus bronze (729 nghìn đồng); vỏ case văn phòng cơ bản (300 nghìn đồng).
Cấu hình PC dùng chip AMD (Tổng chi phí: 5,299 triệu đồng): CPU Athlon 3000GB (1,4 triệu đồng), mainboard Asrock A320M-HDV (1,2 triệu đồng), RAM DDR4 Kingston 8GB bus 2666 Mhz (820 nghìn đồng); ổ SSD Kingston A400 chuẩn SATA3, dung lượng 240GB (850 nghìn đồng); nguồn máy tính GAMEMAX VP-500 công suất 500W chuẩn 80 plus bronze (729 nghìn đồng); vỏ case văn phòng cơ bản (300 nghìn đồng).
Cần lưu ý, chi phí trên chưa bao gồm chi phí các thiết bị chuột, bàn phím, tai nghe và màn hình. Để phục vụ việc học online, người dùng có thể lựa chọn các mẫu chuột bàn phím có giá 100-200 nghìn đồng, tai nghe có micro khoảng 300 nghìn đồng.
Ngoài ra, một mẫu màn hình PC có kích thước 21,6 inch, độ phân giải Full HD có giá tiền từ 2-2,5 triệu đồng sẽ là lựa chọn hợp lý về chi phí và khả năng hiển thị. Như vậy, tổng chi phí bạn phải bỏ ra sẽ dao động trong khoảng từ 8-9 triệu đồng.