Tục mua muối đầu năm và những điều kiêng kị trong ngày mùng 1 Tết

Tổng hợp |

Người Việt ta có tục mua muối đầu năm để lấy may và kiêng quét nhà, kiêng cho nước, cho lửa…

Đầu năm mua muối

Người Việt ta vẫn hay truyền tai nhau nhau câu dân gian "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bởi thế, người ta thường rắc muối ra đường và xung quanh nhà với mong muốn bình yên.

Cũng xuất phát từ câu tục ngữ "gừng cay muối mặn", muối được xem là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Vì vậy, mua muối đầu năm với mong muốn gia đình hòa thuận, anh em keo sơn gắn bó.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người tâm niệm đầu năm mua muối cả năm sẽ làm ăn phát đạt, may mắn, thuận lợi, sung túc.

Theo đó, vào sáng mùng 1 ở Hà Nội thường có người đi bán muối dạo. Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi người ta cho rằng mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm.

Thêm một ý nghĩa nữa của việc mua muối đó là chúng ta tự răn mình tiết kiệm trong ăn uống chi tiêu để để dành tiền "cuối năm mua vôi" xây nhà.

Những điều tối kị trong ngày mùng 1 Tết

Quét nhà: Theo quan niệm của người xưa truyền lại, ngày mùng 1 Tết tuyệt đối không quét nhà. Nếu quét nhà trong ngày này đồng nghĩa với việc quét hết tài lộc, may mắn ra ngoài. Chính vì vậy, nếu nhà bẩn mọi người chỉ nhặt rác mà không động đến chổi quét nhà.

Vay mượn tiền bạc: Nhiều người cho rằng không nên vay mượn tiền bạc vào những ngày đầu xuân năm mới. Bởi sự vay mượn báo hiệu điềm xấu, sự túng thiếu sẽ đến với người đi vay mượn trong cả năm tới. Bên cạnh đó, mọi người tránh nhắc nợ nhau vào ngày đầu xuân năm mới.

Kiêng cho nước, lửa: Đây là tục kiêng rất quan trọng đối với người xưa. Theo đó, lửa và nước được cho là tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Vì vậy, nếu cho lửa tức là cho người khác cái đỏ, cái may mắn của bản thân. Cả năm sẽ không giữ được tiền bạc, may mắn.

Tương tự với nước- vốn được ví như nguồn tài lộc, nếu bị xin thì sẽ mất lộc, mất tiền tài trong cả năm.

Trong tục xưa còn có lệ thuê người gánh nước vào sáng mùng 1 Tết. Những người gánh nước cũng được mừng tuổi, cả chủ nhà lẫn người gánh thuê cả năm sẽ đều may mắn.

Không làm đổ, vỡ đồ đạc: Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kỵ.

Kỵ đánh thức người khác sáng mùng 1: Nếu đi chúc Tết sáng mùng 1, gặp người đang ngủ, khách không nên đánh thức họ dậy mà người đó tỉnh táo mới được chúc. Nhiều người cho rằng làm như vậy sẽ khiến người ta bị "trù ẻo" cả năm phải nằm trên giường.

Người nhà cũng không giục nhau dậy vào mùng 1 vì quan niệm người nằm ngủ sẽ chịu sự thúc giục về công việc, cuộc sống suốt năm.

Kỵ mai táng: Ngày mùng 1 là ngày vui của mọi người nên nhà nào có tang sẽ cất khăn tang trong 3 ngày. Nếu chẳng may có người nhà mất vào ngày mùng 1, gia chủ sẽ không phát khăn tang mà để đến sáng mùng 2. Những gia đình có tang đều tránh đi chúc Tết, thăm hỏi gia đình người khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại