Cứ mỗi chiều 30 Tết , ông bà thường nhắc nhở con cháu mua lá mùi già về đun nước tắm - điều này đã trở thành truyền thống từ xưa và được lưu giữ đến tận ngày nay. Tuy nhiên, ý nghĩa của tục lệ này như thế nào không phải ai cũng biết.
Chia sẻ về tục lệ này, nghệ nhân dân gian Ánh Tuyết cho biết: "Chiều tối 30 Tết, trước giao thừa, già trẻ lớn bé sẽ tắm lá mùi - đó là truyền thống từ xưa đến nay.
Theo quan niệm, lá mùi sẽ giúp tẩy uế, tiễn những đen đủi của năm cũ đi.
Bên cạnh đó, lá mùi cũng có nhiều ý nghĩa về mặt khoa học, người Nhật đã nghiên cứu về lá mùi, lá mùi nếu ăn vào giúp tẩy sạch đường ruột và giúp bình ổn huyết áp, giúp tinh thần nhẹ nhàng hơn. Lá mùi cũng là đặc trưng, tạo nên hương vị của ngày Tết. Cứ thấy hương lá mùi là thấy Tết".
Lá mùi được dùng để tắm thường sẽ là lá mùi già, nếu lá mùi đã trổ hoa, kết trái thân dần được chuyển nâu tía khi tắm sẽ càng thơm, tắm xong vẫn sẽ phảng phất hương tới 2-3 ngày.
Cứ thấy lá mùi là thấy Tết. Ảnh: songhuuco.vn
Những ông, bà đã có tuổi thường quan niệm thấy hương mùi là thấy Tết. Dường như khi tắm xong bằng lá mùi, ai cũng sẽ cảm thấy những đen đủi, nỗi buồn năm cũ được trôi sạch chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để đón năm mới nhiều niềm vui và may mắn hơn.
Cách chuẩn bị nước tắm lá mùi
Để đun nồi nước tắm lá mùi cho cả nhà, bó lá mùi cần được rửa sạch, không để nát lá, chỉ cần 2 bó lá mùi cũng đủ dậy hương cho cả nhà.
Bước 1: Chuẩn bị: muối, nước, gừng, lá mùi
Bước 2: Rửa thật sạch lá mùi, ngâm với nước muối pha loãng. Gừng nạo vỏ, rửa sạch rồi đập dập.
Bước 3: Cho lá mùi và gừng đã đập dập vào nồi lớn, đổ ngập nước đun đến khi sôi
Bước 4: Chắt nước lá mùi đã đun sôi ra chậu, thêm một chút muối và hòa loãng với nước ấm và tắm.